Bên bờ hạnh phúc

So với các ca sĩ cùng thời thì nữ ca sĩ Giao Linh gặp rất nhiều may mắn trên con đường đến với nghệ thuật. Với giọng ca trầm buồn, chị được khán giả hâm mộ gọi là "Nữ hoàng sầu muộn".

Cho đến nay, nhắc đến Giao Linh, khán giả vẫn dành cho chị một tình cảm yêu mến nồng nàn. Đó chính là phần thưởng vô giá mà chị "sở hữu" được trong suốt hơn 35 năm đi hát.

Nghệ danh may mắn

Thưa "Nữ hoàng sầu muộn", chị đã bước vào làng âm nhạc như thế nào?

Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình có 7 anh chị em nhưng không có ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cả. Từ nhỏ, tôi rất đam mê ca hát. Năm 1966, trong một buổi giao lưu văn nghệ, tình cờ tôi gặp nhạc sĩ Thu Hồ. Khi nghe giọng hát của tôi, anh bảo: "Ngày mai lên hãng Continental thử giọng". Hôm sau, tôi và mẹ đón xích lô đến đó và thật may mắn là được ký hợp đồng thâu đĩa độc quyền trong 3 năm.

 

 

Bao năm qua, hầu như chưa có ai thể hiện các ca khúc trữ tình như Thầm kín, Màu tím păng xê, Mười năm tái ngộ… một cách thành công như Giao Linh. Chị có thể bật mí về nghệ danh Giao Linh của mình?

Tôi tên thật là Nguyễn Thị Sinh, năm 1965, một người bạn rất thân đã nói với tôi: "Nếu có đi hát hãy lấy tên Giao Linh, nghệ danh này sẽ gặp nhiều may mắn đấy". Thế là tôi đã lấy nghệ danh ấy cho đến nay.

Rơi nước mắt ngày trở về quê hương

Được biết sau giải phóng, chị đi đoàn tụ gia đình ở Cannada. Thế hoạt động ca hát của chị bên ấy ra sao?

Thời gian đầu sang bên ấy, tôi rất buồn và nhớ quê hương. Cũng may là tôi còn có những người bạn đồng nghiệp thường xuyên gặp gỡ và tâm sự với nhau. Rồi sau đó, tôi lập gia đình, về sống ở nước Mỹ, thành lập Trung tâm băng nhạc Giao Linh, ra mắt khán giả các băng đĩa nhạc: Đôi mắt người xưa, Giao Linh 1, 2, 3, 4, 5 và nhiều chương trình riêng.

Ngoài ra, tôi còn tham gia ở các Trung tâm băng đĩa nhạc khác như: Người đẹp Bình Dương, Thanh Lan, Giáng Ngọc… Đối với người nghệ sĩ, thì tiếng vỗ tay của khán giả trong nước hay ngoài nước đều quý báu cả. Tôi luôn trân trọng và nâng niu những tiếng vỗ tay ấy. Tuy nhiên, lúc nào trong tôi cũng canh cánh một điều là trở về hát trên sân khấu của quê cha đất tổ Việt Nam.

Và chị cũng đã thực hiện được điều đó?

Vâng, đó là năm 2000, Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông mời tôi về tham gia chương trình "Ấn tượng Sài Gòn 4". Trước đó thì nhiều ca sĩ nghệ sĩ Hương Lan, Hoài Linh… cũng đã về Việt Nam biểu diễn. Vừa đặt chân xuống Sài Gòn, tôi cảm thấy rất ngỡ ngàng trước sự thay đổi quá nhiều của thành phố mang tên Bác. Việc đầu tiên của tôi là nhờ ông xã lấy xe chở đi tham quan một vòng đường phố Sài Gòn.

Thật sự khi trở về Việt Nam biểu diễn, tôi cảm thấy rất hồi hộp không biết khán giả có có nhớ đến mình hay không, khán giả trẻ có biết mình không? Nhưng khi bước lên sân khấu biểu diễn, nhận được những tràng pháo tay, những bó hoa chúc mừng, tôi cảm động đến rơi nước mắt trước tình cảm quá lớn của khán giả quê nhà dành cho mình.

Vì lẽ đó mà chị quyết định ở lại quê nhà?

Đúng vậy. Hơn 5 năm qua tôi tham gia nhiều các chương trình ca nhạc lớn cũng như các chương trình mang tính từ thiện ở khắp mọi miền đất nước. Một kỷ niệm đáng nhớ là lần tôi tham gia chương trình "Trở về chốn xưa" tại Cung Văn hoá Việt Xô, Hải Phòng và Nghệ An, khán giả đã vỗ tay theo từng câu hát của tôi làm cho tôi nghèn nghẹn đến nỗi không hát được.

Cuộc sống chúng tôi rất hạnh phúc

 

 

Cuộc sống gia đình của chị hiện tại ra sao?

Tôi lập gia đình năm 1987, ông xã tôi là Võ Văn Sang làm nghề xây dựng. Ngoài ra, anh còn thành lập công ty lăng xê nhiều ca sĩ và biên tập sản xuất băng đĩa nhạc. Cuộc sống của chúng tôi rất hạnh phúc. Anh lúc nào cũng thông cảm, động viên và song hành cùng tôi trên con đường nghệ thuật.

Chị cũng đã từng kinh doanh quán phở tại Việt Nam?

Đúng là như thế. Tôi đã từng mở quán phở mang tên tôi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TPHCM, hoạt động rất hiệu quả. Đây cũng là điểm hẹn của tôi với bạn bè và khán giả hâm mộ. Tôi nhớ ngày xưa gia đình tôi rất nghèo. Má tôi với gánh chè đi bán khắp nơi để nuôi con. Những hôm trời mưa bán ế, về nhà phải ăn chè thay cơm.

Có lần tôi nói với má: "Sao má không bán thứ gì khác cho tụi con ăn không ngán". Sau đó má tôi chuyển sang bán bánh cuốn rồi bán phở… Chính những kỷ niệm đó mà ở Cannada và ở Mỹ, tôi cũng đã kinh doanh quán phở "Linh".

Thú thật nghề ca hát chỉ có một thời, còn kinh doanh sẽ giúp cho tôi yên tâm hơn về vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, do quá bận rộn với nhiều công việc nên tôi đã tạm ngưng quán. Khi có điều kiện thuận lợi, tôi sẽ tiếp tục trở lại với công việc này.

Mong được tổ chức một chương trình ca nhạc từ thiện

Vẫn thấy chị luôn xuất hiện trong tà áo dài quen thuộc. Chị quan niệm thế nào về trang phục biểu diễn của mình?

Tôi thích trang phục áo dài Việt Nam và tôi đã trung thành với nó suốt thời gian tôi bước vào nghiệp ca hát đến nay, dòng nhạc của tôi phù hợp với trang phục này.

Chị cảm nhận thế nào về dòng nhạc quê hương ở Việt Nam?

Tôi nghĩ Việt Nam vẫn là đất sống của dòng nhạc này và nó sẽ còn tồn tại mãi mãi. Ở hải ngoại, có rất nhiều ca sĩ nói tiếng Việt không rành nhưng vẫn thích hát những làn điệu dân ca Việt Nam. Tôi rất thích nghe những giọng ca trẻ trong nước, họ hát rất lạ và hay dòng nhạc này như Ngọc Sơn, Đình Văn, Hạnh Nguyên, Thuỳ Trang, Ngọc Thái, Thạch Thảo, Quang Huy…

Có ý nguyện gì mà đến nay chị vẫn chưa thực hiện được?

Thời gian qua, tôi đã tham gia rất nhiều chương trình ca nhạc từ thiện. Tuy nhiên, tâm nguyện của tôi là sẽ đứng ra tổ chức một chương trình ca nhạc từ thiện để chia sẻ khó khăn với những trẻ em, những người kém may mắn hơn mình.

Theo tôi, đường ca hát thấy dài mà ngắn, đạo đức cư xử với mọi người xung quanh mới là con đường dài, dù còn trong nghề hay không còn trong nghề cũng luôn để lại cho khán giả những ấn tượng đẹp. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ lời dạy của nhạc sĩ Thu Hồ: "Nghề ca hát này đa đoan lắm, có tài mà thiếu đức là không lâu dài…". Tôi nghĩ mình có được ngày hôm nay chính là luôn luôn khắc ghi câu nói ấy.

 

Theo bee

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *