Bên bờ hạnh phúc
Lúa được sấy khô sẽ cho chất lượng tốt hơn. Ảnh minh họa

Đã nhiều năm rồi, việc sử dụng lò sấy trong quy trình sản xuất lúa được các nhà chuyên môn khuyến khích vì điều đó sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam. Ở đồng bằng sông Cửu Long, bà con nông dân tỉnh An Giang được xem là những người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm sản xuất lúa chất lượng cao. Trong đó, việc sử dụng lò sấy trong quy trình sản xuất lúa đã được bà con tiếp nhận và thực hiện rất tốt. 

An Giang được xem là vùng lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích xuống giống mỗi năm khoảng 550.000 ha, An Giang đóng góp đáng kể trong việc đảm bảm an ninh lương thực và xuất khẩu.

Từ yêu cầu thị trường, chất lượng lúa gạo được chính quyền đặc biệt quan tâm và bà con nông dân cũng xem đây là kỳ vọng của nghề nông. Trình độ thâm canh cây lúa của nông dân An Giang được nâng lên đáng kể, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng đã làm cho nghề trồng lúa của bà con vùng này có nhiều thay đổi. Và gần đây, công nghệ bảo quản lúa sau thu hoạch được ứng dụng đồng loạt mà minh chứng rõ ràng nhất là sự ra đời của những lò sấy lúa quy mô lớn.

Sau chương trình xã hội hóa công tác giống, năm 2005, An Giang tập trung thực hiện chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng. Nhà nước vận động, tạo điều kiện thuận lợi để bà con đầu tư công nghệ mới. Quy trình sản xuất lúa chất lượng cao dần khép kín đến khâu xử lý lúa sau thu hoạch. Trong mùa mưa, sấy lúa trong lò là giải pháp được lựa chọn thay vì phơi lúa như trước đây. Từ lò sấy gia đình, giờ đây, nhiều cơ sở xay xát đã đầu tư tiền tỷ cho những lò sấy chuyên nghiệp hơn. 

Xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn có gần 3.000 ha đất trồng lúa, chiếm gần 90% diện tích đất nông nghiệp của xã. Mỗi năm bà con nông dân xã này canh tác 3 vụ với sản lượng khoảng 80.000 tấn lúa. Ở đây, trung bình mỗi hộ gia đình có trên 2 ha đất ruộng. Trước đây, mỗi vụ múa, nhiều gia đình phải phơi ít nhất là 15 tấn lúa và thời gian phơi kéo dài hàng tháng trời. Đó là nỗi cực nhọc lớn của bà con, chưa kể đến những lúc thời tiết mưa bão, lúa bị lên mọng, xuống màu, hôi mốc… là chuyện thường ngày. Có khi, bà con phải bán rẻ cho những trại vịt.

Và công nghệ lò sấy là nghề sấy lúa đã mang đến nhiều thay đổi. Toàn xã hiện có trên 30 lò sấy cỡ nhỏ, công suất từ 8 – 10 tấn và 2 lò sấy cỡ lớn, công suất trên 35 tấn. Các lò sấy lúa đã giúp bà con giải quyết trên 60% lượng lúa ướt trong vụ Hè Thu. 

Mặc dù chi phí đầu tư cho một lò sấy cỡ nhỏ khoảng vài chục triệu đồng, cao hơn 3 – 4 lần so với việc đầu tư sân phơi và mua đệm, mua lưới… nhưng không ít hộ đã thấy được lợi ích của việc sấy lúa nên đã mạnh dạn đầu tư. 

Nhận thấy được lợi ích từ nghề sấy lúa, nhiều người cũng bắt đầu nhảy vào cạnh tranh. Ở những lò sấy nhỏ, trong vụ Hè Thu năm nay, lượng lúa sấy gia công giảm đáng kể vì sự xuất hiện của những lò sấy lớn bằng điện, công suất cao và giá gia công giảm. Đến lúc này thì lò sấy nhỏ chạy bằng máy nổ, công suất nhỏ xem ra đã lỗi thời.

Theo tổng kết của ngành Nông nghiệp An Giang, trong năm 2010, có gần 42% diện tích lúa thu hoạch bằng cơ giới, 75% sản lượng lúa sấy trong vụ Hè Thu và đã làm lợi cho nông dân vài trăm tỷ đồng. Công nghệ sấy lúa được đánh giá mang lại hiệu quả rất cao, tỷ lệ hao hụt dưới 0,5% thay vì trên 2% nếu phơi thủ công như trước, chất lượng hạt gạo được đảm bảo hơn, góp phần tăng lợi nhuận cho bà con. 

Với gần 2.500 lò sấy các loại, An Giang được xem là địa phương có nhiều thành tựu trong việc thực hiện cơ giới hóa vào đồng ruộng. Trong đó, Phú Tân, Châu Phú và Thoại Sơn được nhắc đến như những địa phương thành công nhất trong việc vận động, triển khai cho bà con ứng dụng tốt công nghệ này. Quy trình sản xuất lúa chất lượng cao không thể thiếu khâu đầu tư mạnh vào công nghệ sau thu hoạch.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *