Bên bờ hạnh phúc

Chùa Long Khánh tọa lạc tại số 28 – đường 8/3 – khu vực 4 – khóm B – Phường 5 – thành phố Vĩnh Long. Chùa Long Khánh cách trung tâm thành phố Vĩnh Long 1.800 mét về phía Đông Nam.

Chùa Long Khánh ở Phường 5 – thành phố Vĩnh Long

Chùa Long Khánh được tạo lập từ giữa thế kỷ thứ XIX. Lúc đầu, chùa được cất đơn sơ tre lá. Đến đầu tháng 12 năm 1912, bà Nguyễn Thị Mai – một tín đồ sùng đạo trong làng Long Thanh (tổng Bình Thiềng – Đệ nhất Quận – tỉnh Vĩnh Long) – tự nguyện hiến 5 ha đất để trùng tu ngôi chùa và là nguồn hoa lợi sinh sống cho các vị tu sĩ.

Vào năm 1943, Hoà thượng Thích Pháp Vân – tên thật là Dương Bá Thạnh – sinh năm 1904, quê xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình đến chùa Long Khánh làm trụ trì. Ngay thời gian đầu về chùa, thầy Thích Pháp Vân đã nuôi chứa cán bộ cách mạng và tham gia các hoạt động cách mạng : in truyền đơn, biểu ngữ, vận động nhân dân hưởng ứng hiến nhiều tiền bạc ủng hộ cho kháng chiến chống Pháp. Thầy cho xây một vách đôi tại gian hậu Tổ, làm hầm bí mật nuôi chứa cán bộ.

Đến năm 1954, đất nước chuyển sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chùa Long Khánh vẫn tiếp tục là cơ sở an toàn của cách mạng.

Năm 1967, do nhu cầu bám trụ trong lòng địch, nhiều cán bộ lãnh đạo của thành phố Vĩnh Long thường xuyên về chùa Long Khánh. Hoà thượng Pháp Vân cùng một số cán bộ đào hầm bí mật tại gian chánh điện. Thời điểm này, chùa Long Khánh là đầu mốI liên lạc của nhiều nơi như Mặt trận Dân tộc Giảiphóng miền Nam khu 8, Trí vận và binh vận khu 8, Tôn giáo vận thành uỷ Mỹ Tho… Những năm 70, chùa Long Khánh vẫn tiếp tục là nơi nuôi chứa cán bộ, thầy Thích Pháp Vân vẫn quyên góp vật chất để tiếp tế cho bộ đội tới ngày thống nhất đất nước 30/04/1975.

Hơn 30 năm trụ trì chùa Long Khánh, Hoà thượng Thích Pháp Vân đã tạo ra cho cách mạng một cơ sở đáng tin cậy, an toàn, góp phần thực hiện mong ước hòa bình, độc lập của cả dân tộc. Điều đáng nói hơn hết là hoạt động của chùa xuyên suốt từ năm 1943 đến năm 1975 mà không hề bị lộ.

Năm 1979, Hoà thượng Thích Pháp Vân viên tịch, chùa Long Khánh không ai trụ trì. Sau đó, ni sư Thích Nữ Trí Tiên Tiên về trụ trì chùa Long Khánh cho tới nay.

Nhìn tổng thể, chùa là một quần thể kiến trúc khá rộng với nhiều tòa nhà nối nhau, bao gồm : chánh điện, thiên tĩnh, phòng khách, phòng thuốc nam, nhà ăn, nhà trù (nhà bếp) và hậu Tổ.

Ngày 17/03/1999 Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tặng Hoà thượng Thích Pháp Vân Huy chương kháng chiến hạng Nhất vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc và Huân chương kháng chiến hạng Nhì vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chùa Long Khánh được UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định số 970/QĐ ngày 17 tháng 04 năm 2003 công nhận Di tích lịch sử cách mạng.

Theo sách Di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *