Quảng Ngãi có các bãi biển đẹp như Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Khe Hai, Lệ Thủy..vv… Nhưng điểm nhấn của  Quảng Ngãi chính là Đảo Lý Sơn. Nơi mà cách đây gần 3000 năm những cư dân Sa Huỳnh đầu tiên đã sống và lưu lại cho hậu thế những câu chuyện về một vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử.

         Từ cảng Sa Kỳ, xã Sơn Tịnh, huyện Đức Phổ , chúng tôi bắt đầu hành trình đến với đảo Lý Sơn.

         Tại bến cảng này, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu cao tốc chở được hơn 100 người và một chuyến tàu chợ để vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo.

         …Biển trong xanh và bốn bề là sóng. Thỉnh thoảng một đàn cá chuồn bay lên rồi sà xuống theo hướng tàu đi.

        Tàu chòng chành, mỗi người một tâm trạng, một cảm nhận riêng về nơi mình sắp đến, nhưng có lẽ tất cả đều có chung niềm tự hào về quê hương đất nước,  Tổ Quốc Việt Nam.

         Lý Sơn không chỉ đơn thuần là vùng đất đảo, mà còn là cái nôi của đội hùng binh Hoàng Sa, là nơi lưu giữ những bằng chứng sống về chủ quyền lãnh hải Việt Nam trên biển Đông với rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình kiến trúc cổ độc đáo như: đình làng An Hải, đền thờ, nhà trưng bày lưu niệm hải đội Hoàng Sa khiêm quản Bắc Hải, có nhiều hiện vật quý khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

 

        Những đồng nghiệp của chúng tôi không quên ghi lại những hình ảnh đẹp trên chuyến hải trình thú vị này.

        Từ bến Sa Kỳ, mất khoảng 45 phút chòng chành trên biển, Lý Sơn hiện ra trước mắt, nơi cách đây gần 3000 năm , những cư dân Sa Hùynh đầu tiên đã sống và để lại cho hậu thế những câu chuyện đầy huyền bí về một vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử và nhân văn. 

           Sau hơn 45 phút trên tàu, hiện giờ chúng tôi đã đặt chân đến đảo Lý Sơn. Đây là một trong những địa danh trồng tỏi nổi tiếng trên cả nước. Có lẽ vì thế mà Lý Sơn được mệnh danh là vương quốc tỏi. 

          Chúng tôi đi vòng quanh đảo bằng ô tô. Màu đất bazan như quyện vào sắc áo của mỗi du khách khi đến với Lý Sơn. Con đường này hẹp, 2 chiếc xe không thể qua mặt nhau, nhưng cư dân quanh đảo đi mãi rồi con đường cũng rộng ra hơn … , và họ cũng thấy thú vị khi nhường nhau một lối đi chung.

         Đời sống của cư dân trên đảo còn  nhiều vất vả. Ngoài đảo không có nước ngọt nên phải vận chuyển từ đất liền ra . Người dân nơi đây phải mua lại với giá 200.000 đồng  một mét khối nước ngọt.

        Cư dân đảo sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Thật may mắn khi chúng tôi bắt gặp những chiếc thuyền thúng vừa đi lưới cá về. Họ đánh bắt loại cá cơm biển này để chế biến thành đặc sản. Có lẽ say mê công việc dưới trời trưa nên người dân đảo ai cũng rám nắng , mặn mòi.Những cư dân nhỏ tuổi  cũng theo cha mẹ làm quen với nghề biển từ rất nhỏ.

 

        Đây là núi Thới Lới nằm trên đảo lớn. Một trong những ngọn núi được hình thành từ vận động phun trào nham thạch của núi lửa, nâng những lớp đá trầm tích nhô khỏi mặt nước biển. Chính các lớp trầm tích nền đảo và san hô phát triển trên bề mặt là cơ sở cho việc hình thành những hang động, cổng đá …, do tác động xâm thực của nước biển trong thời kỳ biển tiến hàng chục ngàn năm trước…

 

        Mãi rồi cũng đến nơi, chúng tôi đang có mặt ở miệng núi lửa lớn nhất trên đảo. Vết tích của cuộc địa chấn ngày xưa vẫn còn khá đầy đủ…. Từ đây, ở một nơi rất cao và rất xa này phóng tầm mắt ra biển, mỗi người trong chúng tôi ai cũng có niềm tự hào sâu sắc về quê hương đất nươc mình. Niềm tự hào kỳ dịệu

       Điều làm say lòng người đến với Lý Sơn là màu trời, màu nước nơi đây xanh ngắt, hiện rõ những vệt san hô dưới đáy biển. Đứng từ trên cao, vẫn có thể chiêm ngưỡng những vạt san hô lung linh đáy nước.

        Lý Sơn là huyện đảo rộng 11km2, dân số khoảng 21.000 người, sinh sống chủ yếu trên 2 đảo là đảo Lớn và đảo Bé. Đảo Lớn có xã An Vĩnh và An Hải; Đảo Bé có xã An Bình.

       Đảo có miệng núi lửa nên chỗ nào cũng có đá ong. Ven biển có các bãi đá đen là nham thạch núi lửa. Đến Lý Sơn, du khách sẽ có cảm giác tương tự như đặt chan lên đảo JeJu- Hàn Quốc, nơi cũng có miệng núi lửa và toàn đá đen.

        Đảo Lý Sơn còn có tên gọi khác là cù lao Ré. Theo các vị cao niên thì xưa kia trên đảo có rất nhiều cây ré. Vỏ cây dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Theo Đại nam Nhất Thống Chí thì:” Cù Lao Ré nằm giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh có núi cao. Ở giữa trũng xuống mấy chục mẫu, nhân dân 2 phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có Động, trên động có chùa, giếng đá,… chung quanh cây cối xanh tươi.”

       Trên đảo còn có núi cao đến 180m, chung quanh đảo có nhiều rạn đá ngầm, ghe thuyền thường neo đậu ở phía nam đảo.

        Ngày nay cù lao Ré được đặt tên thành huyện đảo Lý Sơn . Ngoài đánh bắt hải sản, cư dân Lý Sơn sống bằng nghề nông . Nông sản chính ở đây là tỏi. Tỏi được trồng đại trà tại các chân đồi và các thung lũng. Vào mùa thu hoạch tỏi , bến thuyền trở nên nhộn nhịp.

        Chúng tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt của thiên nhiên trên vùng đất đảo, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được nghị lực và tinh thần bám đảo của bà con. Tỏi Lý Sơn từ lâu trở thành đặc sản , bởi tỏi được trồng từ cát trắng lấy dưới đáy biển khơi. Người dân phải gánh cát về chan đều mặt ruộng, rồi lại cặm cụi gánh nước tưới cát cho tỏi lớn lên. Quả là gian khổ.

 

          Đình làng An Hải là một trong những ngôi đình của vùng duyên hải miền Trung được giữ gìn nguyên vẹn cho đến nay. Tại ngôi đình này, mỗi năm đều diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ những người binh phu hy sinh trên biển, khi đi làm nhiệm vụ thiêng liêng cho Tổ Quốc là cắm cột mốc biên giới quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa .        

          Đi khắp đảo, du khách có thể bắt gặp nhiều đình, chùa, lăng mộ…

          Vùng đất này còn là nơi xuất quân của “Hải Đội Hoàng Sa” . Hàng trăm năm trước, khi nhận lệnh vua, những người con xứ đảo phải vượt bao sóng gió để tìm đến Hoàng Sa dựng bia chủ quyền. Hiện nay, trên đảo vẫn còn lưu giữ di tích hiện vật về Hải đội Hoàng Sa oai hùng năm xưa.

      Điều bất ngờ là trên đảo đâu đâu cũng bắt gặp những nghĩa trang với hàng ngàn ngôi mộ rat xinh xắn. Trong đó có những ngôi mộ chiêu hồn những người lính  Hoàng Sa- Trường Sa hy sinh ngoài biển khơi không trở về, ngư dân nơi đây nặn hình đất sét làm hình nhân thay thế. Hình nhân được chôn dưới những ngôi mộ gió, để cầu mong linh hồn họ sớm được trở về với quê hương bản quán.

      Một trong những điểm nhấn khi đến với Lý Sơn là tham quan nhà Bảo tàng trưng bày những hiện vật, chứng tích về Hải đội Bắc Hải Hoàng Sa.

       Lịch sử dân tộc, chủ quyền biển đảo của Việt Nam là đây. Nơi nầy,  có những dòng họ là cư dân đầu tiên nhận lệnh vua lên đường cắm mốc quốc gia. Những người lính mà hành trang trên biển của họ chỉ là tấm chiếu bó thân và tấm thẻ tre có ghi sẵn dòng tên họ.…Và bài vị của biết bao lớp người được xếp cạnh nhau. Họ là những người lính hy sinh cho Tổ Quốc , mãi mãi không trở về, xương thịt và linh hồn của những binh phu ấy hòa vào lòng biển cả. Cư dân đảo từ đó cũng biết học cách làm những ngôi mộ gió tưởng nhớ , tri ân…

       Chúng tôi tìm về làng chài, nơi những ngư phủ Lý Sơn sinh sống. Những người đàn ông nơi đây luôn bám biển, bám ngư trường truyền thống của mình, làng chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Xí ,là vợ của một ngư dân ở xã An Hải- Lý Sơn . Trước đây ,vợ chồng chị là chủ tàu cá đánh bắt ở ngư trường truyền thống  Hoàng Sa, từng bị tàu lạ tấn công và bắt giữ không dưới 4 lần. Sau nhiều lần trở về , anh mất tàu, mất hết tài sản. Từ vị trí chủ tàu, anh trở thành bạn ghe đi làm thuê cho tàu khác, nhưng anh vẫn một lòng bám biển, bám ngư trường. Tháng 12/ 2010, anh cùng với 9 người bạn tàu lại bị tấn công và mất tích trên chính vùng biển quê hương mình.  

       Khi người chồng thân yêu không còn nữa, chị vẫn ngày ngày ra biển ngóng về phía xa trong tuyệt vọng. Không đủ sức khỏe để ra khơi , hàng ngày chị vẫn lầm lũi vớt rong, vẫn bám biển để mưu sinh… 

    Câu chuyện đầy xúc động này sẽ theo mãi chúng tôi trong suốt hành trình, đến mãi hôm nay…

      Chia tay làng ngư phủ, chúng tôi trở về đất liền,  mang theo nhiều điều thú vị về hòn đảo xa xôi này. Nắng chiều nghiêng về một phía, mặt biển trong và xanh hơn, từng con sóng bạc đầu đuổi đàn cá chuồn bay như vẫy chào du khách. Tạm biệt Lý Sơn và hẹn ngày trở lại.

      Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *