Bên bờ hạnh phúc

Giáo dục nông thôn : Nếu có một chọn lựa khác…?

119.000 học sinh trong cả nước đã bỏ học khi Học kỳ I của năm học 2007-2008 vừa kết thúc. Con số thống kê được Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa đưa ra chắc chắn làm nhiều người giật mình. Thực tế ấy sẽ khiến mục tiêu phổ cập giáo dục bậc phổ thông cơ sở và phổ thông trung học sẽ không thể hoàn thành. Nhưng, hệ lụy sâu xa hơn, đó là chúng ta sẽ có những lao động không chất xám trong tương lai, dù rằng, cái cụm từ “lao động chất xám” dường như còn… quá xa xỉ đối với lao động Việt Nam thời điểm hiện tại.

Đây là lớp học bình dân học vụ của những thanh niên đã có 2 – 3 con

Những nỗ lực của ngành giáo dục nhằm nâng cao dân trí và đào tạo lao động có trình độ, có chuyên môn, đã vấp phải “chướng ngại vật” ở khu vực nông thôn, khi tỷ lệ thanh niên nông thôn thất học và thất nghiệp chưa có dấu hiệu đạt đến con số mục tiêu mà những nhà hoạch định đang hướng tới.

Những con số biết… khóc!

Thời kỳ Đổi mới đã đem đến sự “thay da đổi thịt” trên đất nước ta ở tất cả các lĩnh vực, trong đó biểu hiện rõ rệt nhất là lĩnh vực giáo dục. Tỷ lệ mù chữ tính chung cả nước ở độ tuổi 10 tuổi trở lên đã giảm từ 7,9% (2002) xuống còn 7% (2004). Khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ mù chữ giữa đô thị và nông thôn, giữa nam và nữ có xu hướng thu hẹp dần lại. Song, tỷ lệ mù chữ khu vực nông thôn vẫn luôn vượt trên 2 lần so với khu vực đô thị, đặc biệt là đối với nữ giới.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (TCTK, 2006), tỷ lệ dân số từ 10 tuổi trở lên mù chữ phân theo khu vực đô thị/ nông thôn : năm 2002, con số chung cả nước là 7,9% – khu vực nông thôn : 9,1% – đô thị : 4,0%. Sau 2 năm, con số tương ứng ở các khu vực này là 7,0% – 8,1% và 3,7%. Nhiệm vụ xoá mù mà ngành giáo dục đạt được trong 2 năm nói trên quả là quá nhỏ. Tình trạng “nút cổ chai giáo dục phổ thông” chứng tỏ khả năng tiếp cận giáo dục bậc cao bị hạn chế hơn nhiều so với bậc học thấp. Đối với dân nông thôn, dân nghèo và dân tộc thiểu số, tình trạng đó trầm trọng hơn rất nhiều so với dân đô thị, dân giàu và dân tộc Kinh.

Tỷ lệ dân số 15 tuổi biết chữ được xem xét theo bằng cấp cao nhất ở khu vực đô thị cao gấp nhiều lần so với khu vực nông thôn. 88% dân số trên 14 tuổi ở khu vực nông thôn có trình độ dưới trung học phổ thông. Trong 10.000 dân cư ở khu vực nông thôn chỉ có 1 người có trình độ. Ở khu vực đô thị, con số này là 10.000/31 người (Bảng số liệu 2). Tiếp cận thực trạng trên ở góc độ chi tiết hơn khi phân theo 5 nhóm cơ bản – nhóm nghèo nhất, nhóm gần nghèo nhất, nhóm trung bình, nhóm gần giàu nhất, nhóm giàu nhất (TCTK, 2006) – dễ dàng nhận thấy một tỷ lệ đáng kể của nhóm giàu nhất, có trình độ học vấn tiểu học (25,24%), thậm chí không có bằng cấp (16,96%), hoặc chưa bao giờ đến trường (5%), chênh lệch rất lớn so với nhóm nghèo nhất : 7,38% tốt nghiệp PTTH, 1,71% có trình độ cao đẳng, đại học, 0,06% trình độ trên đại học.

Ở khu vực nông thôn, tại các làng nghề, nhiều hộ gia đình hoặc chủ doanh nghiệp nông thôn tuy không học phổ thông, hoặc bỏ học phổ thông trung học, nhưng lại làm giàu rất nhanh. Trong khi đó, có người trình độ cao đẳng, đại học nhưng thu nhập thấp, thậm chí thất nghiệp nếu không tích cực tìm kiếm việc làm tại chỗ hoặc ở chỗ khác. Điều đó nói lên bất cập giữa giá trị biểu trưng rất được Nhà nước đề cao : trình độ học vấn với bằng cấp và giá trị thực dụng được cộng đồng – xã hội coi trọng/ trình độ tay nghề được tích luỹ qua kinh nghiệm bản thân và tri thức bản địa được chuyển giao qua cơ chế vừa làm, vừa học của người lao động.

Không phải thanh niên nông thôn nào cũng có may mắn có nghề trong tay, để nuôi mình và nuôi gia đình mình nếu như họ không sinh ra ở một làng nghề

 
GS.TS Tô Duy Hợp (Viện Xã hội học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), trong bản tham luận tại Hội thảo “Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân : kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam” do Viện XHH tổ chức, đã lý giải về thực trạng bất cập nói trên : “Một trong những thách thức to lớn đối với khu vực nông thôn là do sức ép trong chi tiêu cho giáo dục : các khoản chi cho trường lớp, quần áo đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập… đều có tỷ lệ cao hơn so với đô thị (các con số so sánh tương ứng giữa nông thôn/ đô thị là : 12,5% – 9,0%; 9,0% – 6,0%; 13,3% – 8,9%; 10,8% – 5,8%). Tỷ lệ chi cho học phí và học thêm ở khu vực nông thôn thấp hơn so với đô thị : 40% so với 60% (TCTK, 2004). Tuy nhiên, nếu so với năm 2002 thì khu vực nông thôn chi tăng hơn cho học phí là 55,8%, trong khi đó, ở đô thị chi tăng hơn 35,5%. Tình trạng chi cho học thêm ở khu vực nông thôn chi tăng hơn 24,8% so với đô thị giảm đi 10,1% (do chính sách cấm dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT được triển khai mạnh ở khu vực đô thị)”.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà Bộ GD – ĐT lý giải về tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt thời gian vừa qua  do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiên tai, học lực quá yếu và các nguyên nhân khác. Đó có phải là thực chất của vấn đề?

Học rồi, về làm gì?

Không phải phủ nhận thành tựu của ngành giáo dục Việt Nam bắt đầu từ thời điểm Đổi mới, sau gần 30 năm, chúng ta đã đưa tỷ lệ mù chữ từ 2 con số xuống còn một tỷ lệ rất thấp, từng bước phổ cập giáo dục tiểu học, tiến tới phổ cập bậc THCS và PTTH. Thế nhưng, đó cũng là một lĩnh vực mà nó chất chứa quá nhiều vấn đề tồn đọng. Báo chí, các ban ngành chức năng, Bộ chủ quản… cùng vào cuộc để tìm ra một giải pháp, hướng đi thực sự có hiệu quả, thực sự có ích cho người học chứ không phải chỉ là tình trạng… xoá mù chữ, xoá mù… bằng cấp.

Chủ trương xã hội hoá giáo dục đã tạo điều kiện và môi trường pháp lý để các hình thức đào tạo được xuất hiện, và như thế cũng đồng nghĩa với cơ hội học tập của người dân được rộng mở : đào tạo trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học, đào tạo nghề; hình thức đào tạo : chính quy, tại chức, tập trung, ngắn hạn, dài hạn, chuyên tu, đào tạo từ xa…; rồi trường công lập, trường dân lập, trường tư thục, trường quốc tế, liên kết với các trường Quốc tế đào tạo tại Việt Nam, du học, du học tại chỗ… Bức tranh toàn cảnh về giáo dục Việt Nam hiện nay giống như một bức tranh mà tất cả các màu tối – sáng đều bị pha trộn một cách hỗn tạp. Người học có quyền lựa chọn về những thứ mà mình chưa thực sự hiểu kỹ về nó, và cũng không thể biết, nếu lựa chọn như thế, sẽ không có cơ hội tự “bảo hiểm” cho chính mình.

Trong những chuyến công tác vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn… chúng tôi được chứng kiến thực trạng của ngành giáo dục vùng sở tại : sự yếu kém, xuống cấp, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng giáo viên, chất lượng đào tạo… và một thực tế không thể chối cãi, đó là tâm lý không mặn mà với việc học tập của con em nông thôn, đặc biệt là một bộ phận không nhỏ của thanh niên nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Những người tham gia hoàn thành các bậc học PTCS, PTTH đã là cả một sự cố gắng rất lớn. Con số những người tiếp tục theo học lên các cấp học cao hơn hết sức hạn chế. Một trong những lý do của tình trạng này, đó là vì họ không được định hướng rõ rệt và cụ thể, để có thể lựa chọn cho mình một ngành học, nghề học phù hợp với khả năng, năng lực học tập cũng như khả năng kinh tế thực tại của gia đình.

Không có trình độ văn hóa, thanh niên nông thôn phải làm tất cả các công việc, mục đích duy nhất là để mưu sinh

Theo một lô-gic rất thông thường và phổ biến, thanh niên nông thôn, nhất là những vùng làng nghề, có nghề phụ, khi đến tuổi lao động, những thao tác cơ bản về nghề mà gia đình họ theo đuổi đã được thẩm thấu một cách tự nhiên từ thời thơ bé, giúp cho họ có thể độc lập thao tác và kiếm sống bằng chính nghề của gia đình mình. Đó chính là lý do để họ không “thiết tha” vào các bậc học cao hơn. Đối với những thanh niên ở hoàn cảnh gia đình không có nghề, “chi phí cơ hội” cho việc tham dự các khoá học nghề, hay các trường đại học, đánh đổi thời gian và tiền bạc để có mảnh bằng… không đủ sức mở cánh cửa để có một công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước, đủ để nuôi sống mình và xây dựng một cuộc sống tương lai. Con đường mòn mà nhiều người vẫn làm, đó là tìm cách chạy chọt cửa này cửa nọ… Và, vô hình trung, tự họ bẫy mình vào một mê cung không lối thoát!!!

Theo thống kê, lao động thiếu việc làm ở khu vực nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 86%. Thời gian làm việc được sử dụng ở nông thôn chỉ đạt 86,65% (TCTK, 2005). Tình trạng thiếu việc làm trầm trọng nhất ở khu vực cộng đồng làng – xã và các vùng nông thôn nông nghiệp tự cung tự cấp hoặc thiếu năng lực thị trường. Thực ra, người dân nông thôn không hoàn toàn thiếu việc làm (theo nghĩa thất nghiệp hoàn toàn), tính bức xúc của vấn đề thiếu việc làm ở khu vực tam nông chính là việc làm tại chỗ thu nhập không đủ đảm bảo nhu cầu tối thiểu để nâng cao chất lượng cuộc sống, chứ không phải ở khía cạnh nhu cầu mưu sinh, xoá đói giảm nghèo.

Tại những vùng, khu vực đang có những dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để phục vụ cho việc phát triển những khu công nghiệp hoặc khu đô thị mới, nông dân vùng này rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp do họ chưa kịp chuyển đổi nghề nghiệp. Tính bức xúc của tình trạng này gia tăng, do công cuộc ĐTH, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đang được đẩy mạnh trên quy mô cả nước, nhất là ở các vùng ven đô.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động – nghề nghiệp diễn tiến chậm chạp, chưa có dấu hiệu đột biến. Tỷ trọng lao động phân theo khu vực nông – lâm – ngư nghiệp vẫn ở mức cao và không hợp lý (56,8% – TCTK, 2005), trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực thấp kém. Tính chung cả nước mới chỉ có 24,8% lao động được đào tạo chuyên môn, phần lớn ở mức chuyên môn, kỹ thuật sơ cấp. Ở khu vực nông thôn, tình trạng còn dưới mức trung bình quốc gia về đào tạo chuyên môn, kỹ thuật. Nguồn lao động chất lượng kém luôn ở tình trạng thiếu việc làm và dễ dàng dẫn đến thất nghiệp. Họ buộc phải chấp nhận những công việc có thu nhập thấp hoặc không ổn định. Và, cái vòng luẩn quẩn như một chiếc xiềng xuất hiện : thiếu việc làm và thất nghiệp gia tăng -> tỷ lệ nghèo gia tăng -> thiếu việc làm và thất nghiệp gia tăng…

Để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, một luồng di cư từ khu vực nông thôn lên thành thị đã tạo nên “sự rối loạn” cho cả xã hội : lỗ hổng lớn xuất hiện ở khu vực nông thôn khi lực lượng lao động trẻ này rời bỏ vùng miền mà mình sinh sống, mang lên khu vực thành thị những phức tạp về xã hội, trật tự, an ninh… cùng một phông văn hoá lạc lõng do sự “vênh” về trình độ văn hoá của chính bản thân họ, chưa theo kịp với mặt bằng văn hoá của nơi mà họ mang theo niềm hy vọng đến với mục đích xây dựng cuộc sống cho mình…

Một con đường khác, đó là sự mặc định về tâm lý của những học sinh bước qua bậc học PTTH, gắng gỏi chen chân vào những cánh cổng đại học được hưởng chính sách của Nhà nước như trường Sư phạm, Quân đội, Công an… với lợi ích nhãn tiền : đó là được miễn giảm học phí, được Nhà nước đảm bảo phí ăn ở, sinh hoạt trong quá trình học và một công việc sau khi ra trường. “Chi phí cơ hội” cho sự tính toán ấy, đó là sự chết mòn về những sáng tạo cá nhân, mà lẽ ra, nếu được đặt đúng môi trường của nó, họ sẽ phát huy được những sở trường, sở học của mình. Và vô tình, sự lựa chọn đó không chỉ là sự “lạc đường” của bản thân họ, mà còn khiến xã hội mất đi những “mỏ quặng” quý hiếm không được “luyện” đúng lò và đủ tuổi để trở thành… vàng!

Di Linh (Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *