Bên bờ hạnh phúc

Từng là một người mẫu nổi tiếng, từng là giám khảo trong cuộc tuyển chọn người mẫu, từng làm kinh doanh thời trang thành công mà Đức Hải lại trông có vẻ lạnh lùng, nhưng nếu tiếp cận được thì lại dễ thấy anh là một người tràn đầy bầu nhiệt huyết và trăn trở với nghề. Với Đức Hải, làm gì cũng phải trọng chữ đức và quyết không hy sinh giá trị của mình.

– Xin hỏi đến giờ này, với anh, thành công có nghĩa là gì?

Đó là tôi có một gia đình hạnh phúc, có sự chia sẻ từ cha mẹ, em của mình. Thành công thứ hai, trong mười mấy năm làm việc, là có nhiều người vẫn nhớ tới và dành nhiều ưu ái cho tôi. Tôi còn nhiều ước mơ lắm. Tôi cần phải làm việc cật lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa để đạt được.

Trong đời người có rất nhiều điều thành công nhưng cũng có không ít điều thất bại. Tôi không quan trọng một hay hai thành công, mà quan trọng là mục tiêu của mình đề ra mình có đạt được hay không. Tôi nghĩ thành công trong cuộc đời có nhiều thứ, không phải có tiền mới thành công. Ví dụ: mình đạt được hạnh phúc mà nhiều người không có, làm được nhiều điều ý nghĩa hơn người khác cũng là một thành công.

 Thành công đâu chỉ đến với những người có ngoại hình đẹp, mà ngay cả người có ngoại hình không như mong muốn họ vẫn có thể gặt hái được thành công nếu như có ý chí và có trình độ học hành đàng hoàng. Một con người làm ở một nghề bình thường trong xã hội, nhưng họ đã cống hiến hết sức và làm đẹp hơn cho xã hội thì họ cũng sẽ đạt được kết quả như họ trông đợi. Đối với tôi, ai cũng có thể đạt được điều họ muốn, nhưng đôi khi phải ngồi lại để xem khả năng mình có thể đi tới đâu, tiến tới cấp bậc nào để đặt mục tiêu cho phù hợp, chứ đừng với tay quá mức vì có thể vấp ngã.

 

– Khi cần tiền để đầu tư kinh doanh, nếu có một vai diễn với cát-sê thấp hơn cát-sê đang giữ của anh, anh có nhận lời không?

Giá tiền cao hay thấp không phải là mục tiêu quan trọng nhất trong lúc mà tôi đang cần tiền đầu tư kinh doanh, vì bản thân tôi biết được giá trị của mình là như thế nào. Tôi có thể dời dự án của mình lại tới khi nào tôi đủ khả năng làm. Sau mười mấy năm xây dựng hình ảnh, ngày hôm nay tôi đạt được giá trị đó, đạt được đỉnh cao cát-xê như vậy thì tôi không dễ dàng gì mà đánh đổi.

Và chuyện nhận cát-xê cao hay thấp còn tùy thuộc nhiều thứ, như kịch bản mình có tâm huyết với nó không; người, công ty mời mình là ai, họ trân trọng mình tới mức nào, mục đích dự án của họ là gì. Nếu một dự án tôi thấy là tuyệt vời, làm với mục đích vì cộng đồng giúp mang đến những thay đổi tốt hơn trong góc nhìn, văn hóa của người xem thì tôi sẵn sàng nhận làm việc, thậm chí làm với giá là 0 đồng. Nhưng không có chuyện tôi phải giảm giá trị của mình vì tôi cần phải làm công việc kinh doanh.

– Nếu chẳng may có những lý do khác khiến anh phải đánh đổi lựa chọn của mình thì sao?

Tôi cũng không đánh đổi mình bằng cách đó. Vì khi nhận một giá cát-sê thấp thì có thể làm người ta hiểu lầm về giá trị của tôi. Người ta có thể nghĩ rằng mình bị một vấn đề gì đó hoặc là mình đã qua thời đỉnh cao nên mới nhận bừa bãi như vậy. Có người hiểu lầm rằng mình làm phim chỉ vì tiền, lớn hay nhỏ đều vơ vét chứ không quan trọng về kịch bản hoặc mục đích của dự án.

Hiện tại, một năm tôi nhận được không dưới 15 lời mời, nhưng chuyện tôi có đóng hay không không phải tiền là hàng đầu, nhưng họ phải trả xứng với công sức tôi bỏ ra thì tôi mới nhận. Nếu nhận kịch bản tệ mà cát-xê cao hơn nhưng sau đó dự án không thành công thì mình cũng đánh mất tên tuổi của mình và về cứ thế mình sẽ tự hạ giá trị, phá hủy tương lai của bản thân vì còn ai dám mời mình nữa? Điều đó là hiển nhiên!

Nên dù có cần tiền, tôi cũng luôn cân nhắc xem dự án mình tham gia mang lại giá trị nào, hình ảnh nào rồi mới tới giá tiền. Tôi không đánh đổi giá trị của mình bằng tiền bởi nó không đáng.

 

– Có một người đến năn nỉ nhờ anh hướng dẫn cho họ trở thành một người mẫu giỏi, tình huống như thế nào thì anh không thể chối từ lời đề nghị đó?

Thực tế tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Và không có chuyện là tôi không thể từ chối được. Vì đối với tôi, đã từng làm người mẫu, từng làm giám khảo và điều tôi tự hào về mình là tôi rất khẳng khái, thẳng thắn. Tôi không chịu áp lực hay nghe bất cứ lời tác động nào từ bên ngoài khiến mình thay đổi ý định về kết quả hoặc sự nhận xét về nghề của mình.

 Tôi luôn cố gắng làm và cố gắng giữ sự công bằng: cho cơ hội với mọi người muốn trở thành người mẫu, thành ngôi sao nhưng với điều kiện người đó phải có tố chất. Tôi phải nhìn thấy tương lai lâu dài của họ, họ phải yêu nghề, họ phải đủ thông minh để phát triển những gì mà tôi truyền đạt, huấn luyện cho họ.

Còn nếu chỉ nói rằng: Em muốn trở thành người mẫu, bao nhiêu cũng trả miễn sao được là người mẫu, hoặc Bố em là quan chức hay là người này người nọ trong ngành để ra điều kiện thì câu trả lời lập tức sẽ là: Tôi không làm được. Tôi có thể nể trọng về tài chính của họ, nể trọng mối quan hệ với người thân của họ nhưng sẽ giữ điều ấy trong phạm vi tình cảm, còn công việc là công việc.

Nếu lăng xê một người ngược lại với những điều kiện ở trên thì sau này họ sẽ trách tôi là đã gửi gắm rồi mà không được việc, và tôi sẽ bị cắn rứt lương tâm rằng mình vì tiền, hoặc vì mối quan hệ nào đó mà tạo ra người mẫu thiếu chất lượng, trong khi đã là người có nghề mình phải chính trực và đặt nghề lên hàng đầu.

– Còn lúc làm quản lý, khi của nhân viên gây lỗi thì anh thường làm gì?

Đầu tiên là tôi tự trách mình trước. Vì đối với tôi, nhân viên có làm sai một thì mình làm sai hai, ba. Thứ nhất, mình đã không quản lý nhân viên mình tốt. Thứ hai, mình thiếu thông tin và huấn luyện người ta tới nơi tới chốn để xảy ra những lỗi ảnh hưởng đến chất lượng công việc và điều đó nằm trong trách nhiệm của người quản lý.

Nên đối với tôi, mình phải dũng cảm nhận lỗi đó đầu tiên. Sau đó tôi tìm hiểu nguyên nhân để biết cách điều chỉnh hoặc huấn luyện để người ta tốt hơn. Tôi không đổ lỗi hết cho nhân viên, mặc dù lỗi đó có thể do nhân viên gây ra nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn là của mình.

– Nhiều người hay nói: muốn giàu thì phải lách luật, trốn thuế. Theo anh, có thể kinh doanh lãi nhiều mà không cần trốn thuế?

Kinh doanh mà trốn thuế thì tôi thấy nó không có một sự hứa hẹn tốt đẹp trong tương lai lâu dài, vì mình làm cái gì trong bóng tối thì cũng đến ngày bị phát hiện ra thôi. Nên tôi nghĩ cần kinh doanh một cách bền vững, chậm mà chắc. Phải tìm được thị trường và đưa sản phẩm phù hợp vào thị trường đó thì người tiêu dùng sẽ ủng hộ và ủng hộ theo cấp số nhân. Điều đó sẽ giúp cho mình kinh doanh tốt hơn, mặc dù lời trên đơn vị sản phẩm của mình có thể thấp hơn của người trốn thuế.

Tôi nghĩ có rất nhiều cơ sở, công ty, tập đoàn ở nước mình không trốn thuế, đặc biệt với các công ty nước ngoài thì việc trốn thuế đối với họ là một điều rất khó khăn. Đương nhiên họ cũng có cách lách luật – tức là hiểu luật và làm những điều luật không cấm giúp mình giảm được những chi phí không cần thiết mà người ta không bảo mình làm sai. Và lách khác với trốn, trốn là phạm pháp. Quan điểm của tôi là không khuyến khích ai phạm pháp và bản thân tôi cũng không muốn phạm pháp.

– Xin cảm ơn anh!

Theo vnmedia, tintuconline
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *