Bên bờ hạnh phúc

Trong phim này có những món ăn công phu mang niềm tự hào về lịch sử, văn hóa ẩm thực xứ kim chi của điện ảnh Hàn Quốc. Nhìn về ẩm thực Việt trên phim mình ta chợt giật mình: à, cũng có nhiều chuyện để nói…

Người Việt ăn gì trên phim? Cảnh ăn trong một gia đình thì phải có bữa cơm, còn sinh viên nghèo thì gặm bánh mì, nhà giàu thì vào nhà hàng sang trọng và nếu là nhân vật ở Tây về thì cho họ ăn đồ Tây. Nhưng gần như chưa có bộ phim màn ảnh rộng hay truyền hình nào đi sâu và khai thác vẻ đẹp ẩm thực Việt. Gần đây nhất, phim truyền hình Mùi ngò gai, nói về món phở cổ truyền. Nhưng cũng chẳng mấy chi tiết về “văn hóa phở” – ẩm thực Việt được thể hiện. Vì câu chuyện chính nằm ở nhân vật Vi với cuộc đời thăng trầm của cô. Phở chỉ là minh họa cho nhân vật.

 

Phở trong phim Mùi ngò gai

Mới đây, không ít khán giả của Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt đã “có ý kiến” khi những người Việt hóa phim này để cho nhân vật nữ làm món cơm cuộn rong biển cho nhân vật nam ăn thay vì làm một món ăn nào đó của Việt Nam.

Phim dính líu nhiều đến ẩm thực đã vậy, những phim khác, các chi tiết về ẩm thực còn ít ỏi hơn nhiều. Nhà làm phim chỉ quay thoáng qua cho biết nhân vật có ăn là xong, nhiều lắm là cận cảnh cái miệng diễn viên nhai nhóp nhép. Vì nội dung không chú trọng nên chẳng ai nghĩ đến chuyện kỹ lưỡng làm gì. Ngoài ra, cũng vì “hoàn cảnh” nữa. Diễn viên Quyền Linh kể: “Đi đóng phim, sợ nhất là bị… ăn. Bởi đồ ăn đã để cả ngày, quay ở vùng sâu, vùng xa, đồ ăn để từ mấy ngày. Một lần, con gà quay từ ba ngày trước đã thiu nhưng tôi buộc phải ăn, cắn xong thì… chạy ra ói! Đến mấy tháng sau, thấy món gà tôi còn sợ”. Có thể thấy, ý đồ sử dụng bữa cơm gia đình như một nét văn hóa ẩm thực chưa hề có ở những người viết kịch bản lẫn nhà làm phim Việt Nam.

Hoàn toàn có thể lồng vào phim những chi tiết ẩm thực để quảng bá cho văn hóa ẩm thực Việt vì sự phong phú, tinh tế trong món ăn Việt gần như là đề tài bất tận cho sáng tạo nghệ thuật. Ngoài những bữa ăn truyền thống, chúng ta còn có những món đặc sản của từng vùng. Trong phim chiếu Tết Những nụ hôn rực rỡ có cảnh các nhân vật ở một resort gọi món tôm hùm và hình ảnh chú tôm hùm to tướng chỉ thoáng qua mấy giây. Cam Ranh là xứ sở tôm hùm và sò huyết. Chỉ cần thêm một câu thoại đúng chỗ là có thể quảng bá thêm cho sản vật của một vùng đất.

Ăn uống là chuyện thiết thân của từng người, từng ngày. Những món ăn thời thơ ấu do mẹ nấu hay những món ăn gắn với những giai đoạn cuộc đời đều để lại ký ức sâu nặng. Sâu xa hơn, ẩm thực là một phần của bản sắc văn hóa từng dân tộc. Khai thác những chi tiết ẩm thực Việt trong phim cũng chính là khai thác tâm tình, xúc cảm của con người. Còn nhớ, trong phim Hương ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh, mùi hương của một loại trái cây đã khơi gợi ký ức của một người lính và tạo nên mối liên hệ giữa anh với một cô bé sống xa thời của anh. Nhiều năm qua, có những khán giả không còn nhớ chi tiết nội dung phim, nhưng những hình ảnh cây ổi và không gian thơm mùi ổi trong tưởng tượng của khán giả vẫn còn…

Cảnh trong phim Hương ổi

Chọn những điều dung dị, gần gũi với con người từ bữa cơm hằng ngày đến những nỗi lo của người dân vùng nước nổi mùa dịch cúm gia cầm, bộ phim truyền hình Vịt kêu đồng (Hãng phim truyền hình TP.HCM) đã để lại những thước phim cảm động về bữa cơm gia đình mùa lũ.

Để phim Việt gần hơn với người Việt, cần sự nỗ lực ở nhiều mặt, và kịch bản với những chi tiết đời thường như ẩm thực rất quan trọng. Khán giả vẫn mong mỏi, trông chờ những bộ phim về ẩm thực Việt – văn hóa Việt xứng đáng.

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *