Bên bờ hạnh phúc

Vĩnh Long nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, có trữ lượng đất sét phèn lớn và ít. Nhờ đất có chất lượng cao, màu mỡ vào bậc nhất nên Vĩnh Long có điều kiện để hình thành và phát triển nghề gạch ngói từ hơn 50 năm qua. Đặc biệt, Vĩnh Long còn được biết đến là nơi sản xuất gốm đỏ nổi tiếng trong cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi suy thoái kinh tế lan rộng, nghề gốm Vĩnh Long đang đứng  trước những khó khăn lớn . Thương hiệu Gốm đỏ Vĩnh Long đã được xác lập, nhưng bài toán khôi phục lại một thời hưng thịnh quả thật là điều không dễ dàng.

 

So với 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long là tỉnh có quy mô tương đối nhỏ cả về diện tích lẫn dân số. Đất đai chính là nguồn tài nguyên lớn nhất, khi mà mật độ dân cư của tỉnh cao nhất vùng. Đất phèn là một trong 4 loại đất chính ở Vĩnh Long, chiếm 69% diện tích. Từ lâu được người dân khai thác đất sét phèn làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói, kéo dài khoảng 20 km ven sông Cổ Chiên và có truyền thống hơn nửa thế kỷ. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long thì nguồn tài nguyên khoáng sản sét tập trung nhiều ở 3 huyện Long Hồ, Mang Thít và Vũng Liêm, tổng trữ lượng hơn 101 triệu m3.

Nhãn hiệu tập thể Gốm đỏ Vĩnh Long được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận ngày 08/ 6/ 20011 là một tin vui cho các nhà sản xuất gốm. Để có kết quả này, ngành gốm đỏ Vĩnh Long đã trải qua một quá trình phát triển dài. Từ chỗ sản xuất gạch, ngói là chính, đến năm 1983, nghề gốm ở Vĩnh Long manh nha hình thành. Khi đó, chỉ có một doanh nghiệp thí điểm đầu tư sản xuất gốm bằng lò dài với chất đốt là gỗ tạp. Tuy nhiên, mãi 10 năm sau đó, tức năm 1993, gốm đỏ của Vĩnh Long mới ký kết được hợp đồng xuất khẩu. Nhãn hiệu tập thể Gốm đỏ Vĩnh Long là tiền đề để giúp cho ngành gốm đỏ đi xa hơn trong thời gian tới.

 

Năm 1997 đánh dấu thời điểm quan trọng cho sự phát triển của nghề gốm đỏ Vĩnh Long. Lần đầu tiên 3 doanh nghiệp sản xuất gạch ngói trên địa bàn thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ nghiên cứu sản xuất gốm bằng lò nung gạch kiểu tròn truyền thống. Chất đốt cũng là trấu nên việc sản xuất gốm có hiệu quả và tiết kiệm hơn. Tỷ lệ hao hụt khi nung từ chỗ trên 50%, giảm chỉ còn 10 – 20%. Từ đây mở ra một cơ hội mới cho ngành gốm đỏ Vĩnh Long phát triển mạnh hơn về số lượng và chất lượng, vươn ra thị trường thế giới.

Đó là tiền đề quan trọng để nghề gốm đỏ Vĩnh Long phát triển nhanh chóng sau đó. Đến năm 2002, tỉnh Vĩnh Long có hơn 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất gốm, cao điểm có đến 120 doanh nghiệp với qui mô sản xuất lớn nhỏ khác nhau. Nhiều doanh nghiệp lớn có đến 70, 80 lò nung. Sản xuất gốm đỏ đã góp phần lớn trong việc giải quyết lao động và chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương. Các doanh nghiệp đã làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên đất sét Vĩnh Long.

Nghề sản xuất gốm tại Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ đến những năm 2007 – 2008. Nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, tự nghiên cứu cải thiện qui trình làm ra sản phẩm. Chủng lọai sản phẩm cũng có sự phát triển đa dạng với hai dòng sản phẩm chính là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng, nội thất. Ngoài sản phẩm gốm đỏ truyền thống, các nghệ nhân, các doanh nghiệp đã nghiên cứu sản xuất gốm men, gốm đen, gốm giả đồng, v.v… Song, từ khi suy thoái kinh tế tài chính thế giới diễn ra vào năm 2008, nhu cầu gốm đỏ Vĩnh Long giảm dần. Tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động, như: lạm phát, chi phí đầu vào tăng cao và việc thắt chặt tín dụng đã làm cho ngành sản xuất gốm suy thoái, khó khăn nhất từ trước đến nay.

 

Ngoài nguyên nhân khách quan, một nguyên nhân chính là những mâu thuẫn nội tại của nghề. Bởi lẽ tuy có thời gian dài hình thành và phát triển nhưng gốm đỏ Vĩnh Long vẫn chỉ xuất khẩu ủy thác là chính. Hầu hết sản phẩm đều bán qua các doanh nghiệp trung gian tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Từ đó dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp qui mô sản xuất, chuyển nghề hoặc giải thể. Qui trình sản xuất hàng chục năm qua hầu như không có sự đổi mới do doanh nghiệp thiếu tài chính để tái đầu tư cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Khâu vận chuyển sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất gốm hiện cũng rất khó khăn. Tuyến đường tỉnh 902, một con đường gần như độc đạo về tuyến công nghiệp Cổ Chiên thời gian qua bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ đó, tỷ lệ hao hụt khi vận chuyển tăng lên. Tải trọng cầu đường hạn chế cũng làm cho doanh nghiệp tăng chi phí vì việc đóng container ngay tại doanh nghiệp bị trở ngại.

Nếu những hạn chế trên được khắc phục và giải quyết có hiệu quả, ngành sản xuất gốm đỏ Vĩnh Long mới có cơ hội phục hồi. Mặt khác, đây là lúc để tái cơ cấu lại sản xuất gốm cho phù hợp tình hình mới. Sau thời gian phát triển diện rộng, gốm đỏ Vĩnh Long cần phát triển vào chiều sâu. Từ chỗ cạnh tranh nội địa, gốm đỏ Vĩnh Long cần tiếp tục cải thiện để phát huy được sức mạnh thương hiệu và giá trị của sản phẩm trên thị trường thế giới. Song, để làm được điều này, gốm đỏ Vĩnh Long cần được sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa, cần được định vị như là một sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp địa phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

Quốc Dũng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *