Bên bờ hạnh phúc

Từ xưa tới nay, chúng ta thường nghe nói: Chợ trái cây, chợ rau củ quả, chợ cá… thì nhiều chứ chợ cua thì ít thấy. Nhưng cái chợ nhỏ cặp đường tỉnh 904, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, là điểm thu mua cua của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp vài tấn mỗi ngày cho các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và… xuất khẩu. Chặng đường cua lên phố thấm đẫm những giọt mồ hôi, nhọc nhằn pha lẫn niềm vui, ước mơ của những người nghèo khó.

Người khơi nguồn cho cái chợ cua bé nhỏ này là ông Nguyễn Hoàng Ba, với cái tên gần gũi  Ba Cua, ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đến chợ cua là những người nông dân “chân lấm tay bùn”, tay xách bọc cua cùng với nhiều người đi xe đạp, xe máy khắp nơi kéo đến cân cua.

Nói là chợ, nhưng thật ra ở đây chỉ là những điểm tập kết thu mua cua đồng của vài ba hộ gia đình, lâu dần trở thành điểm thu mua cua quen thuộc . Tên người thu mua thường được gắn với tên con cua như Ba cua, Bảy cua, Bửu cua, Mai cua, Minh cua…

 

Riêng điểm của ông Ba cua thì nội tính mối quen là cỡ ba, bốn chục người, chưa kể những tay thu gom ở các nơi khác trong tỉnh và những tỉnh lân cận như Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang…, mỗi ngày mua khoảng vài tấn, hai bận lên Sài Gòn bằng xe tải.

Mấy năm nay , phong trào nuôi thủy sản phát triển rầm rộ. Nguồn cá tạp tự nhiên dùng chế biến làm thức ăn cho cá nuôi ngày một cạn kiệt nên người nuôi cá chuyển qua sử dụng cua. Nhiều hộ ở Tam Bình cho biết: Cua xay hoặc để nguyên con đổ vào chảo nấu chung với cám rồi cho qua máy ép thành viên là loại thức ăn nhiều đạm, giúp cá tăng trọng nhanh. Từ đó, xuất hiện những bạn hàng đi mua gom cua về cung cấp cho dân nuôi cá.

Chị Phạm Thị Ngọc Mai- tên thường gọi là Mai cua- chủ cơ sở thu mua cua lớn nhất xã Hòa Phú, huyện Long Hồ- cho biết: Hồi đó chị làm bột tép , sau này mới chuyển sang nghề cua. Xứ này cua nhiều vô kể, thường cắn phá lúa non, hạt mầm… Vậy mà vào mùa lũ dân đánh cá bắt được nhiều khi đổ bỏ. Chị cảm thấy tiếc bèn lấy ít cua luộc đem phơi khô rồi xay thành bột. Sau đó chị đem bán cho các cơ sở nuôi cá, kết quả các cơ sở này đặt hàng. Thế là chị mạnh dạn tổ chức điểm thu mua cua và xay cua tại đây.

Như mọi ngày, cua ém chặt trong những bao lưới được các lái chở đến liên tục. Đổ cua ra cái thau to, mọi người phân loại chọn cua đại lấy càng, cua trung và cua bé để riêng. Sau khi được chọn lọc, đưa về thành phố Hồ Chí Minh, từ đây con cua “tám cẳng, hai càng” đã có dịp bò ngang, bò dọc khắp các chợ, rồi được những bàn tay khéo léo của các bà nội trợ, các đầu bếp giỏi biến thành những món ăn hấp dẫn.

Từ khi có những điểm thu mua này, nhiều người trong xóm đỡ thất nghiệp. Khoảng 16 giờ trở đi, không khí nhộn nhịp hẳn lên, các bao cua được mở ra và " xổ" vào các khênh, thúng, thau… Những con cua đồng vừa ra khỏi miệng bao, tưởng như được phóng sinh, cứ bò loạn xạ… Những con cua nào bò xổm lên là còn sống, sẽ phân phối cho các mối bán lẻ ở chợ. Con nào " nằm yên" là đã chết, sẽ được xay cung cấp cho những người nuôi cá hồ.

Một số gia đình sống gần các điểm thu mua cua thì tham gia công đoạn chế biến như lựa cua, tách cua hoặc mua về xay rồi bỏ mối cho các tiệm bán bún riêu… Riêng với các bà ngồi chợ, cua là một trong những loại hàng hóa của nghề buôn gánh bán bưng. Cứ mỗi buổi mua đi bán lại vài chục kg cua cũng kiếm được vài chục ngàn đồng…

Phần lớn dân ở đây đều có rất ít đất sản xuất, nên nhờ nghề làm cua và bắt cua đồng mà nhiều hộ đã có cuộc sống sung túc hơn. Chuyện về con cua đồng còn nhiều thú vị. Cua đồng giờ đây không chỉ sống tự nhiên ngoài đồng, mà được nuôi có bài bản đàng hoàng. Lại thêm một nghề mới là nghề nuôi cua đồng.

Chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Cường- một trong hai người khởi xướng cho việc nuôi cua đồng ở ấp 6A, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình.

Mấy năm trước, sau khi dự lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi lươn, anh nhận thấy con lươn ăn dơ, ở sạch tương đối khó nuôi, thế là anh nghĩ ra việc nuôi cua đồng. Sẵn có hơn nửa công ruộng gần nhà làm lúa không đạt năng suất, anh Cường quyết định đào mương chung quanh, mua vải mủ vừng lại rồi thả cua vào nuôi thử. Nguồn cua giống được đánh bắt từ việc đặt lờ, đặt dớn trên đồng trống vào mùa nước nổi. Đến vụ Hè Thu anh chuyển sang làm lúa. Hết lúa lại nuôi cua.

Hiện tại, anh Cường đang thả nuôi 2.500kg cua đồng giống. Món ăn chính cho cua là khoai mì và rau muống. Cứ 3 ngày anh lại cho cua ăn một lần khoảng 20 kg khoai mì. Và, để giảm bớt tỷ lệ hao hụt, năm nay, anh Cường đắp thêm một số bờ nhỏ trên ruộng để cua làm hang khi lột .

Còn đây là hình ảnh thu hoạch cua đồng của gia đình anh Nguyễn Văn Đăng, nông dân ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều nông dân đến xem như thế này. Đơn giản là vì cách nuôi cua đồng của gia đình anh hoàn toàn khác với mọi người. Thay vì nuôi cua trên ruộng hay trong mương vườn như nhiều người khác thì anh Đăng lại nuôi cua trên cạn.

 

Để có được lứa cua bắt mắt như thế này, khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch năm trước, anh đi mua cua của những người đặt lờ về nuôi. Bước đầu anh thả 4 tấn cua trên diện tích hơn 500m đất vườn. Giống như nuôi cua dưới nước, anh mua mũ ni long về bao hết toàn bộ diện tích đất nuôi cua. Thức ăn cho cua cũng khá đơn giản, cũng dễ tìm như: khoai mì, cám to hoặc cơm dừa nước. Thời gian từ lúc thả nuôi đến thu hoạch đối với nuôi cua trên cạn và nuôi dưới nước là bằng nhau, trung bình khoảng 3 tháng. Vụ cua năm nay, anh Đăng thu hoạch 1,6 tấn cua thành phẩm:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có khá nhiều điểm thu mua cua đồng. Ngoài những điểm nằm trên đường tỉnh 904, còn có những điểm thu mua khác như ở Bà Lang- Phú Quới: có 2 điểm, chợ Trà Côn- Trà Ôn: 1 điểm… Từ khoảng 16 giờ trở đi, chợ cua ở những khu vực này tất bật hẳn lên.

Anh Hồ Tấn Em, một lái cua thâm niên cho biết, cua đồng Vĩnh Long sẽ được phân phối đến các chợ Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Biên Hòa. Tháng 7 đến tháng 11 âm lịch là mùa cua của An Giang; tháng 6 là mùa cua của Đồng Tháp, Long Xuyên và Vĩnh Long…. Các thương lái thích nhất là cua vùng Châu Đốc, thịt chắc và thơm, lại sống dai. Tuy vậy, mùa cua còn phụ thuộc vào con nước lên xuống và cả mùa trăng. Thời điểm ít cua nhất là vào những tháng giáp tết và sau tết.

Cua đồng là loại thực phẩm bình dân, thế nhưng trong thực đơn người Việt, dù Nam hay Bắc, dù sang hay hèn, dù còn ở trong nước hay đã ra nước ngoài, hễ là người Việt Nam thì tô canh cua đồng béo ngậy vẫn là món ăn " khoái khẩu" ..

Con cua đã từ đồng lên phố và ra cả nước ngoài. Thân phận cua đồng đã đổi thay, nó làm đỡ đần cuộc sống của nhiều người dân nghèo khó. Các món ăn được chế biến từ cua đồng nay không còn quanh quẩn chốn đồng quê mà sánh ngang với đặc sản trong các nhà hàng sang trọng. Cua rang me, rang muối, cháo cua đồng, lẩu cua đồng, bún riêu cua… đều là món ăn bổ dưỡng và còn là thực phẩm sạch từ đồng ruộng.



 

Cua đồng lên phố, vẫn mong làm nhẹ lòng hơn khi nghĩ đến những thân phận khó nghèo vùng châu thổ. Con cua quê dân dã, vẫn là một phần không thể thiếu của nhịp sống đồng bằng hôm nay.

Trọng Dũng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *