Bên bờ hạnh phúc

 

Đôi mắt trong veo của đứa trẻ đang tuổi bi bô tập nói. Nó đang ngồi trên bắp vế của mẹ và lắng nghe. Mẹ nó nói: “Con mèo kêu sao? Meo meo meo. Con chó kêu quấu quấu quấu. con vịt kêu cạp cap cạp” . Tới con gà thì bài học trở nên phức tạp: Gà con kêu chíp chíp, gà mái kêu cục tác, gà trống kêu ò ó o…
 
Hai mẹ con là thân nhân của một người bệnh nằm ở khoa Ngoại – một công nhân bị tai nạn lao động gãy xương. Những ngày đầu sau giải phẫu, việc chăm sóc bệnh nhân căng thẳng, có lẽ người vợ trẻ đã gởi đứa con nhỏ cho bà con hay lối xóm. Nhưng khi chồng qua cơn ngặt nghèo, chị nhận lại con, đem nó vào bệnh viện, một tay nách con một tay nuôi chồng bệnh. Ban đầu, tôi ngạc nhiên khi thấy một đứa bé hai, ba tuổi chạy lon ton trong hành lang bệnh viện. Sau thường thấy người mẹ trẻ đèo nó bên hông, tay xách giỏ đựng bình thủy nước sôi, cặp lồng cơm cháo, cắm cúi băng ngang sân. Cũng có lúc, hai mẹ con ngồi trên tấm chiếu trải ở một góc hành lang vắng. Và tôi nghe người mẹ nói chuyện với con: “Xe hơi kêu tin tin, xe hông đa kêu ụn ụn, xe cấp cứu kêu í e í e… ”
 
Con chó con mèo và gà vịt là những thứ quen thuộc ở “dưới quê”. Lên tới thành phố, người mẹ đã thay thế những con vật quen thuộc ấy bằng hiện thực của đường phố Sài Gòn: xe đủ loại chạy rần rần, loạn xạ, inh ỏi. Chị lập tức truyền cho con bài học kinh nghiệm của bản thân mình, phân biệt các loại xe bằng âm thanh như cách nhận biết tiếng kêu của gia súc ở quê nhà.
 
Tôi cũng là “dân nuôi bệnh” như hai mẹ con chị. Không biết cụm từ này xuất xứ như thế nào, có lẽ cùng một kiểu hình thành như “dân chợ”, “dân quê”, “dân bến xe”, “dân tứ chiếng”… Một tập thể người ta có chung một mẫu số nào đó. Thơ thẩn hay hớt hải, uể oải hay xấc bấc xang bang, ngược xuôi hành lang này là những người mà ra ngoài cổng bệnh viện lập tức trở thành những người xa lạ khác biệt. Nhưng ở đây, họ đều là “dân nuôi bệnh” – những người sống trong chờ đợi lo âu về bệnh tình một người thân.
Người bệnh mỗi người một bệnh, mà cho dù cùng bệnh cũng mỗi người một tình trạng khác nhau. Dân nuôi bệnh cũng mỗi người một cảnh. Hai mẹ con nọ và một người đàn bà nuôi mẹ đều cùng quê Tiền Giang, tuy hai huyện cách xa nhau, nhưng họ cũng nhận đồng hương. Thỉnh thoảng, người này phải chạy đi mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm hay đi đâu đó thì “gởi” chồng hay mẹ cho người kia coi dùm. Có người bệnh được năm bảy người thay nhau chăm sóc. Có người nằm chèo queo, điều dưỡng vô hỏi ai là người nhà, chỉ biết đưa mắt nhìn quanh.

 
“Người nhà”. Cũng không phải từ mới lạ hay chuyên dùng. Trong cuộc sống bình nhật “ngoài kia” (ngoài cổng bệnh viện), hai tiếng “người nhà” ít được dùng và không mang nghĩa đặc biệt như ở hành lang này. “Người nhà bệnh nhân X, người nhà bệnh nhân Y đâu?” Mỗi lần cô điều dưỡng bước ra phòng trực xướng lên cái câu chỉ thay đổi danh từ cuối cùng là tất cả dân nuôi bệnh đều dỏng tai lên, rồi thở ra kín đáo, riêng “người nhà” bệnh nhân X hay Y là bật dậy, tất tả đi đến cửa phòng trực.
 
Phần lớn dân nuôi bệnh là người nhà của bệnh nhân. Vợ, chồng, con gái, con trai, con dâu, con rể, mẹ, cha, cô, bác, dì, cậu, anh, chị, em, cháu. Những danh từ chung ấy vốn chỉ hàm ý mối quan hệ giữa một người với một người khác. Ở quê, đám giỗ là dịp để lần ra những mối quan hệ “bà con họ hàng” ấy. Ở thành phố lâu, người ta sống một mình, hoặc với một gia đình nhỏ, có khi những “sếp”, đối tác, đồng sự, khách hàng hoặc “bạn nhậu” có tần số xuất hiện thường hơn trong ngôn ngữ và suy nghĩ hàng ngày của mỗi người. Có thể “vợ”, “chồng” và “con” vẫn chiếm vị trí áp đảo trong tâm tư và cuộc sống của nhiều người, như một bộ phần của cuộc sống xã hội, như “nhà”, “xe”, “công việc”. Chúng không mang ý nghĩa đặc biệt như “người nhà” của một bệnh nhân trong phòng cấp cứu của bệnh viện.
 
Đặc biệt như thế nào? Đây là một trường hợp ngôn ngữ của tôi bất lực. Trong nghề viết, có nhà văn đã khẳng định rằng không cần phải nhảy vô chảo mới tả được miếng thịt bò rán. Cái nghề của nhiều nhà văn chuyên nghiệp là diễn đạt (một cách như thực) những điều bản thân họ không nhứt thiết trải qua. Tôi thực tình có sử dụng kỹ thuật và trí tưởng tượng trong nhiều bài viết. Đôi khi chớp được một hai từ đắc ý là đủ để viết cả một câu chuyện tưởng tượng mà người đọc cứ tưởng là chuyện thật. Văn chương là vậy.
 
Nhưng có những trường hợp, mình trải nghiệm thấm thía, ngôn ngữ ngấm mỗi ngày vô xương tủy của mình, mình tưởng mình là tiếng là từ đó, mà không làm sao diễn đạt được ý nghĩa của chúng. Như hai tiếng “người nhà” ấy. Mỗi lần người điều dưỡng cất tiếng “Người nhà … ”, trái tim tôi thót lại. Tất cả dân nuôi bệnh ngoài hành lang có lẽ cũng thót tim. Tất cả chúng tôi đều là “người nhà” của một người đang chiến đấu với Tử thần. Chúng tôi cảm thấy mình bất lực khi chỉ biết đứng ở hành lang chờ đợi. Nhưng chúng tôi hiểu rằng với người bệnh trong kia, nếu không có “người nhà” thì cuộc chiến đấu của họ cầm như tuyệt vọng.
 
Nhà văn Lý Lan – st

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *