Thông qua mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp, trái chôm chôm ở tổ liên kết sản xuất chôm chôm xã Phú Phụng – huyện Chợ Lách – Bến Tre đã đạt các tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu trực tiếp vào Hoa Kỳ, mở ra một hướng đi mới nhiều hứa hẹn.

Nằm trên dãy cù lao trù phú phía hạ lưu sông Tiền, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre được nhiều người biết đến với danh tiếng là “vương quốc trái cây”  của vùng ĐBSCL.  Các loại trái cây đặc sản của miền nhiệt đới như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bòn bon, nhãn … đều có mặt ở vùng đất này. Trong đó, chôm chôm là một loại cây trồng chủ lực, có diện tích và sản lượng lớn vào hàng bậc nhất trong khu vực.

 

Những năm gần đây, ngoài việc chú trọng phát triển diện tích,sản lượng, trái chôm chôm Chợ Lách còn được đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Thành tựu tiêu biểu nhất là đã xây dựng được mô hình trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn Global GAP, mở đường cho trái chôm chôm địa phương có thể thâm nhập vào các thị trường có giá trị cao như Châu Âu, Hoa Kỳ.

Ấp Phụng Đức B- xã Phú Phụng là địa điểm được chọn để thực hiện mô hình liên kết sản xuất chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Từ tiền đề đã có một nông hộ đạt được chứng nhận trồng chôm chôm Global GAP vào năm 2009, ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách tiến hành nhân rộng lên quy mô 36 hộ dân với tổng diện tích trên 22ha.

Để thực hiện theo tiêu chuẩn Global GAP, quy trình trồng chôm chôm phải được thực hiện khép kín từ khâu tổ chức sản xuất đến nhà đóng gói. Bộ tiêu chuẩn bao gồm trên 350 điểm kiểm soát dành cho hệ thống quản lý chất lượng, quản lý nhóm và nông hộ. Nội dung tập trung vào các yếu tố chính là phải đảm bảo an toàn cho người sản xuất, người tiêu thụ và môi trường. Đồng thời phải có cơ sở để chứng thực truy nguyên nguồn gốc khi cần thiết. Với những điều kiện quy định khá khắt khe và mới mẻ này, việc lựa chọn nông dân tham gia có ý nghĩa rất quan trọng quyết định sự thành bại của mô hình.

Do đó, những nông hộ được tuyển chọn tham gia chương trình phải là những cá nhân nòng cốt trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tại địa phương. 36 nông hộ được liên kết lại thành 01 tổ liên kết sản xuất chôm chôm. Để quá trình tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn Global GAP được dễ dàng, tổ chia thành 05 nhóm nhỏ, mỗi nhóm đều có nhóm trưởng và từ 6-9 thành viên. Nhà nước, mà cụ thể là Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, sẽ đóng vai trò tổ chức, liên kết với các nhà khoa học để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Dựa trên cơ sở những kiến thức đã được tập huấn, các tổ trưởng, nhóm trưởng sẽ hướng dẫn, đôn đốc bà con áp dụng vào thực tế sản xuất.

 

Có thể nói, khoảng 03 năm trở lại đây sự xuất hiện của các mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn Global GAP, Việt GAP ngày càng nhiều ở ĐBSCL. Tuy nhiên, có một thực tế là khi có được sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn thì lại gặp khó trong khâu tìm thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế chưa thuyết phục được bà con nông dân.

 Thấy được vấn đề này, ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, ngành chức năng huyện Chợ Lách đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp tiêu thụ và liên kết họ cùng tham gia trực tiếp với bà con nông dân. Một mặt vừa có được nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện các tiêu chuẩn theo quy trình Global GAP, mặt khác khi nhà vườn đã làm ra được sản phẩm đạt chuẩn thì có nơi tiêu thụ ổn định, giúp bà con nông dân an tâm đầu tư vào vườn cây của mình.

Ngoài việc tạo mối liên kết với doanh nghiệp trong việc thực hiện các tiêu chuẩn Global GAP, trái chôm chôm nơi đây còn có một lợi thế khác là có thể làm nghịch vụ để cải thiện giá bán. Đây cũng là một yếu tố rất thuận lợi để trái chôm chôm mở rộng thị trường tiêu thụ vì doanh nghiệp và bà con nông dân đã chủ động kiểm soát được sản lượng và chất lượng sản phẩm tại nhà vườn. Từ đó sẽ chủ động hơn trong việc tìm đối tác và ký kết các đơn đặt hàng theo nhu cầu thị trường.

 

Sau gần 02 năm tổ chức thực hiện, đến tháng 6/2011, tổ liên kết sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B xã Phú Phụng – huyện Chợ Lách và nhà máy đóng gói chôm chôm của doanh nghiệp Chánh Thu đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Với giấy chứng nhận, trái chôm chôm của tổ liên kết đã có được giấy thông hành cần thiết để xuất khẩu trực tiếp vào Hoa Kỳ. Đây là thành quả của mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân, mở ra nhiều triển vọng mới cho loại cây trồng giàu tiềm năng ở địa phương. Với những kết quả đã đạt được, mong rằng hoạt động sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn Global GAP ở huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn trồng chôm chôm nơi đây./

Thúy Hằng- Trung Hiếu 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *