Bên bờ hạnh phúc

Đến thời điểm này, vụ lúa hè thu tại ĐBSCL đã thu hoạch đạt 1/3 diện tích. Có thể nhận định rằng, đây là vụ lúa thắng lợi nhờ trúng mùa, được giá. Đó là lý do kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, dự kiến thực hiện từ giữa tháng 7 năm nay được Hiệp hội lương thực Việt Nam đề ra, đã được hoãn lại bởi lẽ giá lúa gạo trên thị trường đang quá tốt và nông dân có thể lãi đến 40%.

Năm nay, nông dân cả ĐBSCL trúng mùa lúa, trúng giá. Ảnh minh họa

Không riêng gì Vĩnh Long mà năm nay, nông dân cả ĐBSCL trúng mùa lúa, trúng giá và có năng suất cao. Dự kiến, năng suất bình quân toàn khu vực đạt trên 5 tấn/ha, góp phần đưa sản lượng cả vụ ước đạt gần 9 triệu tấn, tăng gần 300 tấn so vụ hè thu năm trước.

Vụ hè thu năm nay, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,6 triệu ha. Đến nay, bà con nông dân đã thu hoạch được 1/3 diện tích. Đối với Vĩnh Long, vụ lúa hè thu có năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, có huyện đạt năng suất 7 tấn/ha. Với giá thành khoảng 3.500 đồng/kg như hiện nay, người nông dân đã có lãi trên 40%.

Đây là một vụ lúa khá đặc biệt bởi vì càng vào cao điểm thu hoạch, giá lúa càng cao, thậm chí cao hơn cả giá lúa vụ đông xuân. Nếu như vụ đông xuân vừa rồi, giá lúa tăng cao nhất cũng chỉ 6.250 đồng/kg, thì đến trung tuần tháng 7 này, giá lúa khô hạt dài lên đến 6.400 đồng/kg. 

Đó cũng là lý do mà năm nay, các lò sấy lúa được nhiều người dân đầu tư. Nếu tính chung, toàn tỉnh An Giang đã có hàng ngàn lò sấy lúa với công suất bình quân khoảng 25 tấn/một mẻ phơi và chỉ mới đáp ứng 50% nhu cầu. Do vụ hè thu rơi vào mùa mưa nên chi phí nhân công cao, hầu hết nông dân chọn lò sấy thay vì thuê sân phơi.

Hiện nay đã xuất hiện lực lượng làm dịch vụ nông nghiệp, từ máy gặt đập liên hợp, sân phơi đến lò sấy… So với những năm trước thì hiện nay, dịch vụ nông nghiệp đã phát triển nhiều, góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo, nhất là vụ hè thu. Khi chất lượng được nâng lên thì việc lưu trữ lúa gạo sẽ được kéo dài. Đây là điều kiện để nông dân lưu kho, chờ giá tốt, hạn chế tình trạng bán lúa tươi tại đồng. 

Thị trường lúa gạo năm nay cho thấy, giá gạo nguyên liệu đã tăng hơn 1.000 đồng/kg so với đầu năm và hoàn toàn ngược lại phán đoán của các doanh nghiệp. Nhiều hợp đồng xuất khẩu được ký kết khi giá lúa vẫn còn thấp, nhưng đến hạn giao hàng, giá lúa gạo nguyên liệu cứ tăng dần. Hiện, giá gạo nguyên liệu thu mua tại các kho từ 8.100 – 8.300 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với đầu vụ. Trong khi đó, lượng gạo thu mua được tại các kho cũng không nhiều.

Một đặc điểm của thị trường gạo xuất khẩu năm nay là Philippines – nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam – đã giảm lượng mua đến 2/3. Đáng lưu ý là năm nay, các hợp đồng từ phía các thương nhân nước ngoài khá phân tán. Theo đó, họ chỉ mua hàng với số lượng ít và ký với nhiều doanh nghiệp nhằm "cân giá" giữa các nhà cung cấp để được giá tốt hơn. 

Có thể thấy, việc tiêu thụ lúa vụ hè thu năm nay có nhiều triển vọng về giá. So với tháng 6, giá xuất gạo 5% tấm đã vượt trên 520 USD/tấn, tăng từ 25 – 30 USD/tấn. Giá lúa gạo duy trì ở mức cao nên Hiệp hội Lương thực Việt Nam quyết định hoãn mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, thời gian tới, mặt bằng giá lúa gạo khó đoán định khi mà thời tiết bắt đầu mưa nhiều, chất lượng gạo bị giảm. Dù vậy, nông dân cũng không nên vội bán lúa vì dự báo sản lượng gạo toàn cầu, niên vụ 2011 – 2012 giảm 1,5 triệu tấn so với trước đó, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu vẫn trong xu hướng tăng là chính.

Quốc Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *