Bên bờ hạnh phúc

66 năm đã đi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử, đất nước Việt Nam đã trải qua biết bao biến cố, đổi thay và ngày càng phát triển, sánh vai cùng bè bạn năm châu trên thế giới. 66 năm trôi qua là khoảng thời gian khá dài nhưng ký ức và những cảm xúc mãnh liệt về ngày 2/9/1945 – mốc son lịch sử của đất nước mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là với những người đã từng tham gia, chứng kiến cuộc bứt phá, đổi đời của dân tộc.

Ông Đỗ Quang Diệp  

 

Cách nay 66 năm, ông Đỗ Quang Diệp – cán bộ cách mạng đã nghỉ hưu ở Phường 9 TPVL chỉ mới 11 tuổi – cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” . Vậy mà mãi cho đến hôm nay, hồi ức tuổi thơ gắn với những tháng ngày cơ cực, đói khổ của người dân dưới ách đô hộ của thực dân – phong kiến vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông. Niềm phấn khởi về cuộc đổi đời của dân tộc sau ngày đất nước độc lập 2/9/1945 vẫn còn làm ông bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ lại:“Trước khi chưa có cách mạng đời sống nhân dân hết sức cơ cực, gia đình tôi cũng hết sức cơ cực.Mẹ tôi phải lao động vất vả từ sáng đến tối mới mua được hơn 4 lít bắp, tôi mới giã để hôm sau hầm cho cả nhà ăn, quần áo cũng không có để mặc. Đến khi có cách mạng, nhân dân rất phấn khởi, ngoài có cơm ăn còn được học hành thực hiện theo lời Bác Hồ chống giặc đói, giặc dốt, chống giặc ngoại xâm.”

Năm nay, ông Đặng Văn Quảng, cán bộ hưu trí ở Phường 4 – TPVL đã 84 tuổi. Thời gian và tuổi tác có thể làm ông lãng quên đi nhiều điều, song thời thanh xuân với những năm tháng hừng hực lửa đấu tranh cách mạng vẫn mãi là ký ức đẹp, theo ông trong suốt cuộc đời. Xuất thân từ một gia đình nông dân ở xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, không chịu nỗi cảnh áp bức, bóc lột “một cổ, hai tròng” của thực dân – phong kiến, năm 1945, ông đã tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong, nổi dậy cướp chính quyền về tay nhân dân, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

 Ông Quảng vẫn nhớ: “Nghe Đài Tiếng nói Việt Nam nói ngày 2.9 Bác sẽ đọc bản tuyên ngôn độc lập lúc đó 2h chiều tất cả mở Đài Tiếng nói VN nghe bác đọc tuyên ngôn mình thấy rất là cảm động, bởi vì bác nói rất là tỉ mỉ, bị vì mình đã bị áp bức mấy tầng bóc lột cho nên được giải phóng Bác khai sinh ra ngày dân chủ cộng hoà thì trước giờ mình mất nước, mình không mất tên trên bản đồ thế giới giờ bác khai sinh ra nước VNDCCH mình mới có độc lập tự do, nhân dân rất là sung sướng, cuộc đời mình tám mươi mấy năm bị đô hộ giờ mình tự do nên nhân dân rất phấn khởi.”

 

 



Vợ chồng ông Đặng Văn Quảng 

 

 Bà Lưu Thị Trang, vợ ông Quảng cũng nhớ mãi những ngày mùa Thu năm ấy:“Lúc đó đâu có điều kiện thông tin, thấy hình ảnh Bác chỉ qua báo với Đài Tiếng tiếng VN nhưng mà cũng hẹp lắm nhưng mà với khí thế ở trong vùng tôi làng xóm bà con rất mừng kéo thành đoàn đi biểu tình đi mittinh hô vang Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm vang động trong vùng cả ngày cả đêm liên tục cả tuần lễ vậy. Tôi thấy dân mình tiếp tục sản xuất, gắn với nhau làm ăn với một khí thế đoàn kết trong tình làng nghĩa xóm, tôi thấy cảm nhận lúc vui mừng người ta biến thành hành động của con người cụ thể rồi gắn với bộ đội, cơ quan để lo cho chuyện nước non.”

Đã sắp bước vào tuổi 90 nhưng bà Nguyễn Thị Liên, cán bộ lão thành cách mạng của tỉnh, hiện ở phường 2 TPVL vẫn không sao giấu được niềm cảm xúc khi kể lại với thế hệ trẻ hôm nay về những sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra trên đất nước trong những ngày diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước và Quốc khánh 2/9 năm 1945.

Bà Nguyễn Thị Liên

 

Ngày ấy, nhờ sớm giác ngộ cách mạng, tuy là phận gái bà đã sớm gia nhập Hội Phụ nữ dân chủ, cùng lực lượng cách mạng và nhân dân địa phương tham gia nổi dậy giành chính quyền. Đây là lần đầu tiên chính quyền trong cả nước thuộc về tay nhân dân, đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập sau hơn 1.000 năm nô lệ giặc phương Bắc và 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Bà vẫn nhớ: “Lúc đó ai cũng vui mừng hết, không phải một mình tôi. Gặp ai cũng nói bây giờ mình đã độc lập, bầu được nhà nước VN độc lập ngang hàng với thế giới, mình không còn là những người nô lệ nữa, mọi người đều háo hức hết, từ chỗ nô lệ bị áp bức bóc lột mình sung sướng rồi.Vui nhất là sau đó nghe ông Hồ Chí Minh là chủ tịch nước nhưng mà không biết Hồ Chí Minh là ai. Có một đoàn cán bộ cấp trên xuống ở tại Vĩnh Xuân, nhiều người bao vây hỏi ông Hồ Chí Minh là ai, một người trong đoàn đứng ra nói đó  chính là Nguyễn Ai Quốc, trời ơi mừng biết bao nhiêu.”

66 năm đã đi qua, trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã không ngừng viết tiếp những chiến công chói lọi trong chiến đấu và trong xây dựng, phát triển. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của một đất nước tự do, độc lập; một dân tộc luôn yêu chuộng, mong muốn hòa bình. Thời gian dẫu trôi, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác nhưng Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi vang vọng và là ký ức thiêng liêng, trân trọng trong mỗi con người./.

Bích Tuyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *