Bên bờ hạnh phúc

Trần Đăng Khoa có hai mảng thơ viết về anh bộ đội. Mảng thứ nhất viết khoảng  thời gian 1966 – 1975, mảng thứ hai từ 1975 đến nay. Mỗi mảng đều có những đặc sắc riêng mà các nhà thơ  khác không có.

Lúc 8 tuổi, bắt đầu làm thơ là lúc Trần Đăng Khoa lớn lên trong cuộc chống Mỹ của dân tộc. Điều đầu tiên em nhìn thấy trên nền trời xanh cùng với  cánh cò trắng là lưới đạn  phòng không của các chú bộ đội:

Thấy đạn các chú giăng dày

Máy bay giặc Mỹ lăn quay thêm nhiều

(Góc sân và khoảng trời)

Và:

Đêm về đạn chú bắn lên

Đỏ như hoa lựu trên nền trời xanh

                                                 (Hoa lựu)

Đây là hai hình ảnh ngộ nghĩnh, nhưng thật đẹp và chỉ có từ đôi mắt trẻ thơ rất yêu các chú bộ đội mới có được.

Chính tình yêu đẹp đẽ ấy cộng với hình ảnh những anh bộ đội thực rất đáng yêu đã cho em bài thơ "Gửi theo các chú bộ đội" nổi tiếng – một trong những bài thơ hay nhất viết về anh bộ đội Cụ Hồ:

Cháu  nghe chú đánh những đâu

Những tàu chiến cháy, những tàu  bay rơi

Đến đây chỉ thấy chú cười

Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi

Vẻ đẹp  của người chiến sĩ được khắc họa  không phải  ở chiến công anh hùng mà ở tâm hồn, cử chỉ giản dị hồn nhiên và giàu yêu thương – cội nguồn của những hành động anh hùng.

Có một bài thơ của Trần Đăng Khoa, nếu đọc qua  thì chỉ thấy là một bài thơ miêu tả của trẻ em: tả cảnh, tả cây… dù rằng miêu tả rất tài tình. Đó là bài "Cây dừa". Tất nhiên, em không miêu tả  chỉ để miêu tả, mà cây dừa đã được nhân cách hóa với nhiều tính cách của con người. Câu kết của bài thơ làm người đọc liên tưởng ngay đến người chiến sĩ:

Đứng canh trời đất bao la

Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi.

Đó là tư thế điềm tĩnh và tự tin của người chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ. Cũng là tư thế của dân tộc Việt , mà không phải trên thế giới  dân tộc nào cũng có được, một số sự kiện thế giới mấy thập kỷ qua cho chúng ta nhận thức rõ điều này.

Sự hy sinh thầm lặng và những gian khổ khó khăn của người chiến sĩ được Trần Đăng Khoa nói đến một cách cảm phục và đầy biết ơn, khi em ngồi băn khoăn dõi theo bước đường hành quân của  các chú  bộ đội:

Đêm nay các chú biết là ở đâu

Lá xà – nu biếc trên đầu

Hay hành quân giữa rừng sâu mưa dầm?…

…Giữ cho cháu trọn tiếng cười

Mái trường đỏ ngói, khoảng trời xanh mây.

(Giữ cho chúng cháu khoảng trời bình yên)

Từ đó em suy nghĩ  và phát hiện ra một ý rất đúng: "Chú là thày giáo cháu rồi/ Dạy cho chúng cháu làm người Việt ". Đó cũng là một suy nghĩ độc đáo.

Cùng với thời gian, Trần Đăng Khoa lớn dần lên. Hình ảnh anh bộ đội không chỉ là niềm yêu mến và kính phục, mà còn là ước mơ của em. Năm 1972, một năm quyết liệt trong giai đoạn cuối của cuộc chống Mỹ cứu nước, Trần Đăng Khoa đã viết hai câu thơ hào hùng có tầm thời đại: "Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời/ Là Tổ quốc đang một còn một mất" (Thư Thơ). Bài thơ đánh dấu sự lựa chọn trong tư tưởng và  tình cảm theo cuộc đời người chiến sĩ của Trần Đăng Khoa.

Mảng thơ Trần Đăng Khoa viết về anh bộ đội lúc Khoa còn nhỏ là một mảng thơ độc đáo. Trong đó có bài nằm trong số những bài thơ hay nhất của em. Thơ Trần Đăng Khoa mang tâm tư tình cảm của cả một thế hệ thiếu nhi đối với  các chú bộ đội và cuộc chiến đấu của dân tộc.

Khi ấy có nhiều thiếu nhi làm thơ về bộ đội, nhưng không có được những bài hay như thế. Do vậy mảng thơ này của Trần Đăng Khoa có một vị trí riêng, không gì thay thế được.

Mảng thơ thứ hai Trần Đăng Khoa viết về anh bộ đội là từ 1975 trở về sau. Đề tài của mảng thơ này có nét riêng là anh chuyên viết về những chiến sĩ bảo vệ hải đảo và biên giới.

Trước và cùng với Trần Đăng Khoa cũng có nhiều thơ viết về người chiến sĩ bảo vệ hải đảo của Tổ quốc, và cũng có những bài thành công, nhưng lẻ tẻ nên không gây được nhiều ấn tượng.

Những bài thơ của Trần Đăng Khoa viết về hải đảo hợp lại thành một chùm gần chục bài đã có tác dụng nhân lên giá trị của mảng thơ này, được bạn đọc chú ý, dù những bài thơ này chưa phải là những bài thơ đặc sắc mà mới có một số bài khá.

Đúng là nhìn toàn bộ thơ Trần Đăng Khoa viết sau năm 1975 có một khoảng cách so với mảng thơ viết thuở nhỏ. Nhưng riêng về đề tài bộ đội, khoảng cách này trong hai giai đoạn của thơ anh được kéo gần lại.

Người chiến sĩ hải đảo tuy gần gũi trong tình cảm nhưng còn xa lạ trong sự hiểu biết của nhiều người là một sự thuận lợi, để mọi người đón nhận mảng thơ này của Trần Đăng Khoa, và ở một mức độ nào đó, Trần Đăng Khoa đã không phụ lòng tin mọi người.

Những khó khăn của người lính đảo được nói đến nhiều, tuy không phải là phần chính mà anh chú tâm thể hiện:

Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời

Đến  một cái gai cũng không sống được…

…Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều nghe đã căng nhức óc

Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh…

(Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài)

Điều Trần Đăng Khoa chú tâm thể hiện là tâm hồn người chiến sĩ, chỗ mạnh vốn có của anh. Thể hiện lòng yêu nước của người chiến sĩ, anh có hai câu thơ phát hiện độc đáo:

Tổ quốc  thì gần, làng quê thì xa

                                                    (Cô tổng đài hải đảo)

Và:

Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống.

                                                  (Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài)

 

Tư thế của người chiến sĩ được ví với cây bão táp trên đảo Nam Yết: "Mỗi năm hàng trăm cơn bão/ Trên mình cây, đã đi qua…" và được khắc sâu trong bài "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn":

Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo

Đảo vẫn sinh tồn trên  đại dương đầy gió bão

Chúng tôi như hòn đá ngàn năm,

                             đang đập nhịp tim người

Như đá vững bền, như đá tốt tươi…

 

Và cái "chất lính" đã luồn vào trong các bài thơ viết về đảo của Trần Đăng Khoa làm các bài thơ tuy độ rượu chưa thật say mà nhiều người vẫn muốn uống. "Chất lính" ấy có lẽ trong bài "Lính đảo hát tình ca trên đảo" là thấm đậm hơn cả, khi anh nhìn người lính đảo để trọc đầu:       

Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ

Là bà con xa với bụt ốc đây mà

Thôi lặng yên  nghe. Có gì đang sóng sánh

Hóa ra là sư cụ hát tình ca.

Trần Đăng Khoa chưa có những bài thơ viết về tình yêu thật hay. Mọi người thường trông đợi điều này ở các  nhà thơ nổi tiếng. Điều đáng quý là những bài thơ tình của Trần Đăng Khoa là thơ tình người lính biển. Thực ra, hình ảnh Biển một bên và em một bên không phải anh là người đầu tiên đề cập tới. Nhưng khi anh nói một cách giản dị và chân thực thì nó có sức ngưng đọng trong lòng người:

Biển ồn ào, em lại dịu êm

Em vừa nói câu  chi rồi mỉm cười lặng lẽ.

Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía

Biển một bên và em một bên

Trần Đăng khoa còn có một chùm thơ viết về những người lính thời bình đang canh giữ biên giới của Tổ quốc: "Lính thời bình", "Đỉnh núi", "Mùa xuân của lính biên phòng"… Những suy tư sâu nặng vẫn ẩn chứa sau những câu chữ đùa cợt hóm hỉnh của anh:

Ta ngự trên đỉnh núi 

Canh một vùng  biên ải

Cho làn sương  mong manh

Hóa trường thành vững chãi

                                 (Đỉnh núi)

Hoặc:

Pháo nằm như mơ ngủ

Núi bay dải mây tình

Các cậu đừng có  tưởng

Chúng tớ – lính thời bình

                             (Lính thời bình)

Viết cứ như chơi như đùa  tự nhiên mà thành thơ thì đấy là thơ đích thực. Phần nhiều những bài thơ Trần Đăng Khoa  viết giai đoạn sau là như thế.

Trần Đăng Khoa đã có lần nói đại ý, quê hương văn học của anh chính là làng quê  của anh. Quả thực hồn quê của anh đã đem lại cho hồn thơ anh những bài thơ hay nhất: "Mưa", "Hạt gạo làng ta", "Mẹ ốm", "Bài hát gọi cây lúa"…

Cuộc sống người chiến sĩ có lẽ là quê hương văn học thứ hai của anh chăng mà  anh  đã có tới hai chục bài thơ, tuy số bài  thật hay chưa nhiều, nhưng có một số bài độc giả vẫn sẵn sàng đánh đổi lấy cả một tập thơ thường thường đang xuất hiện ngày càng nhiều hiện nay.

Theo Đinh Quang Tốn – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *