Bên bờ hạnh phúc

         Hiện nay, nghề nuôi cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL nói chung và ở Vĩnh long nói riêng phát triển mạnh, với mức độ thâm canh ngày càng cao, điều này khiến cho dịch bệnh trên cá cũng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và lợi nhuận của người nuôi. Trong đó, phổ biến nhất là một số bệnh như gan thận có mũ , vàng da, trắng gan – trắng mang, bệnh do ký sinh trùng, bệnh gạo ….. Đặc biệt là vào mùa mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm , chất lượng nước không tốt, đã làm dịch bệnh phát sinh nhiều. Do đó phòng ngừa dịch bệnh cho đàn cá tra nuôi lúc này là rất cần thiết. 

 

         Hầu hết các vùng nuôi cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL và tỉnh Vĩnh long đều có chung một đặc điểm là môi trường nuôi không được thuận lợi, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, làm cho sức khỏa đàn cá bị giảm sút, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh nguy hiểm phát triển. Đặc biệt là vào mùa mưa, kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về, làm cho nguồn nước bị  ô nhiễm trầm trọng hơn. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà chuyên môn ở các vùng nuôi cá tra xuất khẩu cho thấy, các lọai chất thải chứa Nitơ và Phốt pho ở hàm lượng khá cao, đã gây hiện tượng ô nhiễm nguồn nước và phát sinh tảo độc trong môi trường nuôi cá. Khi các chất thải này chảy ra sông rạch sẽ làm cho vùng nuôi mất an toàn .

         Theo thông lệ từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, trời mưa nhiều kết hợp với  nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mang theo nhiều vật chất hữu cơ, rác và các  chất thải  khác từ nhà máy, sinh hoạt  của cộng đồng, cùng với thuốc BVTV từ đồng ruộng chảy ra sông….  Hậu quả là nguồn nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của các loài thủy sản nói chung và cá tra nuôi nói riêng, khiến cho sức khỏe cá bị  suy giảm, dễ bị dịch bệnh như các loại vi-rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng….. tấn công. Do vậy cần phải hết sức chú ý để có biện pháp phòng trị kịp thời và hữu hiệu, nhằm bảo vệ cho đàn cá được an toàn.

           Để giảm thiểu tối đa nguy cơ cá tra nuôi bị các loại dịch hại tấn công, yêu cầu trước tiên là phải chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đàn cá thật khỏe mạnh, bằng cách quản lý tốt nguồn nước trong ao, thường xuyên thay nước và xử lý ao nuôi bằng các chế phẩm sinh học để loại trừ những tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, vào mùa mưa lũ, nhiệt độ môi trường xuống thấp, nhất là những thời điểm mưa kéo dài nhiều ngày, dễ làm cho các loại bệnh ký sinh trùng phát sinh mạnh. Do vậy cần phải chú ý quản lý nguồn nước trong ao nuôi cho thật tốt .                             

          Để đảm bảo sức khỏe cho đàn cá nuôi, theo các nhà chuyên môn là cần phải cung cấp cho cá một lượng thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo số lượng theo từng giai đoạn phát triển của cá. Bổ sung vitamin C định kỳ để tăng sức đề kháng  cho cá khi môi trường thay đổi.  Tiến hành lắn lọc và xử lý nước cẩn thận để hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào ao nuôi. Đồng thời phải khử trùng ao nuôi , bằng cách dùng vôi nông nghiệp hòa với nước tạt đều khắp ao.

 

          Những loại dịch bệnh phổ biến trên cá tra vào mùa mưa lũ, cần đặc biệt quan tâm là bệnh gan thận có mũ, bệnh vàng da và bệnh trắng gan–trắng mang. Đây là các loại bệnh thuộc nhóm nhiễm khuẩn. Bệnh xuất hiện do ao nuôi tích tụ nhiều chất phân hủy độc hại  lâu ngày dưới đáy, làm cho nước trong ao nuôi bị thiếu ô xy nghiêm trọng vào ban đêm. Nếu cá bị nhiễm bệnh nặng sẽ chết hàng loạt.

        Một nhóm bệnh khác cũng khá nguy hiểm, đó là bệnh do ký sinh trùng,  mà đặc biệt là các loại ngoại ký sinh, như trùng bánh xe, trùng mỏ neo, trùng quả dưa. Bệnh thường phát sinh mạnh vào những thời điểm nhiệt độ môi trường xuống thấp, như trong những ngày mưa kéo dài, kết hợp với ao nuôi bị dơ. 

        Ngoài ra, thời gian gần đây ở nhiều ao nuôi cá tra còn xuất hiện bệnh gạo. Tuy tỷ lệ chết không cao, nhưng khi cá bị nhiễm bệnh này sẽ kém ăn , làm giảm năng suất  và chất lượng thịt , khiến cho giá bán cũng không cao.

          Để phòng ngừa có hiệu quả dịch bệnh cho cá, điều quan trọng là phải quản lý chất lượng nước trong ao nuôi thật tốt , tránh để xảy ra hiện tượng các yếu tố thủy lý hóa biến động lớn, và ao bị nhiễm bẩn trong quá trình nuôi, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn cá. Muốn vậy thì định kỳ 10 đến 15 ngày nên sử dụng muối và vôi để sát khuẩn cho cá. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học và các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để cải thiện chất lượng nước, nâng cao sức đề kháng và gia tăng sự chuyển hóa hấp thu thức ăn cho cá.                               

         Việc nâng cao sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn cá tra trong suốt quá trình nuôi là việc cần phải làm thường xuyên. Tuy nhiên để giúp cho đàn cá khỏe mạnh và chống chọi tốt với dịch bệnh, bà con còn cần phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật. Phải tẩy dọn ao thật kỹ trước khi thả cá nuôi. Chọn con giống khỏe, có chất lượng tốt để nuôi và thả nuôi với mật độ vừa phải. Xử lý đáy ao định kỳ 2 tháng/ lần đối với cá dưới 300 g/ con, và 1 tháng /lần đối với cá trên 300 g/ con. Khi cá bị nhiễm bệnh phải chẩn đoán đúng tác nhân gây bệnh để có biện pháp phòng trị thích hợp.  Khi sử dụng hóa chất và kháng sinh phải tuân thủ theo qui định.           

         Cá tra nói riêng và thủy sản nói chung,  khi bị giảm sức khỏe và nhiễm các loại dịch bệnh là kết quả của sự tác động lẩn nhau giữa 3 yếu tố: Vật chủ nuôi , mầm bệnh và môi trường sống. Dịch bệnh xảy ra khi sự thăng bằng của 3 nhân tố này bị xáo trộn. Do đó việc áp dụng các biện pháp tổng hợp trong quá trình nuôi cá phải được thực hiện nghiêm túc. Từ khâu dọn và vệ sinh ao nuôi thật kỹ càng,  quản lý tốt môi trường ao nuôi, nhất là chất lượng nguồn nước trong ao phải đảm bảo an toàn; đến việc sử dụng nguồn cá giống sạch bệnh, tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp và phòng ngừa dịch bệnh tốt……. Tất cả những điều đó sẽ giúp cho đàn cá phát triển tốt và an toàn.

          Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *