Bên bờ hạnh phúc

Từ giữa thập niên 1950, nước Nhật bước vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ từ đống đổ nát sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Đây cũng là thời điểm chứng kiến sự bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và kiến trúc đô thị tại Nhật Bản. Tange đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc tái thiết đất nước qua hàng loạt công trình mang tính tiên phong cho nền kiến trúc hiện đại.

Tòa nhà Văn phòng Chính quyền tỉnh Kagawa hoàn tất năm 1958 dựa trên thiết kế của Tange. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc truyền thống trong một công trình hiện đại. Điểm nổi bật của công trình 8 tầng này là sự hiện diện của vô số cột và xà ngang nâng đỡ có thể được nhìn thấy từ bên ngoài.

Tòa nhà Văn phòng Chính quyền tỉnh Kagawa

 

Ý tưởng thiết kế của Tange lấy cảm hứng từ phong cách xây dựng các ngôi chùa ở Nhật, điển hình là chùa Todaiji ở thành phố Nara. Mặc dù trông có vẻ giống các tòa nhà gỗ truyền thống nhưng công trình bê tông cốt thép này vẫn toát lên vẻ hiện đại. Tồn tại hơn 50 năm, nhưng Tòa nhà Văn phòng chính quyền tỉnh Kagawa vẫn giữ nguyên nét quyến rũ ban đầu của nó.

Cân bằng giữa phong cách kiến trúc cổ xưa và hiện đại, tòa nhà được đánh giá là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của lịch sử kiến trúc Nhật Bản. Theo sau công trình này, Tange còn cho ra đời hàng loạt sáng tác khác cũng nổi tiếng không kém.

Năm 1959, chính quyền Nhật Bản phát động cuộc thi thiết kế sân vận động có mái che để phục vụ cho Olympic Tokyo 1964. Lúc này, Tange đang dốc sức cho luận án tiến sĩ với đề tài “Cấu trúc không gian trong một đô thị lớn”. Trong đó, ông diễn giải cấu trúc đô thị có thể phát triển và thay đổi tùy thuộc vào nền kinh tế và sự tác động của con người.

Thập niên 1960, nền kinh tế Nhật Bản bước vào thời kỳ tăng trưởng thần tốc. Đề cập đến giai đoạn này, Tange cho biết, ông cảm thấy rất may mắn được thấy sự chuyển mình của Nhật Bản từ đống tro tàn của chiến tranh đến sự phồn thịnh. Tự coi mình đã có nhiều đặc ân, ông đã đền đáp đặc ân đó bằng cách thực hiện hàng loạt dự án mà theo ông, mỗi dự án trước là một bước đệm cho dự án tiếp theo. Bởi lẽ đó, Tange đã tham gia hầu như tất cả các cuộc thi liên quan đến kiến trúc quan trọng của đất nước. Ý tưởng dành cho sân vận động Olympic của ông xuất phát từ kỹ thuật thiết kế phần mái của mô hình khu phức hợp “Cung điện Xô viết”. Mục tiêu của ông là tạo ra một công trình thể thao ấn tượng nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

Nhà thi đấu quốc gia Yoyogi

 

Do Nhật Bản là quốc gia của Thần Đạo nên công trình được mô phỏng theo mái đền cổ kính. Theo trình bày của Tange, phần mái của tòa kiến trúc sẽ được xây dựng thông qua một hệ thống treo. Tange đã hoàn tất bản thiết kế vào năm 1961 và dự án của ông đã được chấp thuận. Ngay sau đó, công trình được tiến hành xây dựng. Vì là dự án trọng điểm thể hiện bộ mặt của Nhật Bản trước bạn bè thế giới nên công trình rất được chính phủ quan tâm.

Trong thiết kế này, Tange cho xây dựng 2 cột bê tông chính ở 2 đầu của tòa nhà đóng vai trò nâng đỡ mạng lưới thép che phần mái của công trình. Toàn bộ mái nhà có dạng cong, giúp bảo vệ tòa nhà khỏi tác động của gió lớn và giông tố. Vào thời điểm này, công trình là kiến trúc mái treo lớn nhất trên thế giới.

Với tên gọi “Nhà thi đấu quốc gia Yoyogi”, công trình được hoàn tất vào năm 1964. Nó là một sân vận động khổng lồ được đặt bên trong công viên Yoyogi của thủ đô Tokyo. Chính thiết kế này đã gợi cảm hứng để kiến trúc sư người Đức Frei Otto vẽ đồ án cho công trình sân vận động sử dụng trong thế vận hội Mùa hè năm 1972 tại Munich.

Tange đã giành giải thưởng kiến trúc danh giá Pritzker với thiết kế này

 

Nhà thi đấu của sân vận động có sức chứa lên đến 16.000 người. Hiện nay, sân vận động chủ yếu được dùng cho các cuộc thi bóng rổ, tổ chức hòa nhạc hoặc triển lãm. Tuy nhiên, mục đích ban đầu của công trình là dùng làm nơi tổ chức các cuộc thi bơi lội trong Olympic Tokyo 1964.

Về phần tác giả của công trình, Tange đã giành giải thưởng kiến trúc danh giá Pritzker cho thiết kế này. Tác phẩm của ông được đánh giá là một trong số những tòa nhà đẹp nhất của thế kỷ XX. Công trình cũng đã giúp đưa tên tuổi của Tange Kenzo vào danh sách những kiến trúc sư hiện đại hàng đầu thế giới.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *