Bên bờ hạnh phúc

        Có không ít cô chú ở thành phố Vĩnh Long thường xuyên giúp đỡ người khó khăn, cơ nhỡ, từ vật chất đến giúp bằng công sức… Có cùng sở nguyện, vậy là họ kết hợp thành nhóm để cùng làm với nhau. Lúc đầu chỉ có vài người, dần dần đã phát triển thành nhóm hơn chục người. Khi thì góp tiền tổ chức mổ mắt, khám bệnh phụ khoa cho người nghèo, khi thì cất nhà tình thương, lúc thì cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt…

          Khi có dịp, các cô chú cùng tổ chức nấu một bữa ăn ngon gần 100 suất dành tặng người già, trẻ em ở Trung tâm bảo trợ xã hội Vĩnh Long.

 



 

          Vừa góp tiền vừa góp sức, các cô chú chọn mua ở siêu thị những loại thực phẩm ngon, đảm bảo hợp vệ sinh nhằm đem đến cho người già neo đơn và trẻ mồ côi một bữa ăn thật chất lượng. Ít tuổi nhất trong nhóm cũng đã 65 , nhưng với công việc nào là đi chợ chọn thực phẩm đến cắt gọt, chế biến, nấu nướng…, tất cả diễn ra tất bật , vậy mà các cô chú vẫn khỏe, vẫn vui.

 

          Lớn tuổi nhất trong nhóm là bà Trương Kim Lan đã 82 tuổi. Trước đây bà công tác ở Hội chữ thập đỏ, có lẽ đã quen với việc đi giúp người nên từ khi về hưu đến nay bà vẫn đem phần lương hưu và sinh hoạt phí của các con cho mình để giúp người khó khăn. Mỗi tháng bà chu cấp tiền, gạo cho 3 địa chỉ nhân đạo có hoàn cảnh đáng thương. Nhờ sự trợ gipcủa bà, họ cũng dần ổn định cuộc sống. Hễ thấy hoàn cảnh khó khăn là bà giúp đỡ, từ việc mua đất để bà con nghèo có chỗ an táng khi mất, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung, đến tổ chức mỗ mắt miễn phí cho hơn 3000 người nghèo… Bà không nhớ mình đã làm được bao nhiêu việc với số tiền bao nhiêu, chỉ biết sinh hoạt phí hàng tháng hơn 6 triệu đồng bà đều dành gần hết cho việc giúp người. Mỗi khi thiếu hoặc cần tổ chức hoạt động cần chi phí nhiều hơn thì bà nhờ các con cùng giúp.         

          Quỹ thời gian còn lại không nhiều, nếu có thể thì hết lòng giúp người – đó là niềm vui của những người cao tuổi muốn sống đẹp với đời…

 

          Ông Huỳnh Chí Sỹ năm nay đã 68 tuổi cũng là một thành viên của nhóm. Ông dùng lương hưu khoảng hơn 1 triệu đồng để làm sinh hoạt phí hàng tháng, còn tiền thương binh mỗi tháng cũng hơn 1 triệu đồng – ông dành toàn bộ tham gia các hoạt động từ thiện cùng với nhóm bạn già này và trợ cấp cho 3 địa chỉ nhân đạo của riêng ông. Những người ông từng giúp – từ cô học sinh nghèo vốn là bạn thân của con ông thi đậu đại học nhưng không có tiền theo học, đến người bạn chiến đấu bệnh hoạn nghèo túng, và nhiều trường hợpnữa… Mỗi người vượt qua khó khănổn định  cuộc sống đều mang đến cho ông niềm vui thanh thản. Chẳng hạn, việc mang bữa ăn ngon đến cho người khó khăn như thế này  làm ông thấy vui hơn.

          Sự hài lòng trên gương mặt mỗi người về bữa ăn làm cho nỗi mệt nhọc của những người làm từ thiện này như tan biến. Ngày như đẹp hơn, ý nghĩa hơn vì họ đã làm được những công việc có ích cho người, cho đời. Đâu vì tuổi già mà cuộc sống của các cô các chú bớt đi điều thú vị.

          Cùng với những điều kiện như vật chất ổn định, nhiều thời gian nhàn rỗi…, người lớn tuổi thường có sự nhận thức và cảm thông sâu sắc hơn với những hoàn cảnh khốn khó, nên thường ra sức giúp đỡ. Đó cũng là lý do vì sao người cao tuổi thường có mặt đông đảo trong đội ngũ làm công tác từ thiện.

          Bà Đoàn Bạch Thủy ở huyện Bình Tân năm nay 65 tuổi. Vốn đã trải qua một thời khó khăn thiếu thốn khi còn nhỏ nên bà hiểu được người nghèo cần được giúp đỡ thế nào. Thêm vào đó, hiện nay điều kiện sống của bà đã khá đầy đủ, nên bà càng có khả năng giúp được nhiều người khó khăn giống bà ngày xưa. Bà Thủy chỉ có một con trai sống ở xa, bên cạnh tuy không có con cháu nhưng cuộc sống không buồn tẻ ,bởi nhiều năm nay lúc nào bà cũng có những người thân yêu này.

 



 

          Em Huỳnh Thị Tuyết Nhung hiện đang được bà Đoàn Bạch Thủy cưu mang cho biết: “…em nghèo, ở xa đi học khó, nghe nói bà nội có nuôi người nghèo đi học nên em xin ở, bà cho ở, cho tiền đóng tiền học, ở với bà nội được mới khoảng 1 năm nhưng bà thương em lắm…”

          Cha mẹ của bé trai này người có vợ, kẻ có chồng khác. Bé và bà ngoại được bà Đoàn Bạch Thủy cưu mang từ lúc bé mới 5 tháng tuổi đến nay. Còn em Huỳnh Thị Tuyết Nhung vì nhà xa, hoàn cảnh khó khăn nên cũng được bà Thủy lo cho tiếp tục đi học.

          Hai em Lê Thị Ngọc Diệu và Lê Thị Kiều cũng đã được bà Thủy cưu mang hai năm nay – cho chỗ ăn ở, cho tiền học phí để các em có thể đến trường. Các em đều có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau và nhờ bà Thủy mà có thể vượt qua. Tất cả gọi bà Thủy là bà nội, vừa kính trọng yêu thương bà, vừa nỗ lực học tập với những thành tích đáng kể. Và mấy mươi năm nay, nhiều lớp con cháu nhờ bà mà đã trưởng thành. Bà Thủy không nhớ hết có bao nhiêu đứa đã từng ở đây và lớn lên, chỉ biết rất vui mỗi khi chúng ghé về thăm và kể về những thành công trong cuộc sống. Từ đó, bà có thêm động lực để đứa này xong lại tiếp tục lo cho đứa khác.

          Sau quá trình công tác với những đóng góp lớn cho xã hội, người cao tuổi vẫn muốn tiếp tục cống hiến bằng những việc làm có ích. Những việc làm cùng với hiệu quả thiết thực mang lại giúp họ yêu đời và tự tin hơn với niềm tin rằng mình vẫn còn làm được việc và xã hội vẫn luôn cần đến mình, bất kể tuổi tác ngày một cao hơn và sức khỏe có kém đi.

          Các cô cán bộ hưu ở khóm 1 phường 4 thành phố Vĩnh Long này có gần 8 năm làm công việc vận động người dân đóng góp cho quỹ cơm cháo nước của Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long. Tuổi cao, sức yếu, mỗi người có những căn bệnh người già khác nhau, nhưng hàng quý các cô vẫn đều đặn quyên góp được khoảng 3 đến 4 triệu đồng từ cá nhân và vận động nhiều hộ dân sống xung quanh cùng tham gia.

          Một bộ phận người Á Đông có quan niệm “đa thọ, đa nhục” – tuổi cao thì nhiều phiền muộn, lo lắng. Có lẽ quan niệm ấy không ảnh hưởng đến những con người nầy, vẫn luôn sống vui, sống khỏe, sống đẹp với đời.

          Ngoài những nhóm, cá nhân làm từ thiện tự phát, phần lớn cán bộ của các tổ chức Hội khuyến học, Hội bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, Hội chữ thập đỏ… từ tỉnh đến cơ sở hiện nay đều là các cô chú lớn tuổi . Là những người đã có bề dày đóng góp cho địa phương, họ vẫn tiếp tục cống hiến bằng những công việc giúp đỡ người khó khăn, thiếu thốn.  Qua quá trình công tác và trải nghiệm  cuộc sống , các cô chú có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong xã hội, từ đó, hoạt động rất hiệu quả. Công tác an sinh xã hội ở địa phương luôn có phần đóng góp thiết thực của những người cao tuổi. 

          “Lão lai” nhưng “tài không tận”. Các cô chú tuổi đã cao nhưng vẫn luôn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng đối với địa phương bởi những hoạt động từ thiện này mang lại lợi ích cho xã hội, đồng thời là tấm gương sáng cho giới trẻ về lối sống đẹp, lối sống vì mọi người ./.

          Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *