Bên bờ hạnh phúc

Sau nhiều năm ứng phó với khó khăn trong vấn đề tiêu thụ nông sản, hiện nay, đa số bà con nông dân đã ý thức rằng, GAP rất quan trọng. Và ở một số nơi, nông dân tham gia chương trình VietGap hoặc GlobalGap với tinh thần tự nguyện rất cao.

Bưởi da xanh đạt chuẩn GAP được đóng gói, mang đi xuất khẩu. Ảnh minh họa

Là đơn vị thứ hai tại Bến Tre được trao chứng nhận VietGap về đặc sản bưởi da xanh, hiện nay, những hộ xã viên của Hợp tác xã Mỹ Thạnh An, thuộc Thành phố Bến Tre rất phấn khởi với kết quả bước đầu đạt được. Giờ đây, sản phẩm của HTX có đủ khả năng để đến với những thị trường lớn hơn, khó tính hơn.

Anh Lê Thanh Bằng, ở xã Phú Nhuận, Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre hiện là xã viên của HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An và cũng là thành viên của tổ VietGap. Trước đây, trên vườn bười của gia đình, anh cũng canh tác theo lối truyền thống, nghĩa là phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Hai năm nay, nhờ tiếp cận với chương trình canh tác mới – VietGap, năng suất của vườn bưởi được nâng lên rõ rệt.

Qua theo dõi của gia đình anh Bằng, sau khi thực hiện VietGap, năng suất tăng lên gần 1 tấn so với trước, chi phí lại thấp hơn từ 4 – 5 lần, đồng thời bán được giá cao hơn bên ngoài. Tính ra, vườn bưởi theo tiêu chuẩn Gap cho lợi nhuận tăng thêm vài chục triệu đồng mỗi năm.

Với hiệu quả bước mà chương trình Gap mang lại, những hộ trong HTX đều mong chương trình được duy trì lâu hơn để họ có cơ hội làm ăn theo hướng mới, được đem trái cây đặc sản của mình hội nhập với thị trường lớn hơn và khó tính hơn.

Hợp tác xã bưởi da xanh Mỹ Thạnh An được thành lập từ tháng 6/2003, với trên 50 xã viên là những hộ trồng bưởi của các xã phía Nam Thành phố Bến Tre như: Nhơn Thạnh, Phú Nhuận và Mỹ Thạnh An. Tuy nhiên, sau thời gian thành lập, HTX này hoạt động không hiệu quả và phải trải qua nhiều lần đại hội bầu ban chủ nhiệm mới, có lúc tưởng chừng đã phải giải thể.

Đến năm 2009, khi anh Lê Tân Kỳ được bầu làm quyền chủ nhiệm HTX và bắt tay thực hiện chương trình VietGap thì HTX mới có dấu hiệu hồi sinh. Ban đầu, HTX nằm trên địa bàn xã Mỹ Thạnh An nhưng sau này dời về địa bàn xã Phú Nhuận.

Anh Kỳ cho biết, trong suốt gần 2 năm triển khai thực hiện, Ban chủ nhiệm HTX gặp không ít khó khăn nhưng với tình thần quyết tâm cao, lòng nhiệt tình của những người tham gia chương trình, dần dần bà con xã viên cũng chấp nhận phương cách làm ăn mới này. Đến ngày 24/5/2011, gần 7,3 ha bưởi của HTX được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng III trao giấy chứng nhận VietGap. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho Ban chủ nhiệm để đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là với các siêu thị và nước ngoài.

Khi nói về kinh nghiệm, Ban chủ nhiệm HTX cho rằng, để đi đến thành công trong việc làm ăn tập thể với nông dân phải giải quyết triệt để vấn đề đầu ra. Nghĩa là phải mua tận gốc, bán tận ngọn, chứ không chỉ mua hàng tốt, bỏ lại hàng xấu. Vì thế, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, anh Lê Tân Kỳ đã đi khắp nơi để tìm đối tác. Sau đó, anh ký được hợp đồng dài hạn với siêu thị Big C và trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho hệ thống này trên 10 tấn bưởi da xanh chất lượng cao. Ngoài ra, anh còn bắt tay liên hệ với các chợ đầu mối khác để tiêu thụ hàng cấp thấp, giải quyết toàn bộ số lượng hàng của bà con.

Nhiều chuyên gia đã nói rằng, GAP là con đường để nhà nông hội nhập. Thực tiễn sản xuất nhiều năm qua đã chứng minh điều đó. Gap là một giấy thông hành hiệu quả để nông sản của bà con đến với các siêu thị và thị trường quốc tế.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *