Bên bờ hạnh phúc

          Người dân Vĩnh Long và vùng ĐBSCL không xa lạ gì với nghề nuôi vịt chạy đồng. Sau từng vụ lúa, trên những cánh đồng mới vừa thu hoạch , những  đàn vịt từ vài trăm đến hàng ngàn con chen nhau mót lúa và cua ốc trên đồng. Những người nuôi vịt chạy đồng cho biết : nghề nuôi vịt này rất vất vả, cực nhọc, phải chịu cảnh ăn bờ ở bụi, lăn lóc với nắng mưa, thường xuyên phải  xa nhà cả tháng. Nhưng bù lại, nếu chăm sóc chu đáo, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh tốt, thì đàn vịt mau lớn; đồng thời chịu khó chạy đồng để cho vịt kiếm ăn no đủ thì sẽ giảm bớt chi phí thức ăn đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

          Theo thống kê của ngành nông nghiệp , số lượng vịt chạy đồng ở ĐBSCL luôn chiếm ở tỷ lệ khá lớn, hơn 70% tổng đàn vịt nuôi hàng năm cua toàn vùng. Riêng ở Vĩnh Long, tổng đàn vịt bình quân mỗi năm có gần 1,6 triệu con, thì  chăn nuôi  dưới hình thức chạy đồng chiếm  trên 75% tổng đàn. Tuy nuôi vịt chạy đồng khá vất vả, nhưng đây là một nghề đã giúp cho không ít hộ dân sống ở vùng nông thôn có nguồn thu nhập đáng kể, nhiềú gia đình đã vươn lên ổn định cuộc sống.

          Anh Võ Văn Truyền ở xã Hòa Thạnh , huyện Tam Bình có hơn 10 năm nuôi vịt chạy đồng . Anh nói nghề nuôi vịt nhiều rủi ro, nhưng không thể bỏ được vì đã quen nghe tiếng vịt kêu và niềm vui đếm trứng hàng ngày . Tuy anh không nuôi nhiều, mỗi đợt chỉ có vài trăm con vịt đẻ nuôi chạy đồng sau các vụ thu hoạch lúa và mùa nước nổi vào tháng 9, tháng 10 âm lịch;  nhưng gia đình anh nhờ vậy có thu nhập  khá ổn định. Cụ thể như  năm nay , anh nuôi đàn vịt đẻ gần 750 con, cho chúng chạy đồng tìm thức ăn tự nhiên như  cua , cá, lúa đổ trên đồng; nên chi phí tiêu tốn thức ăn công nghiệp rất ít. Hơn nữa, do chạy đồng “ đủ mồi ăn” nên vịt đẻ rất sai, bình quân mỗi ngày anh thu trên 600 trứng . Với giá bán trứng như hiện nay, anh kiếm trên 1 triệu đồng/ ngày, sau khi trừ chi phí anh còn lời gần  60% .

            Không ít gia đình có đến 2-3 đời sống bằng nghề nuôi vịt chạy đồng. Theo kinh nghiệm từ các gia đình , để nuôi đàn vịt đẻ chạy đồng tốt, trước hết là cần loại bỏ những con vịt cằn cỗi để có đàn vịt khỏe mạnh ,  rồi tiêm ngừa đầy đủ vắcxin theo lịch tiêm chủng để phòng dịch bệnh, thường xuyên bổ sung vitamin để đàn vịt có sức đề kháng tốt. Ngoài ra , cần  đảm bảo tốt khâu vệ sinh chuồng trại ….Nếu chăm sóc kỹ và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đàn vịt sẽ đẻ sai và cho hiệu quả tốt.

        Còn anh Lư Văn Quốc ở ấp  An Thuận, xã Phú Đức huyện Long Hồ  cũng là một nông dân nhiều năm theo nghề nuôi vịt  chạy đồng , kinh nghiệm cho thấy trong năm nuôi vịt chạy đồng có hiệu quả cao nhất là vào mùa nước nổi. Thời gian này cũng là lúc đồng ruộng vừa thu hoạch xong vụ lúa thu đông và được xả lũ, nên thức ăn tự nhiên rất dồi dào ; nhờ vậy người nuôi  sẽ giảm bớt được khá nhiều chi phí. Nuôi vịt trong mùa nước nổi nên thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch bệnh, nhất là cúm H5N1 và thường xuyên vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, đảm bảo an toàn cho đàn vịt .

            Hiện nay, nghề  nuôi vịt chạy đồng ở các địa phương phát triển khá mạnh;  số lượng vịt nuôi của mỗi  hộ tăng lên khá nhiều. Tại cánh đồng ở ấp Mướp sát, xã Trung Hiệp của huyện Vũng Liêm, mới vào đầu vụ thu hoạch lúa thu đông mà nơi đây có đã có đến hàng chục đàn vịt chạy đồng , với số lượng mỗi đàn từ 500-1000 con. Do vậy, công tác tiêm phòng và quản lý dịch bệnh , nhất là bệnh cúm H5N1  luôn được các địa phương quan tâm hàng đầu.

 

          Từ nay đến cuối năm là thời điểm rất thuận lợi cho dịch cúm H5N1 xuất hiện . Điều đáng chú ý là vi-rut H5N1 có trong các mẫu gia cầm bị nhiễm bệnh trong thời gian gần đây đều có độc lực cao. Để đối phó với dịch bệnh này , ngành thú y đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về tính chất nguy hiểm của bệnh cúm H5N1 hiện nay , đề cao cảnh giác trong việc phòng chống, ngăn chặn  khả năng xuất hiện và lây lan trên diện rộng.

          Nuôi vịt chạy đồng là hình thức chăn nuôi “thả rong” trên phạm vi rộng từ vùng này sang vùng khác, nếu dịch bệnh xâm nhập sẽ dễ lan truyền nhanh. Do đo, các địa phương không chỉ quản lý tốt đàn vịt của các hộ dân nuôi tại chỗ, mà còn cần theo dõi và quản lý chặt chẽ các đàn vịt từ các vùng khác đến. Đây là công tác mà ngành chức năng và chính quyền cơ sở phải làm  thường xuyên. Tuy nhiên, vấn đề an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn đòi hỏi ý thức cao và sự hợp tác của người chăn nuôi.

          Anh Lê Trần Minh Phận ở xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình cho biết, chăn nuôi vịt là một trong những nguồn thu nhập lớn của gia đình và phải  chạy đồng thường xuyên. Ngoài việc khai báo và đăng ký với địa phương để được cấp sổ theo dõi, anh còn thực hiện tốt việc tiêm phòng ngừa dịch bệnh và vacxin cúm H5N1 cho đàn vịt đầy đủ. Với cách làm này đã giúp cho đàn vịt chạy đồng của gia đình anh luôn đảm bảo an toàn và tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát của ngành thú y.               

          Để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm , cách tốt nhất hiện nay vẫn là sử dụng vác-xin tiêm phòng. Công tác này luôn được ngành thú y đặt lên hàng đầu. Ngành thú y đã tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiến hành tiêm phòng đúng qui trình, tiêm đủ liều, đủ thời gian và đúng kỹ thuật. Ngoài ra, ngành còn vận động các hộ chăn nuôi gia cầm và nuôi vịt chạy đồng với số lượng lớn nên  có ý thức trách nhiệm, trung thực khai báo và đăng ký với chính quyển địa phương  để được cấp sổ theo dõi, đảm bảo cho công tác quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi được thuận tiện.            

          Hoạt động chăn nuôi gia cầm nói chung và vịt chạy đồng nói riêng của tỉnh đang phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp . Tuy nhiên, để đàn vật nuôi được an toàn, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về vệ sinh thú y, tiêu độc sát trùng  và vận động các hộ chăn nuôi nên thực hiện tiêm phòng đủ liều . Mặt khác, bà con chăn nuôi cũng cần phải nâng cao ý thức , hợp tác phòng chống dịch bệnh. Có như thế thì đàn gia cầm, nhất là đàn vịt chạy đồng  của tỉnh mới phát triển an toàn trong điều kiện dịch cúm N5N1 vẫn còn tiềm ẩn như hiện nay.

        Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *