Bên bờ hạnh phúc

Nói về tình trạng các nhà văn, nhà nghiên cứu có tên tuổi đi “đạo văn”, nhà phê bình lý luận Nguyễn Hòa cho rằng : “Các thế hệ học trò ra trường làm ở NXB, hoặc ở các tòa soạn báo… Họ in sách của thầy, đăng bài của thầy. Làm cho thầy càng ngộ nhận, rồi các cơ quan thông tin đại chúng cũng ngộ nhận về họ, các cơ quan chức năng cũng tin vào họ. Và cứ ngỡ những người sáng danh như thế thì sản phẩm nghiên cứu sẽ là “vàng”. Nhưng than ôi, đôi khi họ lại sản xuất ra… “thạch cao”.

Nhà PBLL Nguyễn Hòa : "Sáng suốt, thông minh là tài sản không phải ai cũng có được. Nhưng khả năng “tham” là cái luôn có thể xảy ra với tất cả mọi người, và người ta có thể điều chỉnh, làm thế nào để không “tham” quả là một thách thức… "

Phóng viên (PV) : Chuyện đạo văn kể cũng mệt mỏi. Quyển giáo trình "Cơ sở văn hóa Việt Nam" là quyển sách đầu tiên tôi được biết và học về văn hóa trong năm đầu tiên đại học do Trần Thúy Anh (con gái cố Giáo sư Trần Quốc Vượng) giảng dạy. Sau đó vài năm, tôi cũng được chính cố Giáo sư Vượng giảng về lý luận và lịch sử văn hóa Việt Nam bằng nhiều nguồn tài liệu hơn. Thuở ấy, nghiến ngấu đọc và học, mà chẳng hề hay quyển giáo trình đầu tiên mình được học lại là một quyển đạo văn.

– Nhà phê bình lý luận (PBLL) Nguyễn Hòa : Vậy mà quyển đó lại đạo trắng trợn lắm đấy bạn ạ. Mà cả cái ông PGS TS Trần Đức Ngôn kia nữa, không biết có phải vì muốn “cứu nhau” hay không mà ông ta lại viết thư gửi cấp trên nhỉ? Đơn của Ngôn gửi ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, tôi cũng có một bản. Trái đất này bé lắm mà, nên tại sao nó đến tay tôi thì cứ đi hỏi ông Nguyễn Chí Bền là biết thôi.

Với ông Trần Đức Ngôn, tôi cư xử rất đàng hoàng. Ít ra thì ông ta cũng là Hiệu trưởng một trường đại học. Viết xong bài, tôi gửi cho anh Văn Giá – Văn Giá là Chủ nhiệm Khoa Sáng tác – Lý luận của Đại học Văn hóa Hà Nội – nhờ Văn Giá chuyển cho ông ấy và bảo rằng, nếu ông ta xin lỗi thì tôi cho qua, không xin lỗi thì tôi công bố, lúc đó chẳng trách tôi được. Nhưng ông Ngôn đã không xin lỗi. Không xin lỗi thì tôi công bố. Thật ra, phần lớn các trường hợp, tôi đều gọi điện thông báo trước. Nếu người đó đủ bản lĩnh và đủ sự liêm sỉ thì tôi cho qua, còn nếu không thì “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

PV : Việc anh gọi điện trước khiến tôi nhớ tới vua trộm huyền thoại Arsène Lupin của Maurice Leblanc. Mỗi vụ trộm đều là một cuộc chơi tao nhã. Arsène Lupin cũng nhắn trước cho người sắp bị mất trộm một cách đường hoàng, tất nhiên không giấu tên. Và sau mỗi vụ việc đều nhẹ nhàng để lại hiện trường tấm danh thiếp, để mọi người trầm trồ “Vụ trộm ngoạn mục này chỉ có thể xảy ra bởi Arsène chứ không ai khác”. Có điều lần này, anh là “khắc tinh của những tên trộm”. Nghe nói anh cũng từng gọi điện cho Giáo sư Hà Minh Đức?

– Nhà PBLL Nguyễn Hòa : Với Giáo sư Hà Minh Đức cũng thế. Tôi gọi điện trước một tuần, bảo rằng : Em vừa đọc trên báo Văn nghệ hôm nay, thấy anh nằm trong danh sách những người được đề cử. Ông ấy lại tưởng tôi gọi điện tới để chúc mừng, nên nói : Cám ơn ông, anh em quý tôi đưa vào ấy mà. Tôi nói : Em không gọi điện để chúc mừng anh đâu. Em gọi điện để đề nghị anh rút ra khỏi danh sách đề cử giải thưởng. Ông Đức thắc mắc : Vì sao lại thế? Vì em thấy anh nhận hai giải thưởng Nhà nước rồi, và mười mấy tác phẩm của anh chưa đến mức xuất sắc để đạt giải thưởng – tôi trả lời. Ông ấy nói tiếp : Thế thì anh làm đơn gửi Bộ Văn hóa đi. Tôi đáp lại : Anh làm em như thằng đi khiếu kiện ấy à. Em có khiếu kiện ai bao giờ đâu. Em viết cho công chúng đọc và còn kiếm ít nhuận bút chứ (cười). Anh suy nghĩ kỹ đi. Một tuần nữa là có bài của em đấy!

PV : Đúng như anh nói thì những con chữ chắc hẳn sẽ xấu hổ lắm khi chúng được sinh ra bởi những sự nhào nặn quấy quá. Và nếu như chúng có thể cất được thành lời, tiếng đầu tiên sẽ là “Chúng tôi xin lỗi”. Những tia sáng tri thức tươi đẹp đã bị khúc xạ thành những đợt sáng gãy yếu đuối. Liệu có quá tiêu cực không?

– Nhà PBLL Nguyễn Hòa : Cũng chẳng phải tiêu cực đâu. Trong nhiều trường hợp cụ thể, hình như họ đã sống quen với sự giả dối. Có một thời kỳ đất nước này cần người gây dựng lên một số công việc, như văn học chẳng hạn, và cần những người làm việc. Dần dà, những con người đó ngộ nhận về mình. Các thế hệ học trò ra trường làm ở nhà xuất bản, làm ở các tòa soạn báo, làm các công trình này nọ… Họ in sách của thầy, đăng bài của thầy, mời thầy cộng tác. Làm cho thầy càng ngộ nhận, rồi các cơ quan thông tin đại chúng cũng ngộ nhận về họ, các cơ quan chức năng cũng tin vào họ. Và cứ ngỡ những người sáng danh như thế thì sản phẩm nghiên cứu sẽ là “vàng”. Nhưng than ôi, đôi khi họ lại sản xuất ra… “thạch cao”.

PV : Theo anh, điều gì đã dẫn tới sự cả tin quá lớn đấy?

– Nhà PBLL Nguyễn Hòa : Có lẽ một phần do công việc văn chương vốn phức tạp. Và thế hệ lãnh đạo thời chiến tranh có nhiều việc của họ. Vả lại, thời chiến tranh nguy hiểm hơn vì nguy hại đến tính mạng của hàng triệu con người. Còn thời này bắt đầu có các thế hệ được đào tạo bài bản để làm những công việc đó. Chuyện này là tất yếu. Nhưng thời bình, với một tiết tấu khác, với tính chất khác, với đòi hỏi khác thì người ta đã không theo kịp với nó. Vậy mà họ vẫn sống với tài sản của quá khứ, mà chưa chắc tài sản ấy đã mang lại ánh hào quang. Cho nên, người ta rơi vào tình huống ngộ nhận về mình. Đấy là chưa nói đến tham vọng.

Trong kinh Phật có nói đến tam độc là “tham, sân, si”. Tôi hay nghĩ vẩn vơ rằng, “si” là sự u tối, “sân” là sự giận dữ. Hình như không phải ai đi học cũng giỏi. Có người giỏi người yếu, có người cố gắng lắm mà vẫn không thể giỏi. Không phải ai cũng được trời cho một trí thông minh, sáng suốt hơn người. Cũng chẳng ai dám đảm bảo mình không biết giận dữ, vẫn có những anh hiền lành củ mì cù mì mà “cục tính” đấy thôi. Sáng suốt, thông minh là tài sản không phải ai cũng có được. Nhưng khả năng “tham” là cái luôn có thể xảy ra với tất cả mọi người, và người ta có thể điều chỉnh, làm thế nào để không “tham” quả là một thách thức.

PV : Nhưng” tham” là cái mà bất kỳ con người nào, dân tộc nào cũng có. Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một bài trả lời phỏng vấn có nói : Nếu không tham, sân, si, có tình thương, đã là Phật rồi. Hoá ra, việc thành Phật vừa giản đơn, mà cũng lại vừa vô cùng phức tạp. Trong thực tế, hiếm ai có thể kiểm soát được cái “tham”. Anh không vướng vào tham tiền, thì anh vướng vào tham danh vọng, không danh vọng thì lại ái tình… Nó như một vòng tròn ghìm chặt mỗi cá nhân trong một bể khổ luân hồi. Mà có lẽ, càng ngày chúng ta càng tham thì phải. Tất cả những thứ như “đạo văn”, “đạo nhạc”, “đạo thơ”, “đạo họa”, cách đây hơn mười năm đâu có rộn ràng như thế? Phải chăng, những đòi hỏi quá mức trong thời đại mới khiến chúng ta đang ngày càng sa lầy?

– Nhà PBLL Nguyễn Hòa : Nó vẫn đang là một nguyên nhân dẫn tới sự nhùng nhằng của việc đi tìm giá trị mới cho văn hoá và văn chương. Trong khi giá trị mới chưa được khẳng định thì có những giá trị như là gạch nối. Những giá trị tạm thời. Như là vòng xoáy của phủ định biện chứng, phải thêm một lần phủ định nữa (phủ định của phủ định). Nên ở phủ định lần thứ nhất, lần trung gian này, cái cũ vẫn còn có ý nghĩa.

Những người có ý thức nghiêm túc thì sẽ đứng sang một bên, còn những người thiếu thấu đáo hoặc hời hợt thì vẫn cố gắng níu kéo. Chưa nói đến môi trường. Ngay như khi tôi đăng bài báo này, tôi cũng phải tìm đến nơi không có học trò của người bị phê phán chứ. Chứ đâu phải chỗ nào cũng gửi. Khi tôi viết bài phê bình ông Trần Đình Sử, ông Phan Cự Đệ, ông Hà Minh Đức… tôi luôn đứng trước khả năng phải đương đầu với hàng nghìn học trò của họ.

Bởi thế, tôi phải lập luận cực kỳ chắc chắn, đến mức họ khó có thể “tháo dỡ” hệ thống của tôi. Nhờ trời, tôi có mười mấy năm làm triết học, ít nhiều biết biến thành phương pháp, rồi sử dụng phương pháp như là công cụ của tư duy. Ngoài ra, logic học giúp tôi xây dựng mỗi bài viết như là một hệ thống hoàn chỉnh. Vì thế khi gửi bài, tôi thường ghi ở bên dưới : Nếu có cắt gọt thì để tôi tự cắt gọt. Không phải tôi tinh tướng, mà tôi biết cái đó chỉ mình tôi cắt nổi thôi. Một người nào đó không có khả năng nhập thân vào hệ thống thì không thể nào cắt nổi, có khi còn làm hỏng nó.

Bìa cuốn sách "luận chiến" mới nhất của Nguyễn Hòa

 
PV : Điều gì khiến không ít Giáo sư, Tiến sĩ ngang nhiên đạo văn?

– Nhà PBLL Nguyễn Hòa : Họ coi thường độc giả là một. Thứ hai, ít nhiều họ có sự dung túng.

PV : Thế nào là sự dung túng?

– Nhà PBLL Nguyễn Hòa : Ví như bạn làm ở một NXB. Bạn biết một quyển sách là đạo văn, mà bạn vẫn có thể tái bản được cho họ nếu việc in ấn đó giúp NXB có thêm một khoản tiền, hoặc tác giả là người quen của bạn. Tôi chưa biết chuyện thực hư ở NXB như thế nào, nhưng tôi chưa từng được nghe chuyện một cuốn sách nào đó đã đạo văn, nên không được chấp nhận in hoặc tái bản.

PV : Nhưng thực sự, họ có biết tác phẩm họ sắp in hoặc tái bản là “đạo văn” không?

– Nhà PBLL Nguyễn Hòa : Thì như quyển của Đỗ Lai Thúy – Con mắt thơ – là cuốn ăn cắp kinh hoàng. Mà 7 năm sau, Chu Văn Sơn mới lên tiếng đấy. Xét về bình thơ, Chu Văn Sơn là một trong những người đứng đầu ở Việt Nam hiện nay. Anh ấy đọc nhiều nên biết nguồn gốc những tài liệu Đỗ Lai Thúy “thuổng” là ở đâu.

Hồi ấy chưa được nghỉ hai ngày như bây giờ. Hội Nhà văn họp vào thứ bảy để xét giải. Anh Nguyên Ngọc bảo mọi người về nghỉ chủ nhật và cân nhắc kỹ, sáng thứ hai bỏ phiếu. Chiều thứ bảy, tôi nghe cái tin sắp bỏ phiếu và trong đó có “Con mắt thơ”. Tôi bảo Chu Văn Sơn cùng đến chỗ anh Nguyên Ngọc. Hai thằng đi bằng cái xe Babetta cổ lỗ sĩ của tôi.

Đến nhà Nguyên Ngọc, tôi lấy cuốn của Đỗ Lai Thúy ra (khi đó là cuốn duy nhất về lý luận – phê bình có khả năng đoạt giải) và trình bày : Bọn em chẳng phải hội viên, nhưng bọn em ra gặp anh là vì Hội. Ông Ngọc hỏi : Làm sao? Tôi giở cuốn sách và nói : Đây là cuốn ăn cắp. Ông hỏi tiếp : Ăn cắp của ai? Lúc ấy, tôi mới lôi ra một loạt tên tuổi mà ông Ngọc cũng quý mến. Ông Ngọc bảo : Sao lại có chuyện đó, ông Đặng Tiến còn viết bài ca ngợi cơ mà? Tôi bảo : Ông Tiến viết cách đây bao nhiêu năm, có thể đã quên rồi. Hoặc có thể, người ta cứ để trao giải rồi mới “nện” cho xấu hổ thì sao? Tình huống xã hội có nhiều lắm. Nếu các anh vẫn bỏ phiếu thì em không phản đối, nhưng sẽ lên tiếng. Chúng em không phải phản đối Hội Nhà văn, mà lên tiếng để bảo vệ giới tri thức trong nước!

Anh Ngọc lại hỏi : Chú cho dẫn chứng đi. Tôi bảo Chu Văn Sơn : Bây giờ tôi cầm quyển của Đỗ Lai Thúy, Sơn cầm cuốn của Lê Huy Oanh, hai thằng cùng “song ca” cho anh ấy nghe nhé!

Tôi và Sơn đọc được nửa trang. Nguyên Ngọc giật mình hỏi : Thế có ngoặc kép không? Tôi nói : Nếu có ngoặc kép, thì chúng em đến gặp anh làm gì?

Rồi ông Thúy cũng đến nhà Chu Văn Sơn để nói khó. Sơn không công bố chuyện đó nữa. Thế mà 7 năm sau, ông Thúy vẫn tiếp tục tái bản mấy lần, không sửa chữa, bất chấp thiện chí của đồng nghiệp. Đến năm 2002, tôi phải thốt lên với Chu Văn Sơn : Thôi đến mức này thì không thể nào im lặng được nữa. Ông ấy khinh bọn mình quá. Ông ấy lợi dụng sự tử tế của anh em. Vì tôi vẫn nghĩ, với những gì ông Thúy đã làm được thì việc gì phải đi ăn cắp. Dù sao ông Thúy cũng có tên tuổi rồi.

PV : Tại sao Đỗ Lai Thúy lại làm thế?

– Nhà PBLL Nguyễn Hòa : Chẳng biết được.

(Còn nữa)
Xuân Anh (Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *