Bên bờ hạnh phúc

         Những năm gần đây, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long đã góp phần mở rộng diện tích, nâng cao năng suất lúa trên địa bàn, đồng thời cải thiện điều kiện lao động cho người nông dân. Trên nhiều cánh đồng lúa, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất đã đạt trên 80%.



 

          Những chiếc máy gặt đập liên hợp như thế này đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân Vĩnh Long trong những mùa thu hoạch lúa. Một công lúa thay vì phải thuê nhân công thu hoạch trong một buổi với chi phí từ 300 đến 400 ngàn đồng thì khi thuê máy gặt đập liên hợp chỉ tốn khoảng 200 ngàn đồng và sau 10 đến 15 phút là đã có lúa chở về nhà. Với dịch vụ này, nhiều địa phương không chỉ giải quyết bài toán về nhân công mà còn rút ngắn được thời gian thu hoạch lúa, hạn chế thất thoát hao hụt, đồng thời góp phần cải thiện điều kiện lao động cho người nông dân.

          Anh Võ Vĩnh Thọ, xã Hòa Tịnh huyện Mang Thít cho biết: “Tôi làm 22 công, lúc trước cắt tay lâu, không có nhân công, tính ra nó bị mưa gió, hao hụt, lúa lên mọng, giờ có máy xếp dãy, máy liên hợp bà con ở đây cũng đỡ hao tốn khâu đó, giá thành lại rẻ.”

         Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có trên 500 máy gặt đập liên hợp. Chi phí đầu tư cho một máy gặt đập liện hợp khoảng từ 170 – 200 triệu đồng nhưng với giá dịch vụ như hiện tại thì chỉ vài vụ lúa là nông dân có thể thu hồi được vốn. Cùng với việc mở rộng hợp tác hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh không chỉ khâu thu hoạch lúa mà cả khâu làm đất cũng được cơ giới hóa mạnh mẽ.

          Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long: “Trong những năm gần đây, vấn đề cơ giới hóa trong NN đặc biệt là trong SX lúa rất nhiều, chúng ta có dự án và một số chính sách hỗ trợ nông dân mua máy để thực hiện khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH). Hiện nay chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách này để góp phần tăng lượng máy GĐLH và tăng khả năng đáp ứng thu hoạch từ 80 đến 90% trong hết năm nay hoặc sang năm 2012.”

        Chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy nông nghiệp được thực hiện từ năm 2009 cộng với nhu cầu mua máy nông nghiệp của người dân ngày càng cao đã góp phần đẩy nhanh tiến độ cơ giới hoá trên đồng ruộng Vĩnh Long, giúp các địa phương giải quyết tình trạng khan hiếm lao động và giảm bớt chi phí, hao hụt trong thu hoạch để tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Tính đến thời điểm cuối năm 2010, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã giải ngân hơn 38  tỉ đồng cho nông dân mua trên 300 máy nông nghiệp các loại. 

       Chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp thực hiện cơ giới hóa được nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Song, bà con nông dân vẫn mong muốn máy móc phục vụ sản xuất lúa, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp được tiếp tục cải tiến thì hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn rất nhiều.

        Thực tế cho thấy, khi cơ giới thì việc “Sản xuất nhanh, thu hoạch gọn” sẽ giúp người nông dân chủ động được thời gian, tăng hiệu quả sản xuất. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để thực hiện thành công chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay./.

          Lê Hải 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *