Bên bờ hạnh phúc

Ở thị trấn Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang, Hoàng Hạc là tên một quán cà-phê khá nổi tiếng. Chủ nhân của nó là ông Trương Ngọc Tường – một nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa phương Nam, thường vẫn được người trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian gọi bằng cái tên thân mật là Thổ địa Nam bộ hay ông già Nam bộ.

Thật ra, ông già Nam bộ là người hoàn toàn không xa lạ với cán bộ ngành văn hóa tỉnh Vĩnh Long cũng như với các phóng viên của THVL, vì ông vẫn thường cộng tác trong nhiều công trình nghiên cứu lịch sử – văn hóa cũng như  chương trình truyền hình. Gần đây, nghe nói ông có sở hữu nhiều hiện vật văn hóa có giá trị, đồng thời còn được mệnh danh là Người của những kỷ lục nên hôm nay, chúng tôi tìm đến ông. Tất nhiên vẫn là để nghe ông nói chuyện như mọi khi, nhưng sau nữa còn là để xin được chia sẻ về các bộ sưu tập đang bắt đầu nổi tiếng của ông.

Chúng tôi thích nhất là bộ sưu tập thư tịch cổ, được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Đây có lẽ thực sự là cả một gia tài. Thí dụ như cuốn Đại Nam quốc âm tự vị, cácbản truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên được ấn hành trong những năm 1864, 1870, 1872, đều là những tư liệu quý. Độc đáo hơn, ông có bản "Tuyên ngôn Độc lập" năm 1945 viết bằng chữ Nôm cũng như vài trăm bài thơ về Bác Hồ viết bằng chữ Hán. 

 

Đây là quyển Khâm định Việt sử cương mục, được ông già Nam bộ nâng niu như báu vật. Những dòng chữ màu đỏ trên các trang sách này chính là bút tích phê duyệt của vua Tự Đức. Trong số hàng chục ngàn trang tư liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm ông sưu tầm được thì bản truyện Kiều in năm 1879 của Liễu Văn Đường và Chung Văn Hà có thể coi là độc nhất thiên hạ.Cùng với quyển Tự điển Taberd tức Từ điển Việt – Pháp thời Minh Mạng, được ấn hành tại Pháp năm 1874, bản Kiều này đã đoạt giải Ba trong cuộc thi Những cuốn sách vàng năm 2006.

Ngoài ra, ông còn có khá nhiều bộ sưu tập khác như bộ sưu tập tiền cổ, đồ trang sức, đồ gỗ, đồ gốm, đồ sành sứ, đồ đá, vân vân… Ông nói, người muốn sưu tập cổ vật phải hội đủ 4 điều kiện. Thứ nhất – phải có tiền, thứ hai – phải có duyên, thứ ba – phải có kinh nghiệm, am hiểu đồ vật và cuối cùng phải có năng lực tổng hợp để biến kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn thành tri thức. Đủ biết, trở thành nhà sưu tập là một việc thật không đơn giản.

Trong bộ sưu tập đồ gốm sứ của mình, ông cho chúng tôi xem một chiếc chén sứ men lam do Pháp sản xuất. Thật không ngờ, gần hai mươi năm làm nghề cầm bút, đi đã bao dặm đường, uống đã không biết bao nhiêu ly cà-phê mà đến hôm nay, gặp ông già Nam bộ mới hay vào giữa thế kỷ 19, khi lần đầu tiên cà-phê được nhập vào Việt Nam thì ông cha ta đã dùng những chiếc chén sứ như thế này để uống cà-phê, chứ chẳng phải là bằng ly bằng tách như chúng ta vẫn uống bây giờ.

Đây là bộ sưu tập ông Địa, còn được gọi bằng những cái tên khác như Thổ công, Thổ địa hay Thổ thần, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đất nung, gỗ, gốm tráng men, sứ, vân vân…

 

Ông già Nam bộ cho biết, trước năm 1958, ở miền Nam chỉ có chùa, miếu mới thờ ông Địa. Về sau, tục thờ cúng này dần phát triển đến các hộ gia đình, đặc biệt là trong các gia đình làm nghề buôn bán, kinh doanh. Tùy theo địa phương, ông Địa có nhiều hình dáng rất khác nhau.

Ông già Nam bộ tâm sự, truyền thống, phong tục tập quán qua đi là rất khó trở lại, đặc biệt trong một xã hội mà khoa học và công nghệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như xã hội ta hiện nay. Chính vì vậy, việc sưu tập hiện vật để thông qua đó khôi phục lại những giá trị văn hóa dân tộc là một phần trong công việc của những người làm công tác khảo cứu văn hóa như ông. Trên thực tế, nhờ có bộ sưu tập này mà ông đã góp phần hoàn thành được một công trình nghiên cứu đề tài ông Địa ở miền Nam.

Trong phòng làm việc của ông, chúng tôi còn thấy có treo mấy chiếc tù và. Lớn có, nhỏ có, vừa vừa cũng có. Đó là những chiếc tù và của vạn chài, vạn cấy, của trẻ mục đồng và thầy phù thủy, mỗi loại đều có công dụng khác nhau.

Ông già Nam bộ cho biết, trước kia, cũng như ốc và còi, tù và là những dụng cụ được sử dụng để báo cho nhân dân trong vùng biết có điều gì đó đang xảy ra trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng tù và mỗi nơi cũng mỗi khác. Thí dụ ở Quảng Nam, người ta thổi tù và là để báo cho dân biết trong làng có đám tang. Còn ở trong Nam, tiếng tù và cất lên là để báo hiệu cần người ra ruộng cấy. Tù và trong Nam thường lớn, thổi nghe nặng. Hồi Nam kỳ khởi nghĩa, tù và được sử dụng để tập hợp lực lượng và làm hiệu lệnh tiến công. Ngoài ra theo ông, ở khu vực Đông Nam Á có khá nhiều dân tộc dùng tù và và do việc chúng được làm bằng sừng trâu nên có thể coi tù và là một biểu hiện của nền văn minh lúa nước.



 

Trong số các bộ sưu tầm của mình, ông già Nam bộ đặc biệt yêu thích bộ sưu tập nông cụ mà ông có lẽ đã phải đi rất nhiều nơi, mất rất nhiều công sức mới thu thập được. Đó là các bộ sưu tập nọc cấy lúa, dao cắt lúa, cày đất, ách trâu, phảng phát cỏ, cây tầm đo đất, vân vân… So sánh giữa chiếc nọc cấy lúa của người Việt với người Khmer, ông già Nam bộ đưa ra nhận xét rằng đồng bào dân tộc Khmer rất có “hoa tay”, vật dụng nào họ làm ra cũng sắc sảo và xinh đẹp.

Ông già Nam bộ tâm sự, các giá trị văn hóa vật thể hay phi vật thể ở vùng đất phương Nam đều xuất phát từ lao động sáng tạo, canh tác cây lúa nước trong quá trình khai thác, chinh phục thiên nhiên mấy trăm năm qua. Để bảo tồn các giá trị văn hóa của nền văn minh lúa nước tại vùng đất này, việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp theo ông là một điều rất cần thiết. Từng đến thăm các bộ sưu tập nông cụ, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị tư tưởng trong ước nguyện của ông, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân ở Trường Đại học Cần Thơ đều ủng hộ quan điểm của ông về vấn đề này.

Ông già Nam bộ tên thật là Trương Ngọc Tường, sinh năm 1949, tại Cai Lậy – Tiền Giang. Xuất thân trong một gia đình trí thức có ông nội, cha và các chú đều là những người biết tiếng Pháp, giỏi tiếng Hán, lớn lên theo học ngành sư phạm nhưng lại có tình yêu đối với môn lịch sử nên sau một thời gian dạy học, ông chuyển về công tác tại Ban Tuyên giáo huyện Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang, chuyên việc viết lịch sử Đảng.Sau đó, ông tiến dần đến việc viết tài liệu khảo cứu lịch sử – văn hóa cho các địa phương. Công việc này đòi hỏi ông phải đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong quá trình đó, ông nhận thức được một điều, rằng rất nhiều giá trị lịch sử – văn hóa từ thời đi mở đất của cha ông đang dần bị mai một hoặc mất đi. Vì vậy, ông quyết tâm tìm mọi cách lưu giữ lại những giá trị ấy. Việc sưu tầm các hiện vật như đã kể trên chỉ là một phần trong kế hoạch này.



Ông Trương Ngọc Tường 

 

Đến nay, cùng với nhiều đồng sự, ông đã viết được hàng chục cuốn sách khảo cứu lịch sử – văn hóa các địa phương ở Nam bộ, trong đó có cuốn Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long – một cuốn sách nói về các di tích lịch sử, các phong tục, tập quán quý giá trên vùng đất nầy. Bên cạnh đó, nhờ đọc nhiều, đi nhiều, biết nhiều, có một trí nhớ tốt, dựa vào khối lượng tri thức tích lũy được qua nhiều tháng năm, ông còn có khả năng chỉ ra những sai sót trong các tác phẩm khảo cứu hoặc những mặt còn hạn chế trong các công trình phục chế di sản, vân vân…

Không chỉ làm công tác nghiên cứu, viết sách, ông già Nam bộ còn là người ưa giao tiếp, thích tìm hiểu, tranh luận, đối chiếu mọi vấn đề với các đồng nghiệp, nhà nghiên cứu. Ông thường hay đi đây đi đó, nghe ngóng, hỏi han, ghi chép mọi chuyện. Hầu hết các cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở các tỉnh – thành Nam bộ  đều rất thích việc tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi với ông về các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, lịch sử, trong đó có cả các vị Giáo sư – Tiến sĩ hay sinh viên ở các trường đại học.

Mấy ngày trước, chúng tôi đã theo ông già Nam bộ và các anh cán bộ ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đi thẩm tra di tích Đình thần chùa Ông, tọa lạc tại xã Thanh Đức – huyện Long Hồ, xác minh một số tư liệu để bổ sung cho hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử của ngôi đình này. Anh Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long cho chúng tôi biết, nhiều năm qua, ông già Nam bộ đã giúp đỡ, hỗ trợ rất hiệu quả cho những người làm công tác bảo tàng như các anh, không chỉ ở Vĩnh Long, mà còn ở nhiều tỉnh – thành khác. Nhờ giỏi chữ Hán, chữ Nôm, am hiểu sâu sắc phong tục tập quán vùng miền, dân tộc, trong việc nghiên cứu thẩm định các di tích đình chùa miếu mạo, ông thường giúp họ dịch tài liệu, phiên âm, giải mã ý nghĩa các bức hoành phi, câu đối thường có trong đình chùa, giải thích tục lệ thờ cúng, ý nghĩa của việc bày trí không gian tín ngưỡng trong đình chùa, vân vân…

Ở các đình chùa, ngoài các bức hoành phi, câu đối thường cũng có lưu giữ một số tài liệu văn bản viết bằng chữ Hán – Nôm, trong đó quý nhất là các sắc thần. Ở Đình thần chùa Ông  ở xã Thanh Đức cũng vậy.

Có một tình yêu lớn đối với lịch sử, gần như suốt cuộc đời, ông già Nam bộ đã tập trung toàn bộ tinh lực cho công cuộc khảo cứu các giá trị văn hóa. Trong mắt chúng tôi, ông là một người hiếm hoi lội ngược dòng thời gian, đi tìm dấu vết dòng văn hóa một thời từng chảy qua mảnh đất quê hương, góp phần lưu giữ lại cho những thế hệ đời sau sắc hương thi vị trong đời sống tinh thần, tâm linh của cha ông. 

Là một trong số ít những người am hiểu lịch sử – văn hóa vùng đất phương Nam, ông già Nam bộ luôn là chỗ dựa đáng tin cậy cho những người làm công tác nghiên cứu lịch sử – văn hóa. Cho đến nay, ông vẫn cộng tác với các trường đại học, làm công tác giảng dạy; cộng tác với ngành văn hóa ở các địa phương, hỗ trợ cho họ trong việc nghiên cứu các công trình, các di tích lịch sử – văn hóa. Được tôn vinh là Thổ địa Nam bộ, ông tự nhận: Không tò mò, không học dân, không có Trương Ngọc Tường.

Một đời không chỉ chịu khó học tập, nghiên cứu, sưu tầm, mà còn có tấm lòng muốn chia sẻ với Nhà nước, các tổ chức, cá nhân những kiến thức được tích lũy trong nhiều tháng năm, ông già Nam bộ  xứng đáng với tấm lòng tri ân, quý mến của đồng nghiệp, bạn bè gần xa.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *