Bên bờ hạnh phúc

Những đóa hoa hồng, chiếc lá xanh, đôi thiên nga trắng muốt được gọt tỉa tỷ mỷ bằng các thứ rau củ. Chính những chi tiết tạo nên những nét chấm phá cho món ăn thêm phần đặc sắc.

Để trang trí trên món ăn, phương pháp tỉa rau củ truyền thống thường dùng đu đủ xanh là chất liệu chính để tạo hình các loại hoa lá. Ngày nay, hầu hết các loại rau củ đều được sử dụng để cắt tỉa. Với sự tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân đã phát triển từ những phương pháp tạo hình hoa lá sang các loại thú và hướng đến một bước cao hơn trong nghệ thuật là cắt tỉa được hình người.

Những tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc gồm nhóm thiếu nữ ba miền, nữ thần tình yêu, thằng Bờm… Những hình tượng có màu xanh ngọc của su hào, đỏ cam của cà rốt, trắng cẩm thạch của củ cải… Cái khó của cách tạo hình này là luôn bị bó buộc trong giới hạn của hình dạng củ mà người tỉa đang sử dụng. Tuy nhiên, đối với những hình dạng phức tạp có thể dùng các củ để ghép lại. Đồng thời, với nhu cầu của những buổi chiêu đãi, nhất là các loại tiệc đứng ngày càng trở nên phổ biến ở thành phố, để phục vụ cho những bàn tiệc dài với những khay thức ăn xen kẽ những khay đồ chua, rau củ, những mô hình bằng hoa, trái, rau củ được bố trí sao cho khung cảnh buổi tiệc trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Thực khách có thể dừng ở đĩa này để gắp vài miếng chả phụng, cạnh bên là mô hình long phụng được kết bằng trái cây như để minh họa. Chỗ kia là đàn thiên nga đang nhởn nhơ bơi lội cạnh vách núi làm bằng những củ khoai mỡ đen đủi, sần sùi. Để tạo được những mô hình hoàn mỹ theo một ý tưởng nào đó, người thực hiện phải kết hợp nghệ thuật cắm hoa, kết thú trái cây và tỉa rau củ sao cho thật nhuần nhuyễn, hài hòa. Tất cả như toát lên cái vẻ đẹp của đời sống, của thiên nhiên qua sự kết hợp này.

Ăn uống là thẩm mỹ. Do đó, món ăn phải ngon, đẹp. Càng nhìn càng ngắm, càng thích thú. Muốn nếm thử nhưng nửa lại tiếc, sợ uổng đi cái tác phẩm công phu, tỷ mỷ nhưng đầy sáng tạo và đẹp tuyệt vời của người đầu bếp. Đó chính là cái đẹp đích thực của nghệ thuật nấu ăn – phần thưởng tinh thần mà người nghệ nhân được vinh dự nhận lãnh.

Ngọc Thu – SGTT Xuân Đinh Dậu 1997 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *