Bên bờ hạnh phúc

Cụ Tổng Bân người làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên. Làng Tích Sơn ở cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên độ vài trăm thước và có một vài thôn ở ngay sát cánh với nhiều khu tỉnh lỵ.

Cụ Tổng năm nay ngoài 50. Cụ đã dự hơn 30 lần việc làng đầu năm. Kể từ ngày cụ phải ngồi bàn thứ 27 cho đến ngày nay lần mò lên bàn thứ 2 trong xã, cụ đã tốn biết bao công trình về những nồi cơm đầu năm. Bây giờ lên lão, cái công việc thổi cơm thì đã có con em trong làng, còn cụ thì chỉ việc mũ ni che tai, ra đình khề khà với chén rượu thần, hoặc có năm nào ngứa mồm thì bắt bẻ vài nồi cơm khê, sống, rắn hoặc nhão hay khen mấy nồi cơm trắng, dẻo, thơm và mịn. Nói chuyện với các cụ đồng bàn, cụ Tổng thường vuốt vài sợi râu bạc, nói : “Làng ta tuy nhiều tục dở, nhưng các cụ tính, tục thổi cơm đầu năm của ta hay biết bao nhiêu. Vì có nồi cơm đầu năm, quanh năm, trẻ nó mới chịu để ý đến cơm nước, con gái quê mà không biết thổi cơm thì vất đi”.

Cụ Tổng nói rất phải, vì tuy thi cơm ở đình là của con trai, nhưng thổi cơm phần nhiều là công việc của các bà nội trợ và của các thiếu nữ khéo tay.

Lệ làng Tích Sơn cứ hàng năm mở hội về ngày mồng Ba tháng Kiến Dần. Trai làng cho đến 40 tuổi phải thổi mỗi người một nồi cơm mang đến đình trình diện các cụ : Đó là tục thi cơm.

Muốn được thi cơm thì phải vào làng trước đã. Vào làng nghĩa là trình diện với dân để chịu các phần vinh nhục của lệ dân. Nhiều người tuy đã đứng tuổi nhưng chưa vào làng thì cũng không được dự cuộc thi cơm.

Năm ngoái, vào hồi lễ tất niên, cụ Tổng đã nói với đồng ban để xin vào làng cho thằng con út là thằng cu Hoạch. Năm nay, nó đang học lớp Nhì tỉnh Vĩnh Yên. Đã vào làng thì phải có nồi cơm thi.

Nhớ lại hồi xưa, những nồi cơm của mình vẫn dẻo, vẫn khéo, cụ muốn rằng nồi cơm của cu Hoạch năm nay phải đứng vào hàng danh dự suốt hai dãy Đông – Tây trong làng. Cụ bảo cụ bà : “Đấy, bà mày liệu thổi thế nào cho tôi được mát mặt với bàn Thượng thì thổi. Bắt con Tẽo nó phải trông nom cho em nó. Ấy con gái đã nhớn phải biết thổi cơm rồi sau này còn thổi cơm lễ cho chồng”. Rồi cụ vừa cười vừa nói đùa : “Ngày xưa, tôi lấy bà cũng chỉ vì nồi cơm của chú Mộc đấy!”. Cụ bà cũng cười, cười để mà nghĩ đến những ngày xưa khi cụ Tổng còn đi ngồi Tổng sư, cứ hàng năm, cụ phải trông nom cho chồng đến vất vả vì nồi cơm. Thấm thoát đã ngoài 30 năm. Cụ lơ mơ tưởng đến những nồi cơm trắng mịn, không cháy, không nhão và khi cắt ra thì thật là một miếng cơm nắm nén kỹ.

Dân làng Tích Sơn có một nghệ thuật thổi cơm. Nồi cơm của họ chín mà không bao giờ có cháy và róc nồi một cách lạ lùng. Tài tình nhất có hai điều : Điều thứ nhất là cơm của họ nguyên ở trong nồi mà mịn như cơm nắm. Cả một nồi cơm đổ ra là một nắm cơm, nhưng đây là một nắm cơm không có vỏ, vì họ thổi dụng công nên cơm không bao giờ có lấy một mẩu cháy con. Muốn ăn, ta cứ việc xắt ra từng miếng, ăn rất thơm và lại man mác mùi nhựa gạo.

Điều thứ hai là thổi nồi cơm chín như vậy mà cái nồi không bén. Cái nồi đất vẫn là cái nồi đất mới nguyên, không có vết khói, vết lửa. Đôi khi cũng có người thổi vụng về thì có chút ít vết lửa, nhưng đấy là một điều hiếm.

Cụ Tổng bà là người thổi cơm xuất sắc vào bậc nhất, nhì trong làng. Cụ bà thổi cơm cho cụ ông, cho bác Hinh là con trai cụ Cả. Năm nay, cụ lại trông nom cho cô Tẽo thổi cơm cho cu Hoạch. Cụ bảo Tẽo : “Con gái bầm (1) liệu đấy. Con trai ông Lý năm nay cũng nộp cơm làng đấy. Con phải làm thế nào cho em con nó hơn thì làm. Phải thế, sau này con về làm dâu nhà ấy, họ mới khỏi chê là không biết thổi cơm”. Ông Lý đương định hỏi Tẽo cho con trai, vì ông biết nhà cụ Tổng là nhà gia giáo, con gái phải thạo việc nội trợ. Đáng lẽ cưới hồi trong năm, nhưng vì cận ngày nên cụ Tổng xin hoãn đến ngoài xuân. Vả lại, cụ Tổng còn muốn khoe với ông Lý cái tài thổi nồi cơm khéo của con gái ở giữa làng.

Bấy giờ đã 26 tháng Chạp. Tối hôm ấy, cụ Tổng bà bảo Tẽo : “Mai ngày phiên chợ tỉnh đấy. Con chọn mua lấy chiếc nồi đất để ra Giêng thổi cơm cho em nó thi với dân. Con nên chọn chiếc nồi già mà đỏ thì nó đỡ bắt lửa. Để rồi bầm dạy con cách thổi cơm không cần lửa mới ngon và khéo”. Cụ Tổng bà thổi cơm khéo lắm. Ít khi ta thấy nồi cơm của cụ có bén lửa, bởi lẽ rất ít khi cụ dùng đến lửa. Muốn thổi một nồi cơm thi đầu năm thật là công phu. Phải có hai chiếc nồi : một chiếc nồi đồng và một chiếc nồi đất. Hai chiếc nồi tất nhiên phải dùng hai bếp lửa, hay nói cho đúng là một bếp lửa và một bếp than. Bếp lửa bắc nồi đồng và bếp than đun nồi đất. Nước đổ sang nồi đất đã nóng rồi, không cần đun bằng lửa nữa nên mặt ngoài nồi không bao giờ ám khói. Bấy giờ, gạo đã vo từ nửa giờ về trước, đổ vào nồi đất. Gạo phải vo trước và phải để khô nước cho khỏi lạnh, cơm mới khỏi trương. Cho vào nước rồi, người thổi cơm mới ghế đều lên. Ở dưới, bếp phải giữ than hồng cho đến lúc cơm chín. Cơm ghế rồi, người ta dùng một chiếc lá mít miết lên mặt cho mịn và cho nồi cơm được chắc như cơm nắm. Như thế tức là thổi cơm mở nắp vung vậy. Thổi khéo thì cơm dẻo, mịn và thơm mát và nồi cũng không ám khói.

Mọi người vẫn thổi cơm lối ấy, nhưng cũng có người thổi giỏi hơn, không cần đến than ở bếp nồi đất mà chỉ cần lửa ở bếp nồi đồng. Họ nấu cơm bằng nước sôi. Họ bỏ gạo vo vào nồi đất, đổ nước sôi vào, rồi lại chắt ra, xong lại đổ lượt nước sôi khác vào. Họ thay nước mãi đến khi cơm chín. Như vậy, chiếc nồi đất không bén lửa, ám khói.

Thấm thoát thế mà đã mồng Ba tháng Giêng, làng Tích Sơn lại mở hội như mọi năm, lại có đủ các trò : chém lợn, giết gà, kéo co… nhưng dân làng chú ý nhất đến cuộc chấm cơm thi.

Hai bên và ở giữa đình, suốt từ trong đến ngoài chỉ những nồi cơm, nồi nọ liền nồi kia. Mỗi nồi của một anh con trai. Ở vung và thành nồi có viết chữ bằng vôi. Các cụ đi soát một lượt, bao nhiêu nồi khéo đều cho bưng đi. Những nồi được bưng đi là những nồi Nhất và Nhì. Cùng thổi khéo bằng nhau, nhưng nồi của chức sắc được bầu Nhất và của các trai đinh phải đứng Nhì. Những nồi Nhất để thờ, rồi các cụ được thừa hưởng và đem biếu khách thập phương đến lễ Thánh. Các nồi khác phần các dân đinh ăn với nhau, bốn người một bàn, mỗi bàn hai nồi cơm. Lúc chấm thi cơm ở đình, dân các nơi kéo đến xem rất đông. Các ông huynh thứ trong làng có vẻ hãnh diện cùng thiên hạ vì mỹ tục của làng mình. Các ông như khoe khoang, nói với nhau ; “Cứ gì ở trong truyện Phạm Công Cúc Hoa mới có thổi cơm thi. Tục thổi cơm thi ở làng ta đây lại không hay bằng vạn à!”.

Các cuộc tế lễ đã xong, dân làng ai ngồi về bàn ấy. Cụ Tổng và ông Lý ngồi cùng bàn. Nồi cơm bàn này có biên : “Phùng Đình Hoạch , thập tứ”. Cụ Tổng chỉ vào, bảo ông Lý : “Nồi cơm này của cháu, ông Lý ạ! Chị nó ở nhà thổi cho nó đấy!”.

Rồi cụ cười ha hả sung sướng. Ông Lý cũng cười theo.

Toan Ánh Phong lưu đồng ruộng, 1957

——————————–

(1) Tiếng gọi mẹ ở vùng Sơn Tây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *