Bên bờ hạnh phúc

Có một câu ca dao quen thuộc về Đồng Tháp Mười, không thể không nhắc lại vì chẳng có lời lẽ nào chân thực hơn, sinh động hơn : “Muỗi kêu như sáo thổi/ đỉa lội tựa bánh canh/ cỏ mọc thành tinh/ rắn đồng biết gáy… ”.

 

Vậy mà 30 năm sau ngày chính thức khởi công chinh phục Đồng Tháp Mười , hôm nay, trên mảnh đất hoang dã, khắc nghiệt của ngày xưa đã có rất nhiều thay đổi. Cuộc sống không chỉ khởi sắc, ấm áp, mà còn bộc lộ nhiều tiềm năng phát triển. Cư dân Đồng Tháp Mười có thể vững lòng an cư lạc nghiệp…Trong niềm vui hôm nay, người Đồng Tháp Mười vẫn lưu giữ trong ký ức về những cánh đồng hoang ngày trước, nhất là những người đầu tiên giữ trọng trách chinh phục thiên nhiên trên vùng đất nổi tiếng nầy… 

Một ngày giữa tháng Tám, chúng tôi về thị trấn Mộc Hóa thuộc tỉnh Long An, tìm thăm ông Đặng Trung Tâm, tên thường gọi là Năm Tâm – một trong số những con người mà tên tuổi và một phần quan trọng của cuộc đời đã gắn liền với lịch sử khai hóa vùng đất Đồng Tháp Mười. 

Ông kể rằng, từ lúc mới vào bộ đội ở Tiểu đoàn 410 thuộc Quân chủ lực Nam bộ thời kỳ chống Pháp, ông đã biết đến câu ca dao nổi tiếng về Đồng Tháp Mười : Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

 

 

Tự nhận mình là một người lãng mạn cách mạng, yêu thích văn chương thơ phú, lúc ở bộ đội, ông từng mơ sẽ có lần được đặt chân đến Đồng Tháp Mười. Sau này, số phận chứng tỏ rằng “cầu đã được, ước đã thấy”. Chỉ một điều không ngờ, là kể từ đó, cuộc đời ông gắn liền với nơi này cho đến tận hôm nay. 

Năm 1954, ông Năm Tâm tập kết ra miền Bắc. Đến năm 1963, ông vượt Trường Sơn trở về Nam và đến năm 1967 thì được điều động về chiến trường Đồng Tháp Mười, địa bàn tỉnh Kiến Tường tức Mộc Hóa ngày nay. Sau ngày giải phóng, ông công tác tại Tỉnh ủy Long An. Năm 1980, sau một thời gian làm chuyên gia kinh tế cho nước bạn Campuchia, trở về Việt Nam, trước nhu cầu điều động cán bộ về đứng chân trên các địa bàn trọng yếu, cấp trên hỏi ông muốn về địa bàn nào, con người lãng mạn trong ông đã trả lời, nơi nào khó khăn nhất, cách mạng cần nhất thì tôi xin về, và nơi đó chính là Mộc Hóa của Đồng Tháp Mười. Từ đó, ông trở thành Chủ tịch huyện Mộc Hóa cho đến tận ngày nghỉ hưu.

Năm ấy, tình hình lương thực rất khó khăn, không phải chỉ ở Mộc Hóa – Long An nói riêng, mà còn trên phạm vi cả nước nói chung. Đã vậy, để lánh nạn diệt chủng của Pôn Pốt – Iiêng Xary, hàng chục ngàn người dân Campuchia đã chạy sang miền biên giới Việt Nam, làm cho nhu cầu về lương thực càng thêm cấp bách. Trước tình hình đó, Trung ương ra Nghị quyết : Khai thác triệt để tiềm năng phát triển của Đồng Tháp Mười, nói cách khác thì là ra lệnh tiến quân vào Đồng Tháp Mười.

Nghiên cứu về Đồng Tháp Mười, các chuyên gia Liên Xô thời đó từng cho rằng đây là vùng đất chết do độ phèn quá cao. Đồng nghiệp của họ là các chuyên gia Hà Lan thì khẳng định : muốn xử lý một héc-ta đất phèn ở Đồng Tháp Mười phải mất hàng triệu đô-la. Tuy nhiên, chỉ có những ai am hiểu Đồng Tháp Mười, thí dụ như những người cán bộ cách mạng từng bám trụ, sống cùng sống, chết cùng chết với mảnh đất này hàng chục năm ròng rã trong thời kỳ chiến tranh ác liệt mới hiểu rằng vẫn có cách để khai thác, làm thay đổi bộ mặt Đồng Tháp Mười : đó là ém phèn, rửa phèn, súc phèn cho Đồng Tháp Mười, biến vùng đất chết thành vùng đất sống sinh sôi.

 

Ông Nguyễn Văn Bé – Giám đốc Trung tâm Dược liệu Đồng Tháp Mười, được biết đến với cái tên rất nổi tiếng là “ông Ba đất phèn” – với ông Năm Tâm không chỉ là một đồng nghiệp đồng cam cộng khổ thời khai hoang. Họ còn là đồng đội, quen biết nhau từ những tháng năm đội mưa bom bão đạn giữa mênh mông đồng nước năm xưa. Vì vậy, việc hàn huyên, nhắc nhớ kỷ niệm của ngày xưa cũng như việc bàn bạc, trao đổi, tranh luận chuyện ngày nay trong những lần gặp gỡ hiếm hoi giữa họ như thế này tưởng chừng như không bao giờ có thể chấm dứt. Ráp nối những mẩu chuyện nhỏ trong câu chuyện dài bất tận của họ, chúng tôi biết rằng : Vậy là từ đó, mười năm gian khổ của ông Chủ tịch huyện Năm Tâm bắt đầu. Ngày ấy, nhiệm kỳ Chủ tịch huyện chỉ có hai năm. Làm Chủ tịch huyện suốt mười năm liên tiếp, tức là ông Năm Tâm phải được cấp trên rất tin cậy, quần chúng tín nhiệm rất cao trong thời gian ấy. Hơn nữa, ông cũng chỉ thôi giữ chức vụ vào lúc ông đến tuổi nghỉ hưu. Bây giờ, đến Mộc Hóa, hỏi đến ông, người ta sẽ bảo : “Đó là ông Năm Chủ tịch”.

 

Ở tuổi 80, nhớ lại hành trình tiến quân vào Đồng Tháp Mười ba mươi sáu năm về trước, ông Năm Tâm nói : Khai hoang Đồng Tháp Mười – một công việc lớn – tất nhiên có rất nhiều thứ phải làm, nhưng tựu trung lại có hai vấn đề cốt yếu, một là thiết lập hệ thống kênh mương để dẫn thủy nhập điền và hai là vận động người dân từ các nơi lên làm kinh tế. Hệ thống kênh mương về cơ bản đã có các trung đoàn làm kinh tế của Bộ Quốc phòng gánh vác, nhưng trong khi Trung ương đào kênh lớn, tỉnh đào kênh vừa, thì các cấp địa phương là huyện và xã đồng thời cũng phải đào mương máng, làm các con đường giao thông nội bộ. Phương tiện cơ giới hầu như không có, Mộc Hóa chỉ có sức người là chính. Không thể tính đã có bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu đã rơi xuống, thấm vào lòng đất Đồng Tháp Mười trong buổi đầu gian khó ấy. Quốc lộ 62 – con đường nối liền thành phố Tân An với Mộc Hóa bây giờ – ngày ấy từng được cán bộ – nhân dân Long An đặt cho cái tên là con đường đau khổ.

Để vận động người dân từ các tỉnh lên Đồng Tháp Mười khai hoang lập nghiệp, vốn là một người cán bộ tuyên truyền xuất sắc, có phong cách độc đáo, ông Năm Tâm nói với người dân : Mẹ là đất, sức dân là cha, có cha có mẹ, Đồng Tháp Mười mới có thể sinh sôi, nảy nở. Dược sĩ Nguyễn Văn Bé cũng như nhiều đồng nghiệp và bạn bè của ông đều còn nhớ, thời làm Chủ tịch huyện, hầu như chẳng có đêm nào mà ông Năm Tâm không tìm cách tập hợp cán bộ dưới quyền để nói chuyện, kể chuyện cho họ nghe. Với ông, kể chuyện, nói chuyện với cán bộ, với nhân dân không chỉ là cách thức để vận động, tuyên truyền mọi chủ trương, chính sách của Đảng cấp trên và Đảng ủy địa phương, mà đó còn là một phương pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của cán bộ, địa phương trên nhiều lĩnh vực.Sau này, ông Năm Tâm được các cán bộ lãnh đạo cấp trên nhất trí tặng cho danh hiệu “Chủ tịch huyện nói chuyện có duyên nhất nước Việt Nam”.

 

Ông Năm Tâm tâm sự : Không chỉ có việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ người dân, sự nghiệp khai khoang Đồng Tháp Mười có lúc còn gặp phải những vấn đề khó khăn, phức tạp và rất khó giải quyết, thí dụ như vấn đề về quyền lợi kinh tế giữa các vùng. Những ngày đầu rửa phèn cho Đồng Tháp Mười, lúc nước lớn, con cá bơi từ ngoài sông vào kênh, đến khi nước ròng, nếu không kịp theo nước thoát ra ngoài sông, nó lập tức sẽ bị cháy phèn mà chết. Độ phèn cao như thế, mà với gần 200.000 héc-ta diện tích và 600 km kênh mương nội đồng, nước rửa phèn của Đồng Tháp Mười đổ ra kênh lớn nối liền Long An với Hồng Ngự dù ít hay nhiều tất yếu cũng sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và công cuộc sản xuất của người dân các vùng lân cận. Đó là cả một giai đoạn đấu tranh tư tưởng quyết liệt, mà theo lời ông : Cha – con, vợ – chồng, anh – em cùng một gia đình còn bất đồng quan điểm thì những người cán bộ lãnh đạo như ông phải dằn vặt, khó nghĩ đến đâu. Tuy nhiên, vượt qua được giai đoạn đó, vấn đề Đồng Tháp Mười cho thấy một bài học về ý chí cách mạng, tinh thần đoàn kết của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và sự hy sinh lớn lao tuyệt vời của nhân dân.

Sau này, thành quả gặt hái được trên Đồng Tháp Mười – vùng đất chết năm xưa – đã chứng tỏ đó thực sự là một cuộc cách mạng vĩ đại, thể hiện ý chí mãnh liệt của người dân Long An : diện tích – năng suất – sản lượng lúa từng bước được nâng lên, xứng đáng với cụm từ “năm sau cao hơn năm trước”. Mộc Hóa – mảnh đất nghèo từng được chính ông mô tả bằng câu : “Mộc Hóa là xứ quê mùa/ Bà ngoại thăm cháu cho có nửa vùa cà na”, một trong vô số những câu thơ tuyên truyền của ông – từ chỗ bình quân sản lượng chỉ có 100 kg lúa trên mỗi đầu người một năm đã vươn tới con số 3,7 tấn trên mỗi đầu người, tức là sản lượng thu được đã cao gấp 30 đến 40 lần so với ngày xưa. Mộc Hóa trở thành điển hình về sản xuất lúa của cả nước.

Thành quả lao động của một người như ông sẽ rất khó tính thành con số, bởi làm Chủ tịch huyện là làm công tác gắn liền với hàng trăm, hàng ngàn công việc không tên, âm thầm. Mười năm cống hiến, hy sinh, quên mình, quên ngày tháng, quên thời gian, ông Năm Tâm đã được tặng thưởng rất nhiều Bằng khen, giấy khen, nhiều Huân – huy chương, trong đó, phần thưởng cao quý nhất là Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký tặng năm 1997 vì những thành tích xuất sắc trong công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười.

Hơn 40 năm sống trên vùng đất này, trong đó có khoảng 30 năm gắn bó với cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp khai hoang thuần hóa đất đai, tình yêu mà ông Năm Tâm dành cho Đồng Tháp Mười hẳn rằng rất sâu sắc. Vì vậy, mặc dù Mộc Hóa chỉ là quê hương thứ hai, trong hoàn cảnh vợ mất đã 15 năm, hai con trai đều sống và làm việc ở TPHCM, ông vẫn ở lại đây, sống một mình một cách thong thả, nhẹ nhàng trong ngôi nhà nhỏ giản dị, đơn sơ ở thị trấn Mộc Hóa. Ký ức, kỷ niệm, tình đất, tình người đã giữ chân ông.

 

Đã vào những tháng năm êm ả của cuộc đời, giờ đây, ông Năm có thời gian để tổng kết, chiêm nghiệm lại cuộc đời, trong đó, mọi suy nghĩ của ông tập trung hướng đến đời sống người nông dân. Ông nghĩ, nông dân Việt Nam nói chung, nông dân Đồng Tháp Mười nói riêng là những con người rất tuyệt vời. Họ trung thành, dũng cảm, hiền hòa, chẳng tiếc máu xương theo Đảng làm cách mạng từ những ngày đầu gian khó; không ngại gian nan, cơ cực, nghe Đảng dấn thân vào Đồng Tháp Mười để khai khẩn, gầy dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, dẫu đã đổi đời thì so với mặt bằng chung, chất lượng cuộc sống của người nông dân ở Đồng Tháp Mười vẫn chưa thể bằng người dân ở những vùng miền khác. Bên cạnh đó, phía sau những cánh đồng rộng lớn, những khu rừng nguyên sinh, những vùng đất trũng, Đồng Tháp Mười còn giấu trong nó những tiềm năng lớn rất cần được khám phá, đánh thức và phát triển. Nói cách khác là Đồng Tháp Mười cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa. Với ông Năm Tâm, chỉ có như vậy mới xứng đáng với bao nhiêu máu xương của đồng bào, đồng chí đã đổ xuống trong những tháng năm thời kháng chiến, xứng đáng với bao nhiêu tâm huyết mà hiền nhân đi trước đã dành cho mảnh đất này .Đồng Tháp Mười một thời đi dễ khó về mà bây giờ khói rơm thơm trên cánh đồng ngập ngọt/ hương lúa loanh quanh chen với hương người… Xin chúc chú Năm Tâm – ông Năm Chủ tịch của người dân Mộc Hóa, giữ được nhiều sức khỏe để vui cùng hương lúa khói rơm, bình dị như cuộc đời ông./ 

Thu Hà- Thu Trang 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *