Sáng ngày 17/10, 148 đại biểu của hành trình Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển đã đổ bộ lên Đồn biên phòng Cổ Chiên tại bến Thạnh Phong thuộc huyện Thạnh Phú – tỉnh Bến Tre. Hành trình Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển – do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển – đã được bắt đầu từ ngày 4/10 với điểm khởi hành là bến K20 tại thành phố Hải Phòng. Tính đến thời điểm này, hành trình đã đi qua 4 trong số 6 điểm dừng chân trên con đường huyền thoại, đó là bến Sông Gianh tại tỉnh Quảng Bình, bến Sa Kỳ tại tỉnh Quảng Ngãi, bến Vũng Rô tại tỉnh Phú Yên và bến Lộc An tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau bến Thạnh Phong, hành trình sẽ tiếp tục ghé bến Vàm Lũng ở Cà Mau và kết thúc tại cảng Cát Lái – TPHCM.
Thành viên chủ yếu trong chuyến hành trình bao gồm 10 cựu thủy thủ của Đoàn tàu không số năm xưa và 138 đoàn viên ưu tú đại diện cho lực lượng đoàn viên thanh niên của 63 tỉnh – thành trong cả nước. Được tiến hành trên con tàu có số hiệu HQ 996 của lực lượng Vùng 5 Hải quân, vượt hơn 1.000 hải lý từ Bắc vào Nam, cuộc hành trình trên biển kéo dài 20 ngày này vừa là dịp để các CCB Đoàn tàu không số thăm lại chiến trường xưa, vừa tạo điều kiện giúp các đoàn viên thanh niên ưu tú thực hiện một học kỳ đặc biệt – học kỳ trên biển, bao gồm nhiều hoạt động như đền ơn đáp nghĩa, tìm hiểu lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, truyền thống anh hùng của lực lượng hải quân, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên – văn hóa – đời sống vùng miền, gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử và lực lượng đoàn viên thanh niên tại một số địa phương mà hành trình đi qua, thể hiện tài năng cá nhân trong mọi lĩnh vực sáng tạo, vân vân…
Tại các địa phương mà Đoàn dừng chân, chủ yếu diễn ra hai hoạt động chính. Thứ nhất là CCB thăm chiến trường xưa, gặp gỡ, thăm hỏi đồng chí, đồng đội, đồng bào đã từng chung công tác trên con đường huyền thoại hơn 40 năm về trước, đồng thời tham dự một số hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Bằng nguồn kinh phí của Trung ương Đoàn, của quân chủng Hải quân hoặc do địa phương vận động từ các tổ chức đoàn thể, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, Đoàn phối hợp tặng quà cho con em các gia đình có công lao đóng góp cho con đường huyền thoại và các gia đình chính sách khác. Tại tỉnh Bến Tre từng có khoảng 400 chiến sĩ tham gia hoạt động trên con đường này, trong đó có hơn 200 người đã hy sinh. Trong buổi lễ đón tiếp đại biểu hành trình Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển ở xãThạnh Phong, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao tặng nhiều phần quà bao gồm kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách. Tỉnh Đoàn Bến Tre phối hợp trao 4 nhà tình thương, 90 xe đạp cho con em của các gia đình từng tham gia hoạt động trên con đường huyền thoại, đồng thời tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 500 đồng bào trong xã.
Hoạt động chủ yếu thứ hai là của lực lượng đoàn viên thanh niên. Tại bến Thạnh Phong, giữa đoàn viên thanh niên tàu HQ 996 và lực lượng đoàn viên thanh niên tiêu biểu tỉnh Bến Tre đã diễn ra một số hoạt động giao lưu và kỷ niệm như tổ chức Hội trại mang tên Thanh niên vì biển – đảo quê hương, trồng cây lưu niệm tại Bia tưởng niệm Tàu không số, tham gia thi đua trong các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền, giao lưu văn nghệ, vân vân…
Từ bến này, vào tháng 8 năm 1960, những người con của quê hương Bến Tre – chính là những người đầu tiên – đã vượt biển tìm đường ra miền Bắc, đề nghị với Bác Hồ và Trung ương Đảng mở một con đường trên biển, vận chuyển vũ khí vào Nam giúp quân dân miền Nam đánh Mỹ. Hai năm sau, vào tháng 11/1962, họ đã thành công trở về với 75 tấn vũ khí. Cũng tại đây, trong 4 năm 1963, 1964, 1965 và 1970, đã có 23 chuyến tàu không số cập bến, chuyển giao gần 1.500 tấn vũ khí cho 600 lượt tàu – thuyền trên bến vận chuyển đi khắp chiến trường miền Tây và chi viện một phần cho chiến trường miền Đông, góp phần làm nên những chiến công vang dội của quân và dân Khu 8.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, con đường huyền thoại tức đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận chuyển vũ khí bí mật từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên con đường ấy đã có 45 tàu không số tham dự, thực hiện 166 chuyến đi, trong đó có 124 chuyến đến các bến ở Nam bộ, vận chuyển 6.613 tấn vũ khí và hàng quân sự. 17 tàu đã bị thiệt hại và 117 đồng chí đã hy sinh. Con đường huyền thoại đã đóng góp một phần đặc biệt quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta trên chiến trường miền Nam, thể hiện trí thông minh, lòng quả cảm của quân dân hai miền Nam – Bắc, sức sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Trong bức điện của đồng chí Võ Văn Kiệt gửi Đoàn 125 Hải quân anh hùng từng có những câu như sau: Năm tháng sẽ qua đi, nhưng chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của những con tàu không số, của quân và dân các bến bãi làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc ta… Ngày 19/10, tàu HQ 996 tiếp tục đưa thành viên hành trình Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển đến bến Vàm Lũng thuộc huyện Ngọc Hiển – tỉnh Cà Mau.
Cuộc gặp lại thật cảm động giữa các CCB năm xưa.
Sau đó, giống như trên bến Thạnh Phong ở Bến Tre, là lễ đón tiếp trang trọng nhưng chân tình giữa lãnh đạo tỉnh Cà Mau, lãnh đạo huyện Ngọc Hiển và lực lượng đoàn viên thanh niên địa phương dành cho các thành viên hành trình Theo dấu tích con đường huyền thoại. Lễ đón tiếp này diễn ra ngay dưới chân Tượng đài Tàu không số bến Vàm Lũng, địa danh đã đi vào lịch sử.
Trong lịch sử con đường huyền thoại, bến Vàm Lũng – bến tiếp nhận chính của Cà Mau, điểm đến cuối cùng của con đường huyền thoại lại chính là bến đầu tiên của con đường này. Tại đây, vào ngày 16/10/1962, chuyến tàu không số đầu tiên mang phiên hiệu Phương Đông I đã cập bến. Từ đó cho đến chuyến hàng cuối cùng vào ngày 5/4/1971, đã có 76 chuyến tàu không số với gần 4.300 tấn hàng quân sự cập bến Vàm Lũng. Nơi đây không chỉ là địa điểm tiếp nhận và vận chuyển vũ khí và hàng hóa quân sự, mà còn là địa bàn ghi dấu bao kỷ niệm về tình quân dân cá nước giữa nhân dân Ngọc Hiển, nhân dân Cà Mau với chiến sĩ cảm tử trên các con tàu 41, 42 và 154.
Một ngày nào đó, chúng tôi nhất định sẽ quay lại nơi đây để tìm hiểu, ghi chép và lưu giữ lại những điều này.
Chiều ngày 19/10, chúng tôi theo chân các đồng chí là cán bộ – chiến sĩ Bộ Tư lệnh Hải quân, thành viên của hành trình Theo dấu tích con đường huyền thoại và lãnh đạo Tỉnh Đoàn Cà Mau, Huyện Đoàn Ngọc Hiển đến xã Tân Ân, thăm gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa.
Ông là một trong số những người tổ chức và lãnh đạo xuất sắc của Đoàn 962. Được thành lập vào tháng 9/1962, Đoàn 962 có nhiệm vụ xây dựng và mở rộng các bến tiếp nhận vũ khí, hàng quân sự dọc bờ biển từ Cà Mau đến Bà Rịa, đồng thời tổ chức vận chuyển đi các chiến trường.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cùng với Vàm Lũng – Tân Ân, Rạch Gốc ở Ngọc Hiển và Hố Gùi, Tân Tiến ở Đầm Dơi, quân dân Cà Mau đã tiếp nhận 124 chuyến tàu, bốc dỡ, cất giữ và vận chuyển 6.545 tấn vũ khí và hàng quân sự đi các chiến trường Nam bộ, góp phần làm nên những chiến công to lớn trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Cùng ngày 19/10, đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã đến dự lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho anh Nguyễn Văn Thọ, thương binh 1/4 ở Khóm 4 – thị trấn Năm Căn – huyện Năm Căn – tỉnh Cà Mau do UBND thị trấn Năm Căn tổ chức. Ngôi nhà trị giá 60 triệu đồng, do cán bộ – chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đóng góp. Nhiều năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân là đơn vị luôn giữ vững truyền thống thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, tri ân đồng đội, những người đã hy sinh máu xương và đóng góp nhiều công lao to lớn vào việc bảo vệ nền độc lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Trước giờ phút chia tay để tàu HQ 996 nhổ neo về bến cuối tại cảng Cát Lái – TPHCM, chuẩn bị kết thúc chuyến hành trình đầy kỷ niệm, Huyện Đoàn Năm Căn đã tổ chức một đêm lửa trại tại thị trấn Năm Căn, nơi tàu HQ 996 dừng chân với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam – hậu phương vững chắc” để giao lưu với thành viên Hành trình Theo dấu tích con đường huyền thoại. Đêm lửa trại bao gồm các tiết mục trao quà kỷ niệm cho gia đình CCB, gia đình chính sách, giao lưu văn nghệ, hội lễ hóa trang, tặng quà cho các nữ đoàn viên thanh niên là thành viên trên chuyến hải trình đến Năm Căn, …
Giữa họ – người đi người ở – rồi đây chắc chắn sẽ có nhiều kỷ niệm. Giữa các thành viên của cuộc hành trình, kỷ niệm càng nhiều hơn. Trước hết, đó là tri thức, là kỹ năng và một tình yêu lớn, đẹp đối với Tổ quốc, với lịch sử, với cha anh, là ý thức trách nhiệm về tương lai đất nước của các thế hệ thanh niên. Chúng tôi cũng vậy. Có khác chăng, khi chuyến hành trình này kết thúc thì cũng là lúc mở ra những con đường mới, hứa hẹn và thôi thúc những người làm báo chúng tôi chuẩn bị bước vào những chuyến đi mới, những hành trình mới. Ở đó sẽ có những khám phá mới, những câu chuyện mới về một thời gian khổ, hy sinh nhưng vinh quang, cảm động và đẹp đẽ của cha anh.
Thu Hà