Bên bờ hạnh phúc

Maria Callas (Ảnh: Callas.it)

Maria Callas ra đời trong một gia đình dân di cư người Hy Lạp tại thành phố New York vào một ngày cuối năm 1923, tên khai sinh là Sophia Cecilia Kalos, tên Thánh là Maria Anna Sophia Cecilia Kalogeropoulos.

Ngay từ nhỏ, cô bé đã tỏ ra có năng khiếu âm nhạc kỳ lạ, được coi là thần đồng âm nhạc. Mới 10 tuổi, Maria đã nghe – hiểu vở opera Carmen của người lớn, thậm chí còn vạch ra các sai sót của diễn viên trong ca kịch này.

Nhưng thần đồng thì không thể có tuổi thơ thần tiên, nhất là khi Maria có một bà mẹ khắc nghiệt và lắm tham vọng. Ngay từ năm lên 3, Maria đã phải nghe các đĩa nhạc truyền thống. 5 tuổi bắt đầu tập đàn piano. 8 tuổi đi dự lớp dạy hát.

Bà Evangelina – mẹ Maria – không thương tiếc bắt con gái dốc sức học nhạc, luyện giọng với mục đích bù đắp cuộc đời không thành công của bà – một người từng mơ ước trở thành nghệ sĩ. Tuổi thơ Maria trôi qua trong phòng luyện giọng, bên cây đàn piano.

Ngoài ra, bà Evangelina lại cưng chiều cô chị của Maria là Jakie vì cô này thon thả xinh đẹp, thông minh, lại có tính hướng ngoại chứ không phục phịch, cận thị, vụng về và tính hướng nội như Maria. Cách đối xử tàn nhẫn ấy để lại trong lòng Maria nỗi tự ti ám ảnh suốt đời. Sau này, Maria Callas thường nói : “Chỉ khi cất giọng hát, tôi mới cảm thấy mình được yêu.”

13 tuổi, Maria bắt đầu cuộc đời diễn viên chuyên nghiệp. Chưa được bao lâu thì tai hoạ giáng xuống : cha mẹ ly dị nhau, bà Evangelina mang hai con trở về Hy Lạp. Maria vào học thanh nhạc Trường Đại học Âm nhạc Athens và bắt đầu được giao một số vai diễn ca kịch.

Năm 1939, Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ, Maria kiếm sống bằng các vai diễn trên sân khấu Nhà hát kịch thành phố Athens mà hầu hết khán giả là sĩ quan Đức chiếm đóng Tổ quốc cô.

Trở thành "nữ hoàng"

Tên tuổi diva Callas nổi như sóng cồn đầu thập niên 50

Sau chiến tranh, Maria Kalogeropoulos một mình trở lại nước Mỹ để sum họp với người cha và tìm kiếm cơ hội phát huy tài năng. Từ đó, bà đổi tên là Maria Callas.

Về sau, bà sang Italy và may mắn gặp Tullio Serafin -nhạc trưởng opera lừng danh người Italy – và bà được mời diễn các vai chính trong một số vở opera. Dưới sự chỉ dẫn của ông, tài năng của Callas dần dần tỏa sáng và Maria Callas trở thành ngôi sao opera thế giới.

Đến thập niên 50 thì tên tuổi diva này đã nổi như sóng cồn, tới mức người ta gọi bà là La Divina (Nữ thần). Các nhà hát ca kịch khắp năm châu mời soprano (ca sĩ giọng nữ cao) Callas đến biểu diễn. Khán giả đủ mọi màu da đón chào Callas bằng những tràng vỗ tay tưởng chừng không bao giờ dứt.

Thật ra, giọng hát Callas chưa thật mười phân vẹn mười : âm vực tuy rất rộng, song chất giọng chưa nhuần nhuyễn, ngọt ngào và hơi đuối khi ngân các trường đoạn cao; khi hát các âm trung và trầm thì lại hơi khàn. Song, khi nghe Callas hát, người ta quên hết các thiếu sót ấy, mà bị cuốn hút toàn bộ vào nhiệt tình như điên cuồng của người hát.

Giọng ca Callas tràn đầy một tình cảm bị kích thích đến cao độ, như phát ra một ma lực quyến rũ trái tim người nghe, khiến họ thực sự rung động sâu sắc. Khi diễn vở Trà Hoa Nữ, các ca sĩ khác có thể làm cho khán giả rơi lệ ở màn cuối cùng, riêng Callas thì ngay từ màn thứ hai đã làm mọi người thút thít khóc.

Nhiệt tình điên cuồng khi hoá thân vào vai diễn khiến cho năng lực thể hiện của bà đạt tới đỉnh cao, hoàn toàn chinh phục trái tim khán giả. Callas đã góp phần làm cho opera phát triển thành một loại hình nghệ thuật hoàn chỉnh và bà xứng đáng được gọi là Nữ hoàng opera.

Thế nhưng, khi đã thực sự thành công thì Callas lại cảm thấy điều mình mong muốn nhất không phải là những tràng vỗ tay như sấm của khán giả, mà là tình yêu dành cho người phụ nữ – được yêu và được sùng bái.

Hiểu rằng muốn thế thì trước hết mình phải có ngoại hình đẹp, Callas đã cố gắng giảm béo tới mức như điên cuồng. Thời chiến tranh, do thiếu thực phẩm nên người ta thường có thói xấu là khi có thức ăn thì ăn cho căng bụng. Chính vì thế mà Callas tăng cân rất nhanh, chưa kể bản thân từ nhỏ đã to béo rồi.

Có lúc Callas nặng hơn 90kg! Thế mà chỉ sau 18 tháng phấn đấu giảm cân, cuối cùng, Callas nhẹ được một nửa. Với thân hình thanh thoát mảnh mai, cộng thêm gương mặt quý phái thanh nhã kiểu Hy Lạp và giọng ca tuyệt vời của thiên thần, Maria Callas bỗng chốc trở thành người phụ nữ đẹp nổi tiếng thế giới.

Có điều, tình yêu mà Callas mong đợi thì vẫn chưa đến.

Tình yêu đến muộn

Người đàn bà cô đơn khi yêu

Năm 24 tuổi, Callas quen Giovanni Batista Meneghini, một doanh nhân Italia lớn hơn mình 27 tuổi. Hai năm sau, họ làm lễ cưới. Vì sự nghiệp của vợ, Meneghini bán cả nhà máy của mình để chuyên trách quản lý diễn xuất của Callas.

Dưới sự thu xếp của chồng, Callas bôn ba khắp thế giới biểu diễn và thu được thành công lớn. Trong khi vợ nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng thì túi tiền của ông chồng ngày một căng lên. Callas di chuyển như chong chóng từ thành phố này sang thành phố khác, từ nước này sang nước khác, suốt đời ở khách sạn.

Là danh ca nổi tiếng, mỗi khi cất tiếng là cả thế giới im lặng lắng nghe giọng ca của mình, song Callas luôn cảm thấy cô đơn. Ông chồng chỉ còn là nhà quản lý, chẳng biết gì ngoài việc thu tiền và xếp lịch cho các buổi biểu diễn của vợ mà không hề biết nội tâm của vợ.

Nỗi cô đơn dằn vặt Maria Callas chỉ chấm dứt vào ngày chiếc du thuyền Christina sang trọng của tỷ phú lừng danh Aristotle Onassis cặp bến cuộc đời Callas. Đó là năm 1959, khi Callas vừa bước sang tuổi 35 được ít lâu. Hai người Hy Lạp nổi tiếng ấy gặp nhau và nhanh chóng rơi vào lưới tình. Callas li dị với chồng sau mười năm chung sống và đến ở với Onassis.

Onassis 53 tuổi, không điển trai, thân hình thấp nhỏ, phong độ lái buôn; bù lại, con người ấy toát lên một sức mạnh đàn ông hoang dã kiểu cướp biển và nhất là ông ta sở hữu một tài sản kếch xù, là ông chủ của cả một hạm đội tàu biển khổng lồ chạy khắp các đại dương.

Onassis tỏ ra dịu dàng đến mê hồn với Callas. Hoa tươi, du thuyền sang trọng, những đồ trang sức đắt tiền kinh khủng, hiếm phụ nữ nào chống lại nổi sức cám dỗ của các món quà ấy, nhất là Callas đang sống trong cô đơn, thèm tình yêu mà chưa bao giờ được yêu.

“Sau khi gặp Onassis, đời tôi trở nên tràn đầy sức sống. Tôi biến thành một người đàn bà khác hẳn” – Callas nhớ lại. Đúng vậy, Maria Callas yêu điên cuồng như một thiếu nữ, mạnh bạo vứt bỏ tất cả: sự nghiệp ca hát, gia đình… bỏ ngoài tai mọi lời xì xào.

Chương trình biểu diễn bị thu hẹp tới mức tối thiểu. Giọng ca vàng được cả thế giới ca ngợi nay chỉ còn là một người đàn bà bình thường không biết gì hơn ngoài việc dâng hiến tình cảm của mình cho Onassis.

Như mọi phụ nữ khác, Maria Callas muốn có con với người mình yêu. Song cuộc đời trớ trêu làm sao. Khi Callas ở tuổi 43 báo cho Onassis biết mình đã có thai thì nhà tỷ phú Hy Lạp dứt khoát bắt phá cái thai ấy.

Rõ ràng Onassis không muốn cưới Callas! Ông ta từng nói : Được người đàn bà nổi tiếng như Callas yêu là một vinh dự cho mình, ông mê vòng hào quang trên người Callas nhưng lại phản đối Callas tiếp tục biểu diễn. “Tôi đã có biết bao nhiêu tiền của rồi, cớ sao em lại còn muốn ca hát ?” – Onassis bảo Callas.

Đời sống nghệ thuật của Callas khô héo dần sau một thời gian dài xa rời sân khấu. Năm 1964, Callas bắt đầu thất vọng với tình yêu của Onassis, nhưng khi bà trở lại nghề cũ thì khán giả chỉ đáp lại bằng những tiếng “xuỳ” chứ không phải bằng tiếng vỗ tay như trước kia. Năm sau, một lần Callas bị ngất đi trên sân khấu khi đang biểu diễn vở ca kịch “tủ” của mình – vở “Tosca”.

Cuộc đời nghệ thuật của Callas có lẽ đã chấm hết, song, nỗi buồn này chưa qua thì nỗi đau khác đã đến : tỷ phú Onassis khám phá được một thứ “đồ trang sức” sáng giá hơn nhiều – vợ goá cố Tổng thống Kennedy là Jacqueline.

Năm 1968, sau chín năm chung sống với nhau, Onassis hất Callas ra rìa và cưới Jacqueline trong một hôn lễ sang trọng làm cả thế giới lác mắt.

Suốt đời cô đơn

Callas năm 1965

Cho tới chết, Callas vẫn yêu nhà tỷ phú Hy Lạp hào hoa. Khi Onassis mắc bạo bệnh qua đời vào tháng 3 năm 1975, Callas nói : “Bây giờ thì chẳng còn thứ gì có ý nghĩa với tôi nữa !”

Bà tới Paris sống ẩn dật, suốt ngày làm bạn với rượu. Ai ngờ bây giờ bà lại sống như những nhân vật nữ chính trong các vở bi kịch bà từng diễn.

Trong “Tosca”, vở opera đầu tiên và cuối cùng Maria Callas diễn trong đời mình, ca sĩ Tosca – nhân vật chính vở ca kịch này – có câu hát : “Tôi sống vì nghệ thuật, tôi sống vì tình yêu… Tại sao Thượng Đế lại tàn nhẫn vứt bỏ tôi?” 

Ai ngờ đó cũng chính là số phận của Nữ hoàng opera Maria Callas.

Ngày 16/9/1977, những người hàng xóm phát hiện thấy Maria Callas chết trong căn hộ của mình tại Paris. Ngôi sao opera số một thế giới ra đi ở tuổi quá trẻ (54), xung quanh không một người thân hoặc bạn bè, mặc dù bao năm qua, bà là thần tượng của hàng triệu khán giả sân khấu ca kịch khắp năm châu. Kết quả khám tử thi cho thấy, bà chết do bị nhồi máu cơ tim, thế nhưng, nhiều người quen biết Callas lại cho rằng, bà chết vì không chịu nổi sự hành hạ của nỗi cô đơn.

“Mất Maria Callas, giới ca kịch sẽ khác đi nhiều !” – báo chí bình luận. Đúng vậy, Callas là nữ diễn viên có ảnh hưởng nhất trên sân khấu ca kịch thế kỷ XX. Nhiều chục năm đã trôi qua, khán giả opera khắp năm châu giờ đây vẫn chưa thể quên giọng ca thiên thần và các vai diễn để lại ấn tượng khó phai mờ của Callas. Giọng nữ cao của bà mãi mãi lưu lại trong sử sách nghệ thuật.

Từ điển mạng Wikipedia viết : Maria Callas là người Mỹ gốc Hy Lạp, soprano (ca sĩ giọng nữ cao) sân khấu opera nổi tiếng nhất thế giới thế kỷ XX.

Pavarotti, nam ca sĩ vĩ đại của thế kỷ XX, người sở hữu giọng tenor (giọng nam cao) lừng danh thế giới vừa qua đời hôm 6/9/2007, từng tâm sự : “Sự nghiệp ca hát của tôi chưa trọn vẹn vì tôi chưa một lần đứng trên sân khấu cùng Maria Callas”. Câu nói ấy đủ cho thấy vai trò to lớn của Callas trên sân khấu ca nhạc toàn cầu.

Nguyên Hải – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *