Bên bờ hạnh phúc

Đua ghe Ngo là một trong những một bộ môn thể thao cổ truyền không thể thiếu trong lễ hội OK OM BOK của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức thường niên vào ngày 15/ 10 âm lịch. Ghe Ngo là một vật linh thiêng biểu tượng cho sự thịnh vượng của phum sóc.

Để tạo tác ra những chiếc ghe ngo thì ngoài khéo tay, người thợ còn phải am hiểu về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Và anh Lý Phát Đạt ngụ ấp Tam Sóc B, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng là một trong những người thợ vẽ hoa văn ghe Ngo và điêu khắc trang trí có tay nghề nổi bật nhất ở địa phương. Sinh ra vốn đã không lành lặn như bao người, 1 chân teo nhỏ do di chứng da cam, nhưng từ nhỏ anh Đạt đã đến với nghề vẽ hoa văn trang trí, như là cách tìm thấy lẽ sống của cuộc đời, để tự tin rằng mình tuy tàn nhưng không phế.

Từ những bức phù điêu đến hoa văn trang trí trên tường tất cả đều không làm khó được đôi bàn tay tài hoa của anh Đạt sau 10 năm kiên trì luyện vẽ. Chính vì sự khéo léo đó mà  năm 2014 anh Đạt là một trong số những người thợ lành nghề được nhà chùa Tam Sóc cử ra Hà Nội trùng tu chiếc ghe Ngo thi đấu nổi tiếng, được trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Trở về từ Hà Nội, anh Đạt như tìm được niềm say mê từ những mảnh ván gỗ, hoạ tiết, hoa văn trên chiếc ghe đặc trưng của phum sóc. Mong muốn mang nét văn hóa độc đáo của người Khmer đến bạn bè khắp nơi, vì vậy anh đã bắt tay vào nghiên cứu cách làm mô hình ghe ngo lưu niệm. Tuy không ai chỉ dẫn, chỉ dựa vào mẫu duy nhất là chiếc ghe Ngo nhỏ mà người anh 2 qua đời để lại, qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng nhờ kiên trì, anh Đạt đã tạo được mô hình ghe Ngo đạt đến độ tinh xảo, lưu giữ được linh hồn dân tộc qua từng đường nét tài hoa.

Tuy làm hoàn toàn bằng thủ công nhưng nhờ yêu thích thể loại này nên ngoài ghe Ngo lưu niệm, anh Đạt còn điêu khắc những đồ dùng bằng gỗ như khay đựng trầu cau… và  đóng cả tủ, bàn, ghế, làm nghề mộc…

Thế nhưng 1 chân teo nhỏ di chuyển khó khăn, cộng thêm sự thiếu thốn dụng cụ làm nghề khiến số lượng sản phẩm anh Đạt làm ra vô cùng ít ỏi. Cha mẹ mất sớm, ở tuổi 45 anh Đạt chẳng dám mơ về một tổ ấm  của riêng mình, chỉ mong phần cơ thể lành lặn còn lại đủ vững vàng để anh có thể lo lắng cho chị gái là chị Lý‎ Thị Ngọc. Chị Ngọc 60 tuổi không chồng con, mắc bệnh động kinh và tim bẩm sinh, giờ đây chỉ còn cách nương nhờ vào người em trai khuyết tật. Thế nhưng bản thân anh Đạt sức khỏe cũng đang yếu dần, một chân còn lại cũng thường xuyên đau nhức vì vậy câu chuyện mưu sinh của người thợ khuyết tật nghèo càng thêm trắc trở…

Để mô hình ghe ngo đảm bảo được độ bền đẹp, anh Đạt phải chăm chút từ khâu chọn gỗ. Loại gỗ tốt nhất dùng để làm ghe là cây Quao vì độ nhẹ, bền và khả năng dễ uốn nắn, tạo hình.

Bắt đầu làm mô hình ghe ngo, anh Đạt phải trải qua các bước như: lên khung ghe, lắp ráp chi tiết vào thân ghe, bào nhẵn lớp vỏ để hoàn thiện – tất cả các công đoạn đều được thực hiện bằng tay.

Sau khi gắn các mái chèo vào lòng ghe, thì khâu tạo hình cho chiếc ghe ngo thu nhỏ cũng đã xong, người thợ bước sang công đoạn cuối cũng là công đoạn quan trọng nhất – vẽ hoa văn. Hoa văn được chọn vẽ lên thân ghe là những mẫu hoạ tiết  sóng biển, rồng, sư tử, các vị thần và nhiều loại hoa văn khác mang nét đặc trưng, biểu tượng cho nét văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer. Không chỉ 1 mà  có nhiều lớp hoa văn đan xen vào nhau, đòi hỏi người thợ phải thật cẩn thận, tỉ mỉ về am tường về phối màu, để sản phẩm làm ra sinh động và hài hòa.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Lý Phát Đạt, ấp Tam Sóc B, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Thanh Vi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *