Bên bờ hạnh phúc

Dọc theo quốc lộ 91, đi từ TP Long Xuyên hướng về Thị xã Châu Đốc, đến địa phận huyện Châu Phú, nhìn thấy cầu Phù Dật hay cầu Chữ S, cũng là đến với những xóm hến nổi tiếng trong vùng . Xóm hến Phù Dật, xóm hến cầu chữ S đã có từ lâu, cư dân gắn bó với nghề, thích được gọi là dân xóm hến. 

Khi chiều về, đứng trên cầu chữ S, nhìn về hướng chợ – thuộc ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Thạnh Trung, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy những chiếc ghe cào hến san sát nối đuôi nhau. Cảm nhận xóm hến này thật đông đúc. Cho nên cán bộ địa phương hay gọi là làng hến…

 



 

Cách quốc lộ 91 khoảng vài chục mét về phía tây, xóm hến này nằm cặp theo kênh chữ S, nên ở đây người ta gọi là xóm hến cầu Chữ S.

Hộ có nhà trên bờ, hộ có nhà sàn cặp sông, hoặc những hộ chỉ sống trên ghe, hầu như ai cũng tham gia làm nghề hến. Có chiều dài chưa đầy 300m, vậy mà có trên 50 hộ làm nghề cào hến, với gần 200 lao động, được xem là nơi làm nghề hến tập trung của huyện Châu Phú.

Nghề này đã xuất hiện ở đây mấy chục năm rồi. Có gia đình làm nghề đến 2 – 3 thế hệ.

Mỗi ngày ở đây đều diễn ra hình ảnh nhộn nhịp như thế này,…

Hồi trước, ít hộ làm, sản lượng cũng không nhiều nên chỉ bán cho các chợ nhỏ ở địa phương. Sau này, dân thành phố tiêu thụ hến thịt mạnh hơn nên có nhiều thương lái đến thu mua. Vì vậy,  nơi đây còn là đầu mối tiêu thụ và phân phối  khá lớn loài thủy sản nước ngọt này.

Bà con ở đây cho biết, đến xóm hến này vào lúc từ 1 giờ chiều trở đi sẽ đông vui lắm. Lúc đó ghe cào đã về, công việc tiếp theo là rửa sạch, lựa và luộc hến … , người người làm hến, nhà nhà làm hến.

 

Chúng tôi đến một hộ đang tất bật với những công việc làm ra thành phẩm hến ruột. Tuy chị Huỳnh Thị Đào không có ghe cào hến, nhưng đã nhiều năm nay, chị đi luộc thuê, mỗi ngày cũng có một ít tiền ổn định cuộc sống.

Những năm trúng mùa, sản lượng hến rất nhiều, mỗi ngày có đến vài chục tấn hến vỏ về bến, và vài tấn hến thịt được tiêu thụ. Vì vậy , nhiều hộ cũng xuất thân từ xóm hến vào cuộc làm thương lái thu mua hến, tiêu thụ cho bà con.

Làng hến tuy đông đúc nhưng chỉ có khoảng hơn 20 hộ có ghe cào máy như thế này, còn lại là những hộ  chuyên cào tay.

 Chúng tôi đi cùng vợ chồng chị Đoàn Thị Thùy Trang và anh Huỳnh Phú Thuận. Vợ chồng anh chị không có đất đai sản xuất, cũng không có đất ở, sống bằng nghề cào hến hơn chục năm nay. Anh chị lấy ghe làm nhà, sống lênh đênh trên sông nước.

Mỗi ngày, chị phải thức dậy thật sớm để chuẩn bị cơm nước cho chuyến cào xa. Hôm nay, có chúng tôi cùng đi, anh chị dậy trễ hơn cho chúng tôi đỡ vất vả.

Trước đây, anh chị có chiếc ghe cào tay, mỗi ngày cào vài giạ hến, kiếm vài bà chục ngàn, không đủ sống. Sau này, có nhiều ghe cào máy xuất hiện, thu nhập từ cào máy gấp 2 – 3 chục lần so với cào tay, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu cũng lớn. Thế là anh chị đánh liều, trút hết tiền nhà cộng với tiền vay, bỏ ra trên 30 triệu đồng cho chiếc ghe cào máy này.

Lúc đầu làm ăn cũng khá lắm, về sau sản lượng hến giảm dần, chi phí xăng dầu tăng cao, nghề này lại gặp khó.

Trong ngày chúng tôi ghi hình, anh Thuận nói sẽ đổi bãi cào so với ngày hôm trước, chúng tôi cũng chưa biết nơi đến là ở đâu, nhưng nghe anh nói hến dạo này ít, chúng tôi cũng hơi lo. 

Ở gần nhà, đi cào cũng đi chung, xem ra bà con xóm hến sống rất tình cảm.  Họ dừng lại để dùng cơm sáng, chuẩn bị cho cả ngày làm việc.

Sống với nghề sông nước, trước khi ăn cơm, chúng tôi thấy ghe nào cũng dành một ít thời gian cúng cơm Bà Cậu và khẩn xin cào hến trúng. Mặc dù mang sức lao động ra đánh đổi, nhưng đối với cư dân sống bằng nghề cào hến này, yếu tố may rủi vẫn hiện hữu mỗi ngày.

Dùng cơm sáng xong, đoàn ghe cào chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng một ngày lao động cật lực .

Hình như mọi người đều tin rằng hôm nay bãi này trúng hến. Bởi chị Trang cho chúng tôi biết, hễ thấy ghe cào tay nhiều mà họ cào lâu, thì ở đó có hến khá lắm.

Chỉ một khúc sông chưa đầy 1 cây số, đã có hơn chục ghe cào vừa tay vừa máy, trông đông đúc như một chợ nổi vậy.

Chiếc chạy ngược, chiếc chạy xuôi, có khi chạy cặp kè với nhau, nhưng không ghe nào cào trúng lưới ghe nào, điều mà chúng tôi cảm thấy rất thú vị.

Nhưng nghề sông nước nào cũng vất vả, có phần nguy hiểm . Cứ mỗi lần trút hến lên, phải có một người nhảy xuống nước mới làm được việc đó. Chính vì vậy, chúng tôi mới hiểu được câu nói của vợ chồng chị Trang là cào máy phải có 2 người cùng đi và phải chịu ướt mới được.

 

Chúng tôi thấy, hình như không ai bận tâm đến chuyện ướt mình, nước sông có lạnh không, hay thời tiết mưa gió ra sao, mà họ quan tâm nhiều nhất là cào có hến hay không…

May thay, hôm nay, họ cào trúng hến, mọi người ai cũng hớn hở tươi cười…

Chị Trang nói với chúng tôi hồi sớm, nếu cào trúng hến thì khoảng 11 – 12 giờ trưa là về, nếu cào thất thì đến 2 giờ chiều mới về. Lúc đầu chúng tôi có hơi lo, nhưng giờ cảm thấy vui lây cho chị, bởi mới cào vài tiếng đồng hồ mà hến đã gần đầy khoang rồi. Tính ra, mỗi ghe thu gần 20 giạ, hôm nay được xem là ngày cào trúng của bà con.

Hến từ các ghe cào mang về, sau đó được rửa sạch, sàn hến, lựa hến vỏ, rồi luộc. Hộ nào có nhiều nhân công thì làm tất cả các khâu đến khi ra hến thịt đem bán. Những hộ không có nhân công thì phải thuê hết.

Hộ của chị Trang đơn chiếc nên phải thuê người , do vậy, tiền lãi không còn nhiều.

 Bà con ở đây cho biết, cứ 1 giạ hến sẽ thu được từ 2 đến 3 kg hến thịt, mỗi kg hến thịt hiện nay khoảng 15.000  – 20.000 đồng, vì vậy, mỗi giạ hến có thể cho thu nhập được khoảng 40 – 50 ngàn đồng.  Nếu thuê mướn nhiều như chị Trang, thì mỗi ngày chị phải cào ít nhất là 15 giạ để bù đắp chi phí, nếu cào dưới 15 giạ thì coi như lỗ vốn. Nói vậy là chưa kể đến giá cả hến thịt biến động, nếu mức giá giảm hơn thì làm nghề này không có ăn. Bởi vậy, mới có chuyện, bà con xóm nghề này, dần dần kiếm nghề khác sinh sống, chẳng hạn một số đi làm công nhân, một số thì đi dặm lúa, vác lúa mướn, một số kiếm nghề buôn bán nhỏ…

Hiện nay, cào hến vẫn chưa được công nhận là một nghề chính thức, và vì vậy, chính quyền địa phương cũng chưa có chính sách thỏa đáng để hỗ trợ đối tượng này. 

Nhiều hộ muốn chuyển nghề nhưng chưa được , vì  hầu hết dân  xóm hến đều nghèo và không đất đai canh tác.

Nhiều  bà con xóm hến nói thật tình : “nếu có cơ hội làm nghề khác chắc không ai chọn nghề này đâu”….  Cào hến – một nghề vất vả, và vị ngọt từ hến còn có vị mặn mồ hôi . Theo nghề, có lẽ cũng sẽ là những con người nghèo khó, không được học hành, không nghề nghiệp  đất đai giống như hộ của Chị Trang, chị Thủy mà thôi.

 

Món ăn từ hến trong ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng, được xếp vào những món ăn đặc sản của từng vùng miền. Từ chỗ là món ăn dân dã, hến đang trở thành quen thuộc ở chốn thị thành.   Có lẽ cần xem hến là một loài thủy sản vừa khai thác vừa bảo tồn, quy hoạch vùng nước …  để từ đó tạo điều kiện cho những người dân sống bằng nghề hến đỡ bấp bênh hơn.

Còn hôm nay, trong vị thơm hến mới, chúng tôi thật lòng chia sẻ với những bạn nghề cào hến, cuộc mưu sinh nào cũng vất vả, trong khó nghèo vẫn sống bằng sức lao động của mình cũng là niềm tin đáng quý trong cuộc sống hôm nay…

Thúy Hằng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *