Bên bờ hạnh phúc

Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Hữu Tuệ

Nhưng có lẽ, một số bạn bè thân cận với ông không hề ngạc nhiên, bởi lẽ tính cách chân thật, thẳng thắn đến gai góc đã trở thành “thương hiệu” của Giáo sư Tuệ. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi dẫn đầu phong trào sinh viên Việt Nam phản chiến cũng như lúc đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Canada, ông Tuệ luôn bị coi là kẻ thù số một – “nằm vùng” cho Việt cộng.

Có dịp qua Paris (Pháp), ông thấy ảnh mình được treo khắp với mã số của kẻ truy nã đặc biệt, báo động để cộng đồng người Việt trên khắp thế giới phải cảnh giác. Đến khi một số kẻ thù quá khích ra mặt, ông đã thẳng thừng đáp lại : “Chúng mày muốn dùng gươm, tao có gươm; muốn dùng súng, tao có súng. Kiểu gì tao cũng chơi được”. Mọi thủ đoạn đe dọa, ám sát, khủng bố của kẻ thù không làm người chí sĩ yêu nước run sợ, bởi lẽ lý tưởng độc lập, thống nhất cho dân tộc cháy trong ông có sức mạnh vượt lên trên tất cả.

Vài nét về Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ

* Năm 1960, Huỳnh Hữu Tuệ là một trong số những sinh viên xuất sắc được học bổng du học tại Canada. Sau thời gian học Đại học Laval – Cannada, nhờ có kết quả học tập tốt, Huỳnh Hữu Tuệ đã được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh, đồng thời làm giảng viên tại trường. Năm 1968, kết thúc khóa học, Huỳnh Hữu Tuệ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về viễn thông. Đến năm 1972, hoàn tất thêm luận án Tiến sĩ khoa học về chuyên ngành Xử lý thông tin và đến năm 1981, ông được phong hàm Giáo sư. Tiếng tăm về người Tiến sĩ Canada gốc Việt khi ấy đã làm nhiều nhà khoa học nước bạn nể phục. Nhiều công trình nghiên cứu của ông cho đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều giá trị như “Quá trình ngẫu nhiên không chuẩn”… Ngay từ khi còn là sinh viên, Huỳnh Hữu Tuệ đã cùng những người con đất Việt yêu nước xuống đường tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ việc lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhiều năm liền, ông là Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Canada, nắm bắt, quan tâm tới tình hình phát triển của quê nhà, đặc biệt là về giáo dục.

* Năm 2000, khi Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ đưa vợ về thăm Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu (Khi đó là ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia) tuần nào cũng đến đón hai vợ chồng Giáo sư Tuệ đi chơi. Một lần, mặc dù bận họp Trung ương Đảng, nhưng Giáo sư Hiệu vẫn ra tận sân bay đón vợ chồng Giáo sư Tuệ. Máy bay trễ 3 tiếng đồng hồ, nhưng Giáo sư Hiệu vẫn ngồi đợi. Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ tâm sự : “Một người như ông Hiệu mà làm chuyện đó khiến tôi cảm động… ”

* Trước đây, lương của Giáo sư Tuệ ở Canada là 10.000 USD/ tháng, giờ chỉ còn bằng mức lương một giảng viên đại học của Việt Nam, cộng với 180.000 đồng/ngày để trả tiền cho căn phòng khoảng 20 mét vuông trên tầng ba khách sạn Cầu Giấy và 100.000 đồng tiền ăn mỗi ngày.

* Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ là trí thức Việt kiều đầu tiên được phong chức Chủ nhiệm bộ môn tại một trường đại học ở Việt Nam.

Ngay sau khi đất nước giải phóng, ông là một trong những thế hệ Việt kiều đầu tiên trở về tái thiết một sự nghiệp mới. Mỗi dịp được trò chuyện cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, vị giáo sư già lại tận dụng tối đa cơ hội được “nói thẳng, nói thật” về các vấn đề trọng đại của đất nước.

Bất kể một cuộc họp bàn, giao lưu với các Trưởng khoa, Ban Giám hiệu các trường đại học, ông không ngần ngại phê phán những yếu kém, bất cập của giáo dục Việt Nam. Chỉ một lẽ đơn giản, với ông, trách nhiệm của một trí thức là phải biết “mở mồm” nói lên sự thật dù là với ai và ở bất kỳ đâu. Câu nói của ông chợt khiến tôi liên tưởng đến nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc khi viết về Giáo sư Nguyễn Khắc Viện. “Nhiệm vụ của kẻ sĩ, thời nào cũng vậy, là gây dư luận”. Gây, khuấy động dư luận, không để cho dư luận được yên trí, bằng lòng với tất cả những gì đã tưởng là đương nhiên. Giữ cho trí óc và lương tâm của xã hội luôn luôn tỉnh thức là vai trò canh gác thường trực của trí thức. Vai trò này, tôi đã cảm nhận sâu sắc ở con người, khí tiết, lời nói và hành động của Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ.

Và cuộc đối thoại dưới đây với phóng viên VieTimes cũng được ông coi là một dịp may được “mở mồm” cho những trăn trở về sự trở về của những trí thức Việt kiều và các “vấn nạn” của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Sau giải phóng, lập tức tôi đã trở về

Phóng viên (PV) : Những năm tháng chiến tranh, ông ở đâu?

Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ (GS HHT) : Tôi ở Canada. Tôi rời đất nước từ những năm 1960, khi đạt học bổng du học tại Canada và New Zealand. Nhưng tôi đã chọn Đại học Laval – Canada làm nơi dừng chân. Sau thời gian học đại học, tôi được giữ lại trường l&agr
ave;m nghiên cứu sinh, đồng thời là giảng viên. Những năm tháng đó, tôi làm Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Canada và thường xuyên xuống đường tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ hòa bình cho Việt Nam

PV : Vậy cảm giác của sự ly biệt cũng khác với những người ra đi năm 1975?

GS HHT : Khác hơn nhiều. Bởi lẽ gắn bó của tôi với Việt Nam là gắn bó của một công dân với đất nước có chiến tranh và phải làm cách nào để giải quyết chuyện này.

PV : Những người ra đi năm 1975 mang trong lòng đau đớn, hận thù và nghĩ rằng họ như đang bị đẩy đi, bị cướp mất. Còn những người ra đi trước như ông lại mang trong lòng nỗi buồn chiến tranh, nỗi đau của một người con mất nước… Cho nên, những người như ông sẽ trở về Tổ quốc dễ dàng hơn và xúc động hơn so với những người ra đi sau 30/04/1975?

GS HHT : Sau giải phóng, lập tức tôi đã trở về.

PV : Như vậy là đã lâu rồi. Và cảm giác của cuộc trở về lúc đó thế nào? Ông có cảm giác lo sợ nào đó không ?

GS HHT : Không hề sợ hãi, mà ngược lại, hãnh diện. Nhưng hơi thất vọng. Vẫn có người phê bình : “Anh chưa thấm được mối thù giai cấp”. Nhưng theo tôi, cuộc chiến tranh đó không chỉ đơn thuần là mối thù giai cấp. Đó là cuộc chiến giữa hai đối thủ, giữa một bên là quân xâm lược và một bên là dân tộc bị xâm lược. Động cơ giải phóng dân tộc còn lớn hơn tất thảy.

PV : Bây giờ, chúng ta có thể nói rằng : Hồi đó, ngay sau năm 1975, có một số Tiến sĩ Khoa học người Việt sống ở nước ngoài trở về theo lời kêu gọi của đất nước. Nhưng có một điều gì đó làm cho những người trí thức hồ hởi về giúp quê hương nhưng đã lại ra đi…

GS HHT : Đúng như vậy, nhưng sự thật có tính khách quan của nó. Công lao của Đảng 20 năm qua là cởi trói. Nhưng làm sao phải đẩy mạnh tốc độ phát triển hơn nữa.
PV : Ông là một trong rất ít trí thức Việt Nam sống ở nước người đã trở về Tổ quốc rất sớm ngay sau khi đất nước thống nhất. Tôi muốn biết ý muốn khi trở về của ông là gì?

GS HHT : Vai trò của tôi là cầu nối chặt chẽ giữa trí thức bên ngoài và trí thức bên trong. Tôi muốn xóa đi những mặc cảm và cả những lo sợ của không ít trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài về chính quyền trong nước.

PV : Ông có thể hé lộ gì về gia đình mình? Bởi việc trở về Tổ quốc của ông trong một thời điểm khó khăn và có nhiều đe dọa. Chính thế mà gia đình chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đền việc trở về của ông?

GS HHT : Vợ tôi là người gốc Canada, thành viên Đảng Cộng sản Canada và đã tham gia chống Mỹ cứu nước. Bà ấy cũng thường xuyên về Việt Nam và đóng góp cho công việc của tôi cũng như sự nghiệp phát triển của đất nước rất nhiều lời khuyên hữu ích. Bà ấy đã ủng hộ tôi trở về. Hơn nữa, Việt Nam là quê chồng của bà ấy.

PV : Ông trở về Việt Nam trong một khoảng thời gian quá sớm và làm việc dù theo cách thức thuyết phục hay mách nước (vai trò cầu nối) thì phản ứng của cộng đồng Việt kiều vẫn mang tính tiêu cực?

GS HHT : Tôi đã từng là kẻ thù của một số người trong cộng đồng hải ngoại. Có rất nhiều người đã tuyên chiến với tôi. Một số người tung tin sẽ qua Canada tiêu diệt “Việt cộng nằm vùng” Huỳnh Hữu Tuệ. Qua Paris, tôi thấy ảnh của mình dán khắp nơi. Nhưng mình đâu có sợ. Tôi sẵn sàng đối mặt với mọi chuyện, nếu chúng “dùng súng”, mình cũng sẽ “dùng súng”.

PV : Sau những năm 1980, rất nhiều trí thức yêu nước trở về và có một số lại ra đi. Vậy theo ông, những điểm nào là khó nhất cho các trí thức trở về trước năm 1990?

GS HHT : Năm 1979, Việt Nam bị bao vây, cấm vận, tình hình bế tắc không có cách nào tháo gỡ. Chỉ có một nơi duy nhất có thể tập kết nhu yếu phẩm và đưa về trong nước là Canada. Tổ chức do tôi lãnh đạo đã dùng toàn bộ trí tuệ đứng mũi chịu sào. Trước và sau 75, tôi chưa bao giờ có sự cảnh giác về mặt chính trị.

PV : Tôi biết, với một người trí thức tự tin, có tình yêu thực sự với dân tộc thì không điều gì khiến họ phải cảnh giác, để ý. Vậy những người giống như ông có trở về Việt Nam nhiều hơn không và họ có mang mặc cảm của những năm xa xưa không?

GS HHT : Tôi không có con số thống kê, nhưng dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thì những người như tôi là rất hiếm. Người Việt trở về đất nước có hai dạng : Một là không có cách nào sống đàng hoàng ở nước ngoài, một dạng khác trở về để khai thác thị trường Việt Nam. Nếu làm giáo dục, khoa học thành công, thì họ đã trụ lại bên kia rồi. Từ những năm 1980, tôi đã có kiến nghị phải mở cửa kinh tế ngay để đón những luồng đầu tư công nghệ cao, sử dụng nhân công trong nước… Chất xám theo đó sẽ phát triển rất nhanh.

Dân tộc Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử, nhưng luôn nằm trong thế tử thủ. Đất nước hình chữ S bị chắn dãy núi Hoàng Liên Sơn… Công cuộc khai phá đang tiến hành thì thực dân Pháp
xâm chiếm. Dân tộc Việt Nam suốt đời đánh giặc, cứu nước, mà đánh giặc thì cần tinh ranh phá thế bao vây. Đánh giặc phải phá. Ngay trong thời hiện đại, nếu lấy cày, cuốc để phá sẽ lộ ra hàng nghìn chuyện tiêu cực. Điều nguy hiểm nhất là mở cơ chế mà không biết cách kiểm soát, thì sẽ nổ tung, rồi nó đập lại chính mình. Điều mà tôi sốt ruột là mong cho các nhà lãnh đạo có một chiến lược thật chặt và thật rõ để đẩy nhanh tốc độ phát triển.

PV : Là một giáo sư uy tín, là một người sống nhiều năm ở một nước phát triển và là một người hết lòng với Tổ quốc, xin ông hãy nói thật cái gì đang là cản trở lớn nhất cho sự phát triển của đất nước Việt Nam?

GS HHT : Cơ chế. Không có gì bằng sức mạnh nhân dân, nhưng nhân dân không thể kiểm tra hết. 15 năm trước, có những nhà lãnh đạo chỉ ngồi đọc báo cáo rồi xem đó là kết quả. 15 năm sau có chuyện ngược lại, chính phủ đã thành lập những đoàn thanh tra, đã kiểm tra các báo cáo đó đúng hay sai. Lãnh đạo giỏi sẽ từ từ thay đổi cơ chế này cho tương thích với tốc độ phát triển của xã hội.

PV : Điều gì là khó nhất với một giáo sư từ nước ngoài trở về Việt Nam?

GS HHT : Điều tôi buồn nhất là điều kiện làm việc thiếu thốn. Nó không cho mình phát huy tất cả khả năng. Rất may, trong phòng làm việc hiện tại của tôi có hai Tiến sĩ ở Mỹ, Úc trở về nghiên cứu khoa học. Ba thầy trò quyết tâm phát triển nhóm này trở thành một nhóm chất lượng như các nhóm tôi đã từng tổ chức ở nước ngoài. Những em theo học trong nhóm rất đam mê và ham học. Đó là cách độc nhất để chứng minh : trong điều kiện không tương thích nhưng tiềm lực vẫn dồi dào, thì vẫn có thể phát huy được. Nhưng trong điều kiện hiện nay, mô hình này không thể nhân rộng. Muốn mở rộng phải có một tập thể quyết tâm, thống nhất. Cái khó nhất của Việt Nam trong giáo dục là không ai lãnh đạo ai cả, không ai thống nhất ai mặc dù chức danh lãnh đạo rất lớn. Tôi thấy rất rõ về cách làm việc kỳ cục : Lãnh đạo rất sợ trách nhiệm

PV : Những thế hệ Việt kiều thứ 3, thứ 4 thì sao? Có thể vẫn nói ngôn ngữ đó, dòng máu không bị pha tạp, nhưng sự trở về của họ hoàn toàn khó?

GS HHT : Thế hệ thứ 3, 4 trở về nước sẽ hoàn toàn như một người nước ngoài, thậm chí phải trả lương như một chuyên gia người nước ngoài.

PV : Người Trung Quốc rất tài trong chuyện này. Họ luôn tìm mọi cách để mời gọi những trí thức Trung Quốc sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về lục địa. Ở Trung Quốc, một giáo sư như ông nếu trở về đất nước làm việc thì điều kiện sẽ hoàn toàn như ở nước ngoài.

GS HHT : Chiến tranh ở Việt Nam kéo dài quá lâu. Những người ra đi năm 1975 có tâm lý mất toàn bộ cuộc đời. Họ không bao giờ quên mối hận đó. Nhưng vị thế Việt Nam ngày càng mạnh lên, thì những hận thù đó sẽ được hóa giải. Vì dù sao, niềm hãnh diện dân tộc vẫn có một sức sống mãnh liệt trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

PV : Rất nhiều Việt kiều lên tiếng muốn trở về. Nhưng thực tế số người trở về lại rất ít. Họ nói vậy, nhưng họ không trở về ?

GS HHT : Ông nêu vấn đề rất đúng. Có bao nhiêu người trở về làm việc chấp nhận điều kiện này? Rất ít. Bản thân tôi đã nếm trải tất cả mọi điều, cao sang, đau khổ… nên mọi khó khăn sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa!

PV : Những điểm nào là khác biệt nhất giữa các Tiến sĩ đào tạo trong nước với Tiến sĩ nước ngoài?

GS HHT : Tôi không nói đến Tiến sĩ thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội nhưng đào tạo Tiến sỹ Khoa học cần có những điều tối thiểu thật sự. Một người làm Tiến sĩ phải dành 15 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong một tuần, 4 năm dài đằng đẵng. Tiến sĩ Việt Nam một ngày làm 1 đến 3 giờ đồng hồ trong ba năm. Mới tính khoản thời gian đã khác nhau một trời một vực. Rồi còn tài liệu sử dụng, sách báo tham khảo, đồng nghiệp bên cạnh như thế nào để có thể thảo luận, phát triển tất cả suy nghĩ của cá nhân. Hai điều này không thông thì không thể có chất lượng.

Những ngành khoa học khác như toán, vật lý… Giáo sư phải giao lưu bên ngoài thường xuyên và tương đối cập nhật kiến thức của nhân loại. Trong bối cảnh như vậy, không thể so sánh chất lượng Tiến sĩ trong nước với nước ngoài. Không thể so sánh một cục đá với cục kim cương. Điều này không có nghĩa người Việt Nam dốt, nhưng điều kiện làm việc tối thiểu không có, thì không thể nào đẩy cao trình độ Tiến sĩ lên. Ở nước ngoài, muốn làm Tiến sĩ thì phải đi tìm thầy. Một ông thầy nổi tiếng phải có những công trình được công nhận, số tiền mang về cho trung tâm và chất lượng Tiến sĩ mà ông đào tạo

PV : Ông khẳng định Tiến sĩ trong khoa học có những điểm phát triển hơn. Nhưng tại sao cho đến nay, nền khoa học Việt Nam trên trường thế giới vẫn là một con số chưa đoán được?

GS HHT : Cách đây một tháng, tôi từng nói một câu tàn nhẫn trong cuộc gặp với một số lã
nh đạo trường Đại học Kinh tế quốc dân. Tôi rất buồn khi nói nền khoa học của chúng ta là một nền khoa học giả. Những người có đề tài hàng chục tỷ lại không có khả năng thực hiện dù được “dán chữ” đầu đàn. Cách để đạt đề tài là thương lượng với Bộ và ăn chia phần trăm… Đã có người đề nghị với tôi : anh nghĩ ra cái tên đề tài và đưa tôi lo chuyện còn lại và lấy 20%. Nền khoa học Việt Nam không chạy vì những đề tài lớn không cho kết quả. Những người có khả năng làm thì chỉ có 20 – 30 chục triệu, nên có khả năng làm. Một Tiến sĩ Khoa học lương 2 triệu đồng một tháng, đi hội nghị phải bỏ tiền túi… Vậy ai đủ sức làm? Ở nước ngoài, đi hội nghị, viết một bài báo… tiền mất 4.000 – 5.000 USD. Tiền đâu để làm những điều tối thiểu đó?

PV : Những cái giả trong khoa học có tác động mức nào đến xã hội?

GS HHT : Xã hội mới tác động đến những điều này. Cơ chế cho phép những cái giả bao trùm lên toàn xã hội từ khoa học, giáo dục đến xây dựng cơ bản… Đó chỉ là một trường hợp đặc biệt. Nền giáo dục là tấm gương phản ánh thực trạng xã hội đó. Nó là cái kéo xã hội đi. Trách nhiệm của nền giáo dục là đào tạo có trí tuệ, đạo đức… Đó là mục tiêu tối thượng. Nhưng nền sản xuất của Việt Nam hiện nay đang đến đâu? Có cần những trí thức, nhân lực cao cấp, kỹ sư chất lượng cao đến đâu… Mọi việc rõ ràng, nhưng Bộ Giáo dục có ai đứng ra làm một điều tra chính xác về vấn đề này? Năm kia, Giáo sư Tương Lai đã ký một dự án với Bộ Giáo dục – Đào tạo làm việc này, nhưng một năm sau không có tiền làm. Muốn xây dựng cái gì phải biết nó nằm ở đâu để xây dựng một chiến lược thích hợp.

PV : Vậy theo ông, các nhà quản lý giáo dục có biết giáo dục Việt Nam hiện nay đang là cái gì không ?

GS HHT : Họ biết chứ, tất cả đều biết đó là một “dị nhân”. Nền giáo dục Việt Nam không đào tạo gì cả, mà chỉ đào tạo ra những con người có một cái bằng. Chấm hết.

(Còn nữa)
Nhóm phóng viên Vietimes thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *