Bên bờ hạnh phúc

Từ một trò chơi giải trí ngày xuân làm xôm tụ không khí hội chợ hay phổ biến ở các miền quê Nam bộ theo các đoàn lô tô rong ruổi mưu sinh, lần đầu tiên lô tô lên sóng truyền hình trong game show thuần Việt.

 

Đoàn Sài Gòn Tân Thời trong chương trình

 

Khi Lô tô show – Gánh hát ngàn hoa phát sóng được 3 tập trên Đài THVL1 thì “ngoài đời”, lịch diễn mùa tết này của các đoàn lô tô cũng nhộn nhịp hơn. Theo trưởng đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời Lâm Quốc Khải (nghệ danh Lộ Lộ): “Tụi em chạy show gần như kín lịch, từ các sự kiện tất niên ở TP.HCM đến nhận show ở Cần Thơ dịp tết, rồi quay trở lại Sân khấu Rubik Zoo quen thuộc của đoàn ở Thảo Cầm Viên, TP.HCM từ mùng 6 tết, và đến tháng 3 tới thì đoàn được mời sang Đài Loan lần thứ 2 để diễn trong chương trình giao lưu văn hóa”. Trong khi đó, nghệ sĩ Tố Quyên của đoàn Mạnh Quyên (đoàn duy nhất thuộc biên chế nhà nước của tỉnh Khánh Hòa) xúc động chia sẻ: “Rất hạnh phúc khi đi chợ huyện hay ra chợ thành phố đều được bà con nhận ra: Ồ, mới thấy chị diễn trên truyền hình nè…”.

Bao nhiêu con số bấy nhiêu cái tình

Dành 2 năm để thực hiện, với sự tham gia của 5 đoàn lô tô: Mạnh Quyên, Dòng Thời Gian, Phương Anh, Hương Nam và Sài Gòn Tân Thời, chương trình Lô tô show lên sóng đã mang đến món ăn tinh thần vừa quen thuộc (đặc biệt với khán giả miền Tây) mà cũng đầy mới mẻ.
Trên sân khấu, các thành viên trong từng đoàn lô tô đã mang đến những tiết mục nhiều cảm xúc, vừa mang màu sắc riêng vừa chia sẻ chuyện đời chuyện nghề của “gánh hát ngàn hoa”. Đó là Dòng Thời Gian cùng câu chuyện về cái tình của sự tiếp nối 2 thế hệ trong đoàn lô tô. Khán giả không khỏi xúc động với đoạn phóng sự giới thiệu về các thành viên của đoàn qua những hoàn cảnh thăng trầm khác nhau, như trưởng đoàn BB Phụng với hơn 20 năm theo nghiệp hát lô tô, đã quy tụ các thành viên lại để tham gia chương trình với mong muốn có một kỷ niệm cho nhóm; là Nini An từng rất suy sụp khi 3 năm trước bị hoại tử vú phải cắt bỏ, sau khi chữa trị, cô nhớ sân khấu và lại tiếp tục cùng các chị em Dòng Thời Gian mang đến niềm vui qua tiếng hát, con số… Hay Mạnh Quyên với tiết mục Tình thân, vừa dự thi mà cũng thể hiện nỗi niềm của các cá nhân trong đoàn: hy sinh những riêng tư để ở lại cùng nhau. Hoặc Hương Nam – đoàn có tuổi đời khá trẻ, trong đó có một số diễn viên ít nhiều được khán giả truyền hình biết đến qua các game show, giới thiệu tiết mục về tình chị em, qua câu chuyện giành bãi đất của 2 chủ đoàn lô tô…
 
 
Theo nghệ sĩ BB Phụng, để trở thành nghệ sĩ gọi lô tô, phải trải qua các khâu từ công việc đầu tiên là bán vé, dọn bến, bưng từng tấm tôn dựng sân khấu…; lên sân khấu phải hát sao cho tròn trịa, cho hay và phải có duyên nữa; hát phải có tư duy và chịu khó học hỏi để mang đến sự mới lạ, hấp dẫn cho khán giả. Và như tâm sự của Lộ Lộ: “Từ những người gọi lô tô trên sân khấu nghiệp dư, sân khấu “dã chiến” dựng trên những bãi đất trống, nay chúng tôi đã được bước lên sân khấu truyền hình. Đó là sự hãnh diện rất lớn, bởi qua những vòng quay, những câu chuyện được chia sẻ, chúng tôi hy vọng đời sống của mình được thay đổi, không chỉ là thu nhập mà quan trọng hơn là định kiến của khán giả đối với mình”.

Đưa sự công bằng, bình đẳng lên sân khấu

Thưởng thức Lô tô show, hẳn không ít khán giả sẽ liên tưởng đến bộ phim Bậc thầy của những ước mơ (phim ca nhạc của Mỹ, do Michael Gracey đạo diễn, từng chiếu ở VN hồi cuối năm 2017) khi nhân vật chính trong tác phẩm điện ảnh này từng là người thất bại, đã tập hợp những người có ngoại hình kỳ dị, bị xã hội xa lánh và tưởng chừng không thể bước lên sân khấu để tham gia màn trình diễn chưa từng có… Theo tổng đạo diễn chương trình Vũ Thành Vinh, có thể lô tô không được công nhận là nghệ thuật, nhưng khán giả và nhất là những người có thể đồng cảm, thấu hiểu hẳn sẽ ghi nhận một điều: chương trình đã mang sự công bằng, bình đẳng lên sân khấu.
Tham gia show với vai trò giám khảo, ca sĩ Phương Thanh chia sẻ: “Từ khi là người của công chúng, tôi cũng từng rong ruổi các tỉnh miền Tây và gặp gỡ rất nhiều đoàn lô tô. Tôi chỉ biết nói rằng rất thương quý các bạn, vì cũng hát, cũng biểu diễn, mang đến niềm vui cho mọi người nhưng cơ hội để tỏa sáng trên sân khấu của các bạn rất thiếu”. Theo dõi các nghệ sĩ từ ghế nóng, nghệ sĩ Kiều Oanh “tin rằng với sự hiểu biết, kinh nghiệm bấy lâu của các đoàn lô tô, cộng thêm sự đầu tư trong quá trình thi thố cũng như thể hiện mình trên sân khấu truyền hình, lô tô sẽ được nhìn nhận với góc độ khác, sang trọng và tài năng”.
Chưa có tài liệu nào nói rõ nguồn gốc của lô tô ở VN, song theo Wikipedia, lô tô có nguồn gốc từ trò chơi bingo của Ý, ra đời vào thế kỷ 16. Trò chơi này sau đó du nhập vào Anh, Pháp và các nước khác của châu Âu vào thế kỷ 18. Ở Pháp, trò chơi được biết đến với tên Le Lotto (hoặc Loto) và là trò chơi của giới quý tộc… Nguồn gốc phiên bản hiện đại của trò chơi tuy không rõ ràng nhưng xuất hiện đầu tiên tại các lễ hội carnival và hội chợ vào những năm 1920. Tại VN, trò chơi này thịnh hành từ những năm 1980 ở các tỉnh miền Tây. Trong một buổi giao lưu tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, cố GS Trần Văn Khê từng chia sẻ, lô tô không chỉ là trò chơi giải trí cởi mở, vui vẻ mà còn có tính nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Việt, góp phần lưu truyền và gìn giữ ca dao, tục ngữ, nét văn hóa dân gian của dân tộc.
Nguồn: Nguyên Vân ( TNO )

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *