Bên bờ hạnh phúc

"Việt Nam nên chú trọng nhiều hơn đến chất lượng sản xuất nông nghiệp và hướng cho người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động phi nông nghiệp. Đừng nghĩ 'nhiều là tốt' vì sản xuất nhiều không có nghĩa mang lại nhiều thu nhập."

Giáo sư Finn Tarp (ĐH Cophenhagen) đã nhận định như vậy trong Báo cáo Kết quả điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam năm 2010, diễn ra ngày 6/7.

Cuối năm 2007, giá cả hàng hoá thế giới tăng nhanh, và đạt đỉnh vào giữa năm 2008, giá lương thực thực phẩm và năng lượng cũng đặc biệt tăng nhanh, với mức giá tăng nhanh nhất được ghi nhận ở mặt hàng lúa gạo và dầu thô – là các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đương đầu với hai cuộc khủng hoảng này khá tốt, có thể phần lớn do gói kích thích kinh tế đã được đưa ra. Tuy nhiên, ảnh hưởng thuần của tất cả những tác động này đối với các hộ gia đình nông thôn Việt Nam vẫn chưa rõ ràng và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Càng giàu càng nhận được nhiều hỗ trợ xã hội

Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trong khi nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế, chiếm 1/5 sản lượng kinh tế nói chung, 2/3 sản lượng xuất khẩu, đóng góp 4% vào tăng trưởng nông nghiệp.

"Điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam đã tìm hiểu sâu hơn thực trạng kinh tế của các gia đình tại khu vực nông thông Việt Nam, với trọng tâm vào việc tiếp cận và tương tác của các hộ gia đình nông thôn Việt Nam với thị trường đất đai, lao động và tín dụng, qua đó, gợi ý những chính sách phát triển cho nông nghiệp và nông thôn Việt Nam", đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen khẳng định.

Theo báo cáo, tỷ lệ phân bố theo diện nghèo giảm đáng kể từ 20% (2008) xuống còn 16% (2010), giảm đáng kể trong nhóm hộ tiêu dùng nghèo nhất. 

"Thu nhập của các hộ kinh tế nông thôn đang ngày càng tăng nhờ sản lượng sản xuất nông nghiệp tăng", ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ), nhấn mạnh.

Báo cáo cũng nêu rõ, 87% dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn tham gia vào các hoạt động mang lại thu nhập. Ở các hộ nghèo, hoạt động kinh tế đa dạng hơn so với các hộ giàu chứng tỏ các hộ nghèo ở nông thôn Việt Nam đã phản ứng tốt hơn với các rủi ro.

Năm 2010, đã có 28% hộ gia đình (chủ yếu là các hộ giàu) thành lập doanh nghiệp gia đình so với con số 20% của năm 2008, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại bán lẻ, bán nguyên vật liệu chưa qua chế biến, phục vụ cộng đồng. Khoảng cách giàu – nghèo và bất bình đẳng trong phát triển kinh tế nông thôn thể hiện rõ ở sự trợ giúp ở các nguồn lực tư nhân (gia đình) và xã hội đối với các hộ gia đình. Báo cáo cũng cho thấy một nghịch lý là hộ gia đình càng giàu càng có khả năng tiếp cận các nguồn trợ giúp cao hơn so với các hộ nghèo.

"Nguồn thu nhập của các hộ gia đình nông thôn đã tăng lên, đời sống cải thiện rõ rệt nhưng khả năng tiếp cận nguồn đầu vào và đầu ra cho sản xuất còn nhiều bất cập. Sự phân hoá giàu – nghèo trong sản xuất nông nghiệp rất rõ ràng", bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, cho biết. 

Muốn giàu, không thể chỉ trông vào lúa gạo (Ảnh: Dongabank) 

 

Tính tới năm 2010, số hộ gia đình ở nông thôn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm, do 4 nguyên nhân cơ bản: kết quả của việc dồn điền đổi thửa và việc thu hồi tái phân bổ đất; chủ trương cấp giấy phép sử dụng đất tạm thời (chủ yếu diễn ra ở phía Nam) và việc phân tách hộ gia đình cũng ảnh hưởng đến tiến trình cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình ở nông thôn.

Cũng theo báo cáo, thóc/gạo vẫn là vụ mùa phổ biến nhất và ngày càng tăng lên trong số 82% hộ gia đình nông thôn, đưa đến sức tăng mạnh của xuất khẩu gạo trong giai đoạn vừa qua. Các lĩnh vực như nuôi trồng thuỷ sản gần như không thu hút thêm được sự tham gia của người dân, chứng tỏ tiến trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chậm và thiếu hiệu quả. Các hộ giàu thường có lợi thế hơn trong tiếp cận các sản phẩm đầu vào của nông nghiệp. Việc thiếu năng lực chế biến ban đầu, thiếu thông tin về giá thị trường và thiếu lưu trữ đối với đầu ra cũng là những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường của các hộ kinh tế khu vực nông thôn.

"Tuy nhiên, các hộ kinh tế khu vực nông thôn đã phản ứng tốt hơn trước rủi ro nhờ việc đa dạng hoá sản xuất và tham gia bảo hiểm nông thôn. Tín dụng cho khu vực kinh tế nông thôn cũng góp phần hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, ông Khải cho biết thêm.

Ở khía cạnh vốn xã hội, các nhóm xã hội chính thức và không chính thức vẫn là yếu tố hỗ trợ quan trọng trong kinh tế nông thôn Việt Nam. Truyền hình là công cụ truyền thông truyền thống và quan trọng nhất trong việc nâng cao tiếp cận thông tin cho khu vực kinh tế nông thôn nhưng Internet với nguồn cung cấp thông tin đa dạng đang nổi lên với trung bình 23% hộ kinh doanh nông thôn (32% hộ giàu, 10% hộ nghèo) sử dụng Internet.

"Không thể sản xuất lúa gạo mãi được"

"Phát triển nghĩa là dần dần có khu vực nông nghiệp nên "nhỏ dần", nghĩa là quy mô có thể lớn hơn, nhưng tỷ trọng trong nền kinh tế phải ngày càng nhỏ đi", Giáo sư Finn Tarp, Đại học Copenhagen nhận định về tương lai cho phát triển nông nghiệp ở Việt Nam.

Theo Giáo sư Finn Tarp, thể chế kinh tế thị trường đang phát triển ở nông thôn Việt Nam nhưng nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế nông thôn, như vậy là công cuộc đổi mới chưa hoàn thành.

"Chính phủ cần tiếp tục cải tiến và mở rộng thể chế kinh tế thị trường nông thông và cân bằng giữa các yếu tố thị trường và sự can thiệp của nhà nước một cách hiệu quả", Giáo sư Finn Tarp khuyến nghị.

Mức sống trung bình của người dân nông thôn đang được cải thiện, thể hiện rõ ở biến động phúc lợi trong khu vực này. Năm 2010 cho thấy sự trở lại của mức sống trung bình năm 2006, những hộ nghèo nhất đã phục hồi một cách nhanh chóng.

"Thực tế, sự linh hoạt và tài năng của nông dân nhanh chóng tác động làm thay đổi thị trường và góp phần thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn một cách đáng kể".

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã hạn chế khả năng thu hút lao động và tầm quan trọng của nông nghiệp truyền thống sẽ tiếp tục giảm theo thời gian, trong khi vài trò tiềm năng của các hoạt động khác (như nuôi trồng thủy sản) sẽ dần đóng vai trò trọng yếu. Hoạt động phi nông nghiệp nông thôn (doanh nghiệp hộ gia đình) ngày càng đóng vai trò quan trọng.

"Việt Nam nên chú trọng nhiều hơn đến chất lượng sản xuất nông nghiệp và hướng cho người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động phi nông nghiệp. Đừng nghĩ 'nhiều là tốt', vì sản xuất nhiều không có nghĩa mang lại nhiều thu nhập. Nếu muốn có thu nhập cao hơn, không thể sản xuất lúa gạo mãi được", Giáo sư Finn Tarp nhận định.

Cần tăng cường hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để khuyến khích đầu tư sản xuất đối với đất; chú ý đặc biệt đến dồn điền đổi thửa, đặc biệt tại khu vực miền Bắc; tăng tính hiệu quả của giao dịch thị trường đất thông qua minh bạch thị trường và giá đất… là những việc cần làm trước mắt để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng đất cho khu vực kinh tế nông thôn.

Tín dụng cho khu vực nông thôn đã tăng đáng kể, nhưng xu hướng phi nông nghiệp nông thôn vẫn tồn tại ở sự cho vay thương mai tư nhân. Ít ngân hàng khuyến khích đầu tư vào vùng nông thôn. Dịch vụ tiền gửi và bảo hiểm nông nghiệp cũng cần được chú trọng hơn.

"Ngoài ra, chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh an ninh lương thực bằng cách chuyển đổi từ lúa sang những cây trồng có giá trị cao hơn, các chính sách về giao thông và thông tin cần được tăng cường để giảm tỉ lệ đối mặt với rủi ro và khó khăn trong tương tác đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp", nhóm nghiên cứu đề xuất.

 

Báo cáo Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn (IPSARD), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) và Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch), đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về sự phát triển kinh tế nông thôn Việt Nam giai đoạn 2002-2010 dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế từng hộ gia đình, bao gồm: lao động và thu nhập; đất đai và quyền sử dụng đất, đầu tư và thị trường; sản xuất nông nghiệp; rủi ro, bảo hiểm, tiết kiệm và tín dụng; vốn xã hội và tiếp cận thông tin.

Cuộc điều tra Tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam được thiết kế như nỗ lực nghiên cứu chung với mục tiêu bổ sung cho Điều tra mức sống dân cư Việt nam và có tính đại diện cho cả nước được Tổng Cục Thống kê thực hiện 2 năm một lần. Báo cáo năm 2010 được thực hiện dựa trên phỏng vấn 3.000 hộ gia đình tại địa bàn nông thôn của 12 tỉnh thành phố Việt Nam.  

Theo Hải Yến ( (VEF.VN) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *