Nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập, cuối năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Ở tỉnh Vĩnh Long, tuy đề án này mới được triển hơn 1 năm nhưng một số địa phương đã có được những cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực. Huyện Tam Bình là một trong những điển hình tiêu biểu.

 

Đan hàng thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành nghề phổ biến được Trung tâm Dạy nghề và GTVL huyện Tam Bình tổ chức đào tạo ngắn hạn cho người lao động. Thời gian qua, việc huy động học viên tham gia các lớp dạy nghề còn gặp khó khăn do nhu cầu của người lao động còn thấp, nhiều người chưa phát huy tốt hiệu quả của việc học……Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình đã phối hợp với các ngành đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là với trung tâm giáo dục cộng đồng các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các chính sách về đào tạo nghề – học nghề của Đảng và Nhà nước để nâng cao ý thức người lao động; đồng thời nghiên cứu, tổ chức mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương.   

Ông Lê Hữu Lộc, PGĐ Trung tâm học tập cộng đồng xã Hoà Lộc – Tam Bình cho biết:“ Nói chung công việc của bà con sau khi học nghề cũng ổn định, hàng trên chuyển về cũng có đều.  Tôi thấy tạo việc cho người dân góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, bà con có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định. Các trung tâm đều mở ngành nghề đan lục bình và nhiều ngành nghề khác như thêu, sửa xe.”

Theo kế hoạch năm nay, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm  huyện Tam Bình sẽ đào tạo nghề cho 1.250 lao động nhưng đến nay trung tâm đã tổ chức được 93 lớp thu hút hơn 2.200 học viên, vượt 76% kế hoạch. Các ngành nghề cũng được trung tâm phối hợp tổ chức đào tạo khá đa dạng. Bên cạnh các loại hình vừa đào tạo nghề, vừa giải quyết việc làm tại chỗ như lớp may công nghiệp, đan hàng thủ công mỹ nghệ, Trung tâm còn tổ chức các lớp sửa xe gắn máy, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản và lớp sinh vật cảnh giúp người dân có được tay nghề tự tìm việc làm sau khi học.

Theo ông Trần Văn Tám, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề & GTVL huyện Tam Bình: “Để triển khai tốt đề án 1956 của Chính phủ đối với huyện Tam Bình đã phối kết hợp tốt với các đoàn thể địa phương để triển khai và thông qua 1 số lớp thí điểm để mà chuyển đến cho người dân. Đặc biệt Trung tâm dạy nghề huyện Tam Bình phối hợp với các doanh nghiệp vừa làm, vừa cung cấp sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm đến nay đã mở hơn 90 lớp. Đa số người dân đều có việc làm ổn định.”

 Nhờ linh hoạt trong công tác phối hợp và tổ chức các lớp dạy nghề, nên đến nay huyện Tam Bình là một trong 8 huyện, thành phố đạt được hiệu quả cao trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo ở địa phương./.

 Bích Tuyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *