Bên bờ hạnh phúc

Độ này, vào cuối mỗi tuần đã thấy lác đác phim hoạt hình Việt Nam mới sản xuất được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Bộ phim hiện đang phát có cốt truyện và nhân vật được phóng tác trên cơ sở lịch sử nước ta, là phim dài kỳ, trong đó, nhân vật được tạo hình khá hoạt, động tác mềm mại, hình phông nền với sự trợ giúp của công nghệ vi tính đã được thể hiện kỹ, dày dặn lớp lang, cho thấy được không gian và thời gian của chuyện phim. Một cách công bằng và khách quan, cần ghi nhận đó là nỗ lực của tập thể nghệ sĩ đã làm nên tác phẩm. Tuy nhiên…

Tuy nhiên vì mới chỉ có vài phim dài tập, mỗi tập phim cũng chỉ trên dưới chục phút và mỗi lần cũng chỉ được phát sóng một tập, nên những phim đó chưa dung nạp được vào bộ nhớ của khán giả nhí về một thương hiệu “hoạt hình nước nhà”- có chăng, chỉ làm cho người quan tâm tới phim họat hình trong nước thấy le lói hy vọng xen lẫn với nỗi hoài nghi- vốn tồn tại từ nhiều năm nay.

 

Hình ảnh trong phim Sự tích đảo Bà

Quả thật, sự lo lắng về tương lai của điện ảnh hoạt hình nước nhà là có cơ sở, khi mà ta đã trải qua 50 năm tính từ ngày bộ phim hoạt hình đầu tiên Đáng đời thằng cáo được ra đời (1959), nhưng khán giả nhỏ trung thành với loại hình phim này vẫn khó mà kể ra được một nhân vật nào đáng nhớ, hay bộ phim nào làm cho chúng “không thể quên”, nhất là trong khoảng hơn chục năm nay. Giải thưởng Bông sen vàng gần đây nhất được trao cho phim hoạt hình Việt Nam từ năm 2004, tại LHP VN lần thứ 14 tại thành phố Buôn Ma Thuột – phim Chuyện những đôi giày của Hãng phim hoạt hình Việt Nam.

Có thể hy vọng về một kết quả khả quan hơn khi tại Liên hoan phim lần thứ 16 này đã có cuộc đọ sức giữa ba đơn vị sản xuất gồm: Hãng phim hoạt hình Việt Nam, Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng, với tổng số 20 bộ phim, bao gồm các phim có dung lượng trên dưới 10 phút, 30 phút, 60 phút, và cả phim dài kỳ, được sản xuất trên công nghệ số, nhiều phim 2D, một số phim 3D, với nhiều tâm huyết của người làm nghề.

Nếu nói những con số mang tính thông tin trên đây tạo cho chúng ta niềm lạc quan thì có lẽ hơi sớm. Tuy nhiên, Quy chế chấm giải của Liên hoan phim lần này có những nét mới để phù hợp với thông lệ quốc tế: ở mỗi loại hình phim, Ban Giám khảo sẽ chấm điểm, chọn ra một tác phẩm hay nhất để trao giải Bông Sen vàng. Như vậy, một Bông sen vàng thứ 17 (tới LHP VN 14, ngành hoạt hình của ta mới có được 16 Bông sen vàng) cho điện ảnh hoạt hình chắc chắn sẽ hiện diện. Vậy, Bông sen vàng sẽ “về tay” bộ phim nào có chất lượng cao nhất?

Nhìn nhận trung thực có thể thấy trong nhiều năm qua, phim hoạt hình Việt Nam ít có sự chuyển biến trong cách thể hiện, hạn chế lớn nhất là tính nệ thực, nhiều tác giả đã đưa nguyên xi cuộc sống thực vào loại hình phim cho phép sự tưởng tượng đến mức phi lý, vì thế các bộ phim của ta thường thật thà, chất phác, thậm chí khờ khạo trong cấu tứ và chẳng mấy khi tạo được bất ngờ.

Trong khi đó, những yếu tố trên lại được các nhà làm phim nước ngoài đặc biệt chú trọng và khai thác triệt để, đặc biệt trong quá trình xây dựng nhân vật. Trẻ em nào mê chuột Mickey cũng ấn tượng về một “anh chàng” không có râu, hai tai tròn và vểnh, tay luôn đeo găng trắng và chân xỏ đôi giầy thật to được họa sĩ Ub Iwerks tạo ra vào năm 1928. Còn Vịt Donald lại độc đáo khi xuất hiện với chiếc mũ thủy thủ trên đầu và giọng nói khàn khàn.

Hình ảnh trong phim Ve vàng và dế lửa (3D)

Chính giọng nói đúng kiểu “vịt đực khó nghe” – qua sự thể hiện của nghệ sĩ Clarence Ducky Nash – là một đặc điểm nổi bật, góp phần làm cho Donald trở thành một nhân vật hoạt hình nổi tiếng. Với điện ảnh hoạt hình Việt Nam, điều ấy chưa hề có được trong nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số nhà làm phim hoạt hình bắt đầu ý thức được điều này. Cùng với công cuộc xã hội hóa điện ảnh, những bộ phim hoạt hình dài tập cùng hệ thống nhân vật xuyên suốt đã bắt đầu được thực hiện như các phim Cuộc phiêu lưu của Ong vàng, Tít và Mít, Thám tử 004, Trời cũng phải đánh, Chó Đốm… Và đã có các bộ phim hoạt hình dài, dung lượng từ 30 phút đến 60 phút như Sự tích đảo bà, Vào hang kiến, Phùng Hưng, Mai Hắc Đế …tham dự ở LHP 16 này.

Lợi thế của phim nhiều tập hoặc phim có thời lượng dài là tạo được điểm nhấn cho khán giả nhí về nhân vật, về cốt truyện. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là chỉ có phim nhiều tập, phim dài mới hay, mới tốt, còn phim ngắn dạng trên dưới 10 phút “kiểu truyền thống”, “tính phút quy ra tiền, ra chỉ tiêu kế hoạch” như các phim được phân bổ hằng năm cho Hãng phim hoạt hình Việt Nam, hãng phim Giải Phóng sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước thì chả có cơ may nào đứng được trong khán giả.

Song quả thực, để làm được một phim thời lượng ngắn mà có được ý tưởng và ngôn ngữ điện ảnh tốt như các phim Xe đạp, Xe đạp và Ô tô (kịch bản Sông Đông, đạo diễn Phương Hoa) hay Cuộc sống (kịch bản và đạo diễn Hà Bắc) cách đây ít năm thì quả không phải dễ.

Đội ngũ nghệ sĩ làm phim hoạt hình hiện nay không phủ nhận điều này. Song điều cốt yếu nhất mà ai cũng mong muốn là có những kịch bản nhiều tập thật hay, thật hấp dẫn để tạo cơ hội cho người đạo diễn, người họa sĩ được “tung tẩy” trong thể hiện ý tưởng, đặc biệt khi công nghệ số đã tạo điều kiện cho họ rất nhiều để biểu đạt cho ngôn ngữ hoạt hình mỗi ngày thêm sống động.

 

Hình ảnh trong phim Phùng Hưng

Rõ ràng, năng lực sáng tạo của người làm nghề và kinh phí sản xuất luôn là điều kiện cần và đủ để tác phẩm tiến gần tới những Bông sen vàng đích thực.

Theo tintuconline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *