Bên bờ hạnh phúc

“Bao giờ thì Tết?” Bà hàng xóm hỏi.

“Bao giờ vạn thọ nở bông.” Má tôi nói vậy. Nửa thế kỷ sau, tôi lập lại để trả lời cho một người không hề biết Tết là gì. Đây là bà Carol, ở cách nhà tôi ba căn trên đường Lò Rèn, thị trấn Heo Hút, vùng biên giới Mỹ – Canada. Quanh đây đều là nông trại, dâu tây bắt đầu chín. Hội Hỗ trợ nông dân phát hành một bản đồ có đánh dấu những chỗ người ta có thể mua trực tiếp nông sản bằng cách tự hái, gọi là U-pick. Bà Carol hay cho tôi quá giang xe bà đến nông trang Cây Táo Lùn. Tới nơi, bà dặn : Đúng một giờ thì trở lại đây nhé. Bà đi hái vài cân dâu tây, ăn một cây kem, mua một miếng phô-mai, lựa một cây cải diếp, mua khoảng một chục chậu cây con trong vườn ươm, trò chuyện với ông chủ trang trại. Tôi đoán thôi, ông ta lúc nào cũng đội một cái nón cao bồi, khi thì đứng trước gian hàng nông sản và thực phẩm chế biến của trại, khi lại đi rểu rểu trong vườn ươm. Không biết có phải ông luôn luôn có mặt ở nông trại hay không, nhưng lần nào bà Carol đến cũng tình cờ gặp ông và họ luôn vui vẻ trò chuyện.

Một giờ thì chỉ đủ cho tôi đi như chạy về phía vườn dâu đen. Ở đây trái gì nhỏ nhỏ đều kêu là dâu. Trái dâu đen này giống trái trâm, tròn, màu xanh tím, chín thì đen nhánh, hột nhỏ rí, kể như không có hột, chua chua ngọt ngọt, tôi mê ăn với kem, hoặc bánh bông lan kem. Ở tiệm giá ba, bốn đô một cân, mình tự hái ở nông trại thì mỗi cân chỉ một đô hai mươi lăm xu. Tôi hái thiệt lẹ, trong vòng một giờ được gần hai chục cân, trả tiền xong, khệ nệ bưng thùng dâu về chỗ đậu xe. Bà Carol giúp tôi để thùng dâu vào cốp xe. Luôn luôn bà khen ngợi tôi là người đáng tin cậy. Luôn luôn bà bảo bà sẽ trở lại ngay, rồi te te đi về phía ông chủ trang trại nói vài ba câu, có lẽ lời chia tay. Có khi ông chủ trại cao hứng đáp lại bằng một tràng dài mười phút, nhưng không ai phiền hà gì cả.
Tôi thừa cơ hội đó ngắm hoa. Khu đất trồng hoa của trang trại nằm cạnh bãi đậu xe, có một gian hàng bày bán hoa mới cắt, bó thành từng bó, giá năm, bảy đô tùy loại. Vườn hoa tạo ấn tượng lãng mạn với người vừa lái xe vào cổng trại; và trước khi lái xe ra về, nhiều người tiện tay mua thêm một, hai bó hoa. Họ cũng thích mua cây hoa trong chậu con. Những cây này chưa hay sắp trổ bông. Người ta mua về thường phải sang qua chậu lớn hơn hoặc trồng ra đất vườn. Tôi bất ngờ nhận ra trong đám chậu con ấy mấy cây bông vạn thọ. Tôi không thể nhầm. Cây gì tôi cũng có thể nhầm, chứ cây bông vạn thọ thì không.

 

Tôi mua ngay hai chậu, vội vàng vì bữa nay ông chủ trại không được cao hứng lắm, bà Carol quay lại chỉ sau ba phút. Bà bình luận với thái độ tán đồng : Người Mỹ thường trồng marigold trong vườn sau, lá và bông cây marigold có một mùi hôi đặc biệt xua đuổi các loại côn trùng ưa phá hại rau củ. Tôi nói ở quê tôi bông vạn thọ là bông Tết của nông dân. Báo hại, trên đường về nhà, tôi mỏi miệng giải thích cho bà Tết là gì.

Tết được chuẩn bị từ khi nước giựt, để lại lớp phù sa mỡ trên lớp đất mặt, thời tiết trở nên ôn hoà, ngày không nóng lắm, đêm mát mẻ, những trận mưa dữ dằn qua đi, điều kiện lý tưởng để gieo trồng các thứ rau cải và hoa trái ngắn ngày, vì chỉ độ hai tháng nữa là Tết. Mà phải thu hoạch trong vòng nửa tháng trước Tết, để các bà nội trợ có thời gian chế biến chuẩn bị cho những bữa ăn cuối năm và đầu năm. Người ta trồng cải xanh, cải dưa, cải diếp, hàng chục loại rau thơm. Người ta trồng củ cải trắng, củ kiệu, dưa leo, trồng cả cà chua. Và rất nhiều bông.

Vạn thọ là bông mà ký ức tuổi thơ của tôi ghi nhớ như bông Tết của cả làng. Sau khi chiết cây vào từng sọt tre để khi cây trổ bông dễ di chuyển về đô thị, những cây con dôi ra, hoặc còi cọc hay khuyết tật gì đó, bị dạt ra. Người trồng bông chuyên nghiệp biết là tết nhứt người ta ưng những chậu bông hoàn hảo. Với lại, họ thường gieo mầm nhiều hơn số lượng cây dự định trồng. Những cây con dôi ra đó được bà con trong xóm xin về, hoặc lượm về, trồng bậy bạ trên khoảnh sân trước nhà. Thành ra Tết đến, khi những cánh đồng bông vạn thọ đã được chuyển hết về thành phố, bán mắc bán rẻ theo phiên chợt Tết, được chưng trên bàn thờ người dân tản cư ở xóm lao động nào đó, hoặc lăn lóc theo nhát chổi của công nhân vệ sinh chiều ba mươi Tết, thì ở khắp làng quê tôi, nhà nào cũng vàng hực bông vạn thọ nở đầy sân. Thấy bông vạn thọ, ngửi mùi bông vạn thọ, là tôi nhớ Tết, nhớ làng, nhớ má tôi.

Tôi trồng hai cây bông vạn thọ trong chậu, nghĩ như vậy tiện bưng ra bưng vào những đêm dự báo thời tiết có sương giá. Những người trồng bông Tết ở làng tôi vốn chịu khó như vậy. Nắng che mưa đậy cho hường trổ bông. Có nhiều vườn làm giàn cặp mé sông để kê chậu hoa trên mặt nước cho cây luôn mát và ẩm. Gặp lúc triều cường, nước sông dâng ngập giàn, phải di dời từng chậu lên cao hơn, chăm chút như con mọn. Ban ngày nắng ấm, tôi bưng hai chậu vạn thọ để dưới thềm cửa trước, lúc mưa dầm và ban đêm, tôi bưng chậu cất trong nhà kho. Bưng ra bưng vào, tôi hít thở hoài mùi lá hăng hăng nồng nồng, đếm từng cái nụ mới nhu nhú.

Bao giờ vạn thọ nở bông. Là Tết. Tôi đã lẽo đẽo theo má tôi đi quơ tàu cau khô về tước lá bó chổi để dành bán, Tết nhứt ai cũng cần chổi mới quét dọn nhà cửa đón ông bà. Bao giờ Tết hở má? Má tôi phơi củ cải trắng trên mấy cái nia xếp ngoài sân. Khi củ cải khô quắt lại, nhận vô hũ, rót nước mắm đường vào đậy kín, Tết đem ra ăn với bánh tét nhưn đậu xanh thịt mỡ. Má tôi cũng phơi kiệu rồi xếp vô hũ, rót giấm đường đậy lại, Tết lấy ra ăn với tôm khô, hoặc cuốn bánh tráng thịt luộc. Khoảng bốn năm ngày trước Tết, má tôi xay bột tráng bánh. Từ sáng đến tối, má ngồi bên cái lò đắp đất sau hè, cầm cái gáo khuấy chậu bột rồi múc một gáo chan lên mặt vải căng miệng nồi nước đang bốc hơi, đậy nắp lại một phút rồi mở nắp ra, dùng một thẻ tre vót mỏng dính, vít mép tấm bánh ướt lên một ống tre to bằng cổ tay được bọc vải cho êm. Má lăn nhẹ ống tre cho tấm bánh bám theo mà tách ra khỏi tấm vải căng miệng nồi, rồi trải bánh lên liếp tre, đem phơi ngoài nắng. Bánh tráng khô rồi, má dùng dây tước từ bẹ chuối phơi khô cột bánh thành từng chồng trăm cái, mớ đem cho, mớ cất trong buồng để dành ăn dần. Hồi đó tôi còn nhỏ quá, chỉ vướng tay chân chứ không phụ má được việc gì. Má phải đem nếp đậu về nhà ngoại hùn gói bánh tét bánh ít. Bánh chín, má đem về treo ở đầu hồi, gần chỗ má ngồi xâm gừng hay sên mứt. Tôi nhớ nhà má tôi Tết đến chỗ nào cũng thấy đồ ăn. Tôi nhớ cảm giác yên tâm vui sướng được quẩn quanh trong ngôi nhà ấy. Tôi nhớ má bận rộn đến nỗi quên béng mấy cây vạn thọ trồng ngoài sân. Nhưng chúng cứ tự lớn lên. Và một buổi sáng vạn thọ nở bông vàng rực. Là Tết.

Mấy hôm sau, bà Carol nói bà đã tìm hiểu kỹ về Tết qua công cụ tìm kiếm trên Internet. Bà cũng đọc được nhiều bài viết về Việt Nam. Có lẽ bà sẽ đi du lịch Việt Nam, đi ngay hè này, vì nhiều bài viết đã chỉ ra đất nước đó đang thay đổi nhanh chóng, chẳng mấy hồi nữa nó chẳng còn gì phong vị của văn hoá cổ truyền. Bà nhấn mạnh bà rất muốn tận mắt nhìn những gì tôi kể trước khi chúng biến mất.

Bà sẽ đi Việt Nam sao? Tôi ngẩn ngơ. Bà Carol nhìn mặt tôi rồi ý nhị nói : “Tôi định vậy thôi. Tất nhiên một chuyến đi xa cần phải chuẩn bị tính toán kỹ lưỡng. Tôi cũng không phải người có khả năng vung tiền theo ngẫu hứng.” Ba tuần sau, bà Carol chuẩn bị xong. Và bà lên đường. Tôi hơi hoảng. Như thể đã lỡ nói dóc và sắp bị người ta tìm ra sự thật. Tôi hoảng thật. Bà Carol đang đi tìm bên kia đại dương một ngôi làng Tết đến bông vạn thọ vàng rực trước sân những ngôi nhà đầy ắp thức ăn và trẻ con vui mừng hớn hở.

Tôi thì ở bên này bờ đại dương canh mưa dầm sương giá, bưng hai chậu vạn thọ ra vô căn nhà nhỏ trên đường Lò Rèn thị trấn Heo Hút, đếm từng cái nụ, canh không biết đến bao giờ vạn thọ nở bông.

Lý Lan – Yêu trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *