Bên bờ hạnh phúc
Ảnh minh họa

Liên minh châu Âu EU vốn được xem là liên minh của các nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử cũng như điều kiện kinh tế xã hội và là mô hình liên kết được nhiều khu vực lấy làm hình mẫu. Thế nhưng, gần đây, trong liên minh này lại thường xuất hiện những bất đồng quanh việc giải quyết những vấn đề lớn của chính họ cũng như của thế giới. Những trì trệ trong hướng xử lý khủng hoảng nợ công hiện nay càng làm dấy lên lo ngại rằng, liệu EU đã đủ thống nhất và đoàn kết để đối phó với những cuộc khủng hoảng đang diễn ra hay chưa.

Từ sau những bất đồng xoay quanh hướng giải quyết xung đột tại Libya, câu chuyện về những rạn nứt của EU xảy ra gần đây nhất được thể hiện khá rõ qua cuộc bỏ phiếu để thông qua việc mở rộng Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) tại Slovakia. Lâu nay, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tin tưởng rằng, EFSF là phương tiện không thể thiếu để đảm bảo Hy Lạp sẽ được hỗ trợ vượt qua khó khăn và qua đó tránh được hiệu ứng lan truyền khủng hoảng sang các nền kinh tế dễ bị tổn thương khác như Italia hay Tây Ban Nha. Với tầm quan trọng của nó, người ta hi vọng, tất cả các thành viên của Eurozone sẽ mau chóng thông qua việc mở rộng quỹ này.

16 quốc gia đã tỏ ý đồng thuận và cả khối chỉ còn chờ quyết định của Slovakia. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, quốc hội Slovakia đã “nói không”. Các nhà quan sát cho rằng, quyết định này như một gáo nước lạnh dội vào lòng tin của các nhà lãnh đạo Châu Âu. Mặc dù mới đây, hôm 13/10, kế hoạch đã được đem ra bỏ phiếu lại và cuối cùng quốc hội Slovakia cũng đã thông qua, nhưng cái “lắc đầu” trong cuộc bỏ phiếu lần đầu tiên đã tạo một dấu ấn không tốt về sự đồng lòng để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của các thành viên.

Giải thích cho những rạn nứt đang nổi lên ở EU, các nhà phân tích cho rằng, khác biệt về quyền lợi chính trị và tiềm lực quân sự đã dẫn đến bất đồng trong việc can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya, trong khi khác biệt về khả năng và lợi ích kinh tế đã dẫn đến bất đồng trong việc giải cứu các nước thành viên khỏi khủng hoảng nợ.

Sự ra đời và mở rộng của EU là một trong những thành tựu lớn nhất của châu Âu. Nhưng thời gian gần đây, giới quan sát cho rằng, sự bất đồng chính kiến dẫn đến việc không thể thống nhất được cách giải quyết những thách thức kinh tế và xã hội đang làm xói mòn địa vị của EU và có khả năng đưa khối này vào một thời kỳ đi xuống.

Dẫu biết rằng, chia sẻ phần nào lợi ích của một quốc gia để chung sống hòa bình với các nước láng giềng đã khó, thống nhất được lợi ích để chung tay xây dựng một liên minh giữa các quốc gia còn khó hơn nhiều. Đối với tình hình của EU, các chuyên gia cho rằng để hàn gắn sự rạn nứt hiện nay không cách nào khác vẫn là sự dung hòa các lợi ích riêng lẻ, tận dụng những điểm tương đồng trong văn hóa, lối sống, ý thức hệ chính trị để thu hẹp các bất đồng, cùng hướng đến mục tiêu chung là nâng cao sức mạnh, tầm ảnh hưởng, qua đó từng bước mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân toàn khu vực.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *