Bên bờ hạnh phúc

Theo Đại Nam nhất thống chí, chùa Tiên Châu do Hoà thượng Huỳnh Đức Hội “khai sơn”. Hòa thượng Đức Hội có pháp danh Tánh Minh, đời thứ 39 phái Lâm Tế, dòng Liễu Quán. Qua pháp danh, chúng ta biết Hoà thượng Đức Hội là đệ tử của Hòa thượng Đạo Thành, người đã khai sáng chùa Khánh Long (Biên Hòa) và chùa Hội Sơn (Thủ Đức). Do đó, có thể suy luận, Hoà thượng Đức Hội là người vùng Biên Hòa – Gia Định. Ngài là vị chủ trì đời thứ ba của chùa Hội Sơn và đến xây dựng chùa Tiên Châu.

Chùa Tiên Châu – cù lao An Bình

Cũng theo Đại Nam nhất thống chí, chùa Tiên Châu ở cù lao sông Tiền thuộc làng Bình Lương và An Thành (nay là ấp Bình Lương, xã An Bình huyện Long Hồ, cách thành phố Vĩnh Long khoảng một cây số, nhưng phải qua sông Cổ Chiên). Tên chính thức của chùa Tiên Châu là Di Đà Tự (Tiên Châu Di Đà Tự) vì chùa này thờ phật Di Đà, giáo chủ cõi Tây Phương cực lạc. Theo truyền thuyết, hai làng Bình Lương và An Thành mặc dù cách nơi đô hội không xa nhưng không khí tĩnh mịch, cây cối tốt tươi. Tại nơi đây có xóm chài lướI, cửa nhà thưa thớt. Những đêm trăng thanh gió mát, thỉnh thoảng có tiên nữ xuống trần tắm gội và đùa giỡn. Do đó, bãi sông này được đặt tên là Bãi Tiên (Tiên Châu) hay bãi Bích Trân. Vùng đất này lại có nhiều rạch lớn, rạch nhỏ, ghe thuyền có thể đi tắt qua lại nên còn tên là bãi Bát Tân (có nghĩa là đi bốn phương tám hướng). Chùa Di Đà ở tại thắng cảnh đẹp như xứ lụa Tô Châu nên còn có tên là chùa Tô Châu.

Sau khi Hòa thượng Đức Hội viên tịch, có Hòa thượng Tế Triệt tức Giác Nguyên ở chùa Sắc Tứ Từ Ân (Gia Định) đến hành đạo. Một thời gian sau, Hòa thượng Tế Triệt về khai sáng chùa Tân Long ở Cao Lãnh, các đệ tử của Ngài tiếp tục sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.

Mãi đến cuốI thế kỷ thứ XIX, các vị sư ở chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) qua hành đạo. Giai đoạn này, chùa Di Đà đã bị xuống cấp nên tín đồ Phật tử đã trùng tu tái thiết lại ngôi chùa vào năm Kỷ Hợi (1899). Từ đó, ngôi chùa có tên chính thức là Tiên Châu Tự, còn danh hiệu Tiên Châu Di Đà tự gần như đi vào dĩ vãng.

Di Đà Tự là một đại già lam, bãi Tiên là một thắng cảnh. Do đó, từ xưa đến nay có nhiều tài tử giai nhân đến viếng cảnh, ngâm vịnh.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Đức có bài thơ vịnh Bãi Tiên như sau :

Tiên Châu giăng trước Vĩnh Long thành
Đây rộn rịp nhiều đó vắng tanh
Khuất nửa cỏ cây nhà trắng trắng
Chia hai trời nước liễu xanh xanh

Cảnh người ngày tháng ba thằng mục
Chùa Phật hôm mai một tiếng kình
Danh lợi vì đây lòng chẳng tưởng
Bốn mùa phong cảnh có ai tranh.

Hiện nay cảnh vật nơi đây đã có nhiều đổi thay. Xung quanh chùa Tiên Châu hiện nay trở thành khu lao động, cửa nhà san sát.

Chùa Tiên Châu hiện giữ được quy mô năm Kỷ Hợi (1899), gồm bốn nóc : tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Các khu vực vừa kể thường làm theo kiểu tứ trụ, được nớI rộng theo chiều ngang dọc nhờ các kèo đấm kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho.

Nội điện chùa Tiên Châu được trang trí đẹp đẽ. Giữa tứ trụ là một khánh thờ, bên trong tôn trí một pho tượng Phật Di Đà bằng đất sét khổng lồ. Hai bên khánh thờ có câu đối sơn mài, khắc dòng chữ :

Phật nhật tăng huy vĩnh thùy vạn cổ
Pháp luân thường chuyển biến thập phương

Dưới tượng Di Đà vừa kể là bộ tượng Tam Thế, tượng Thích Ca tọa thiền, Thích Ca sơ sinh. Phía sau, đâu lưng với tượng Di Đà là tượng Di Lặc cũng to lớn đặc biệt.

Hai bên vách hông là khánh thờ thần Già Lam, khánh thờ Tổ sư Bồ Đề Lạt Ma, Thập Điện Diêm Vương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Địa Tạng, Chuẩn Đề, Hộ Pháp, Tiêu Diện Đại Sĩ.

Chùa có một bộ bao lam chạm Thập Bát La Hán, hai bộ chạm hoa điểu khá tinh tế.

Trung Đường và nhà tổ là nơi thờ các vị Tổ sư Tiền bốI và thiện nam, tín nữ đã quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên treo rất nhiều tranh khuyến thiện và những câu đối có ý nghĩa thâm trầm :

Mộ cổ thành chung, cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách
Kinh thanh Phật hiệu, hoán hồi khổ hải mộng mê nhân.

(Sáng trống chiều chuông, cảnh tỉnh khách say dòng danh lợi
LờI kinh hiệu Phật, đổi thay người mộng mê trong biển khổ)

Trong một thế kỷ nay, chùa Tiên Châu được sửa đổi nhiều lần mà lần sửa đổi quan trọng nhất là xây dựng mặt tiền vào năm 1960 như chúng ta thấy hiện nay. Lần xây dựng này dùng toàn vật liệu hiện đại. Giữa là một căn nhà lầu có năm ngọn tháp trong tôn trí tượng Phật Thích Ca, nhưng phía trước có ba chữ “Tiên Châu Tự” và một câu đối ca tụng. Hai gian bên làm theo kiểu cổ lầu, trong tôn trí tượng Thiện Hữu và Ác Hữu, cũng có hoành phi, câu đối ca tụng.

Chùa Tiên Châu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994 (Quyết định số 3211-QĐ, ngày 12/12/1994).

Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *