Bên bờ hạnh phúc

Đó là ý kiến chung của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khi trả lời về vấn đề, có nên cấm biểu diễn vĩnh viễn nếu tái diễn hát nhép.

Sao mai Ngọc Anh: Đừng chối bỏ thiên bẩm hát live của mình

Với trách nhiệm của nghệ sỹ là mang tiếng hát đến cho khán giả, tôi nghĩ không nên hát nhép. Đặc biệt là những chương trình truyền hình trực tiếp hoặc có tính cộng đồng lớn càng nên hát thật để thể hiện sự tôn trọng khán giả.

Từ lâu rồi, khi lên sân khấu tôi đều hát thật, không hát nhép. Tôi nghĩ đến thời khắc này phải có ý thức thật sự.

Nhưng thực tế hiện nay, với một số chương trình, do yêu cầu của ban tổ chức để đảm bảo tính an toàn cho chương trình hoặc họ không đáp ứng được cho mình hát live, ca sĩ rơi vào thế bị động, thì lúc ấy phải theo yêu cầu của ban tổ chức. Cũng có hôm sức khỏe ca sĩ yếu, không thể hát thật, thì lúc ấy, tôi nghĩ cần có hành động hoặc lời nói tế nhị trước cho hợp lòng khán giả.

 

 

Chức năng của người nghệ sỹ là mang tiếng hát đến cho khán giả nhưng nếu chức năng thiên bẩm ấy lại chối bỏ bằng cách hàng ngày đi hát bằng giọng thu sẵn, phát ra, thì làm gì còn trách nhiệm. Bản thân người nghệ sỹ phải luôn tự trau giồi, nếu hát nhép, lâu dần khả năng ca hát cũng kém đi, thậm chí là sợ hát live trên sân khấu lớn.

Chính việc quy định cấm hát nhép đã có, nhưng lại không xử phạt nghiêm minh dẫn đến kẽ hở cho nhiều người lách luật, tự làm cho nạn hát nhép bùng phát. Vì thực tế, những người hát nhép – họ chỉ sợ lần đầu, nếu không bị phạt, thì họ sẽ tiếp tục tái phạm.

Để quản lý việc này tôi nghĩ là cả một vấn đề lớn. Điều quan trọng là do lương tâm của người nghệ sỹ, chứ không có văn bản, giấy tờ hay hành lang pháp lý nào có thể quản lý hết. Với những nghệ sỹ thực thụ, họ không cần chế tài. Bản thân họ là chế tài chính họ, để có trách nhiệm đưa bản năng thiên phú đến khán giả.

Thời gian tới, việc tăng chế tài xử phạt nếu bị phát hiện hát lip cũng là đúng. Bản thân tôi là nghệ sỹ, tôi hoàn toàn ủng hộ chế tài đó. Nó sẽ giúp thanh lọc bớt những người làm sạn nền âm nhạc Việt Nam bằng cách hát nhép.

Ca sĩ Tấn Minh: Quản lý hát nhép – Không khó!

Hát nhép là chuyện nhức nhối nhiều năm nay. Tôi nghĩ, không có gì là khó xử lý, câu chuyện ở đây là quy định đã có, nhưng Cục và Bộ có mạnh tay, đủ người để quản lý, siết chặt vấn đề này hay không.

 

 

Tôi nghĩ, trừ những chương trình được yêu cầu hát lễ hội, liên quan không gian rộng lớn như sân vận động hay liên quan tới hình ảnh quốc gia thì khó hát live được. Ngoài yêu cầu được hát nhép mang tính cần thiết thì còn lại, hát doanh thu, hát cho mọi người nghe mà hát lip thì không nên.

Thực tế, các ca sĩ, nhất là khi đi lưu diễn ở tỉnh lẻ, một đêm hát tới 6, 7 bài thì chỉ live 1, 2 bài. Việc hát nhép, không chỉ vi phạm quy định mà còn xúc phạm khán giả.T ôi nghĩ, những người có tự trọng, người làm nghề thật sự sẽ không bao giờ hát lip. Hát live thể hiện vấn đề người ca sĩ hiểu việc và tôn trọng chính bản thân mình.

Trong một đêm, thành phố chỉ có vài điểm hát, thật ra không khó để quản lý. Nếu mạnh tay, trong một sự kiện biểu diễn nghệ thuật, chỉ cần một người chuyên trách giám sát ngồi nghe là phát hiện ra ngay. Hoặc nếu không, dành quyền cho khán giả để họ có thể lên tiếng tố cáo.

Tôi cho rằng, dẹp loạn hát nhép bằng xử phạt hành chính có lẽ không giải quyết gì nhiều, mà cần phải tăng chế tài xử phạt. Phải phạt nặng và triệt để mới giải quyết được vấn đề.

Nhạc sĩ Lưu Hà An: Đừng “nhép môi” để lấp liếm giọng hát

Là người làm nhiều chương trình âm nhạc cho thiếu nhi, tôi thấy khó có thể bắt các em hát live hoàn toàn. Vì thiếu nhi rất hiếu động, luôn hát kết hợp múa phụ họa hoặc đóng kịch nên nhiều lúc hay quên. Vì thế cần phải thu trước để đảm bảo độ an toàn. Thêm nữa, việc thu thanh trước sẽ là bản demo tốt để chính các em tập luyện được.

 

 

Tôi có cơ hội tham gia chơi nhạc ở nhiều chương trình và hầu như những ca sỹ mà tôi cộng tác cùng, họ luôn muốn hát thật để phục vụ khán giả. Các ca sĩ hiện nay rất nghiêm túc và làm việc chất lượng cao, có ban nhạc đệm đàn bao giờ họ cũng hát thật.

Họ không lười hát đến mức phải dùng tới lip. Bởi hát live sẽ tăng độ sống động, cảm xúc thật trong phần trình diễn của người nghệ sỹ. Nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, do yêu cầu của nhà tổ chức hoặc do vấn đề sức khỏe, họ buộc phải lip. Lúc ấy, bật đĩa, nhép môi là trường hợp bất đắc dĩ.

Những hạt sạn nhép môi ở trong làng nhạc Việt, thật ra tôi nghĩ cũng có. Với những người không tự tin giọng hát của mình họ sẵn sàng nhép môi với phần thu âm được chỉnh sửa, tút tát kỹ lưỡng trong phòng thu để không bị lộ khuyết điểm trong giọng hát yếu ớt của mình.

Lời khuyên của người làm nhạc như tôi thì ca sĩ hát live càng nhiều, cảm xúc thật sẽ càng có lợi cho chính mình và lợi cho khán giả.

Theo vnmedia
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *