Bên bờ hạnh phúc

Bất kể sân khấu lớn hay nhỏ, trong nhà hay ngoài trời, giờ muốn nghe “sao” hát thì phải chi… bạc triệu mới có được tấm vé vào cửa.

Với cái giá trên trời như vậy, những người “chịu chơi” là chuyện bình thường, với những người bình thường là chuyện không tưởng, còn với nhà tổ chức lại là chuyện… “vạn bất đắc dĩ”.

Sao “nội” giá vé “ngoại”

Cách đây 6 năm, nhạc sĩ Phú Quang đã làm khán giả lẫn giới trong nghề tròn mắt khi đưa ra mức 1 triệu đồng/cặp vé xem đêm nhạc kỷ niệm 40 năm sự nghiệp sáng tác của mình. Dĩ nhiên đi kèm theo đó là một số đặc lợi hạng Vip như: được chiêu đãi cocktail, được tặng một cuốn sách, một cái đĩa CD tập hợp 10 tình khúc hay nhất của ông. 

 
Mỹ Tâm đã phải giảm giá vé khi mang liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát ra Hà Nội

 

 Đến chương trình gần đây nhất diễn ra đầu năm 2011 vừa rồi, vé xem đêm nhạc Phú Quang tuy “đội” lên gấp đôi, gấp ba song chẳng ai ngạc nhiên bởi nó chưa nhằm nhò gì so với mặt bằng giá vé nhiều chương trình ca nhạc khác. Giờ thì cứ show diễn lớn nào có “sao”, bất kể là “sao” nội hay “sao” ngoại, “sao” mới nổi hay “sao” đã qua thời “hot” nhất thì giá vé cũng phải cao chót vót, dắt lưng vài ba triệu may ra mới có cơ hội vào xem.

Giữ kỷ lục khủng nhất về giá vé trong số đó phải kể đến Mr Đàm khi anh được xem là “ngôi sao” nội đầu tiên bán vé… giá ngoại khi tung ra mức vé VIP tới 500 USD/vé cho đêm “Dạ tiệc trắng 3” cách đây ít lâu với ưu đãi cũng rất… ngoại, từ rượu hảo hạng đến sôcôla đặc biệt mang từ Mỹ về và cả bình hoa cắm tên người mua vé. Giá “trên trời” là thế mà nghe đâu cũng “cháy vé” từ cả tháng trước khi show diễn khai màn, như lời chủ nhân chương trình thì anh đã phải rất đau đầu và khó xử khi liên tiếp nhận được những lời hỏi vé còn không.

Cùng diện “sao” như Mr Đàm, vé xem liveshow của nữ ca sĩ Mỹ Tâm được xem là đỡ “sốc” hơn nhưng cũng dao động 2,5 – 3,5 triệu đồng/vé. Ấy là còn chưa kể, khi mang liveshow này từ TP.HCM ra Hà Nội, “họa mi tóc nâu” đã phải bỏ bớt đi phần tiệc bên lề đêm diễn để giảm giá xuống 1,5 triệu đồng/vé cho phù hợp với túi tiền người xem mà nhiều “fan” ruột của cô ở đây vẫn cứ phải ngậm ngùi đứng từ xa.

Không riêng gì giá vé xem ca nhạc tăng, song điều đáng nói là trong khi vé lưu hành ở các loại hình giải trí khác chỉ tịnh tiến dần dần như giá vé kịch từ 90.000 lên đến 130.000 đồng/vé hay vé xem phim từ 60.000 lên đến 140.000 đồng/vé thì giá vé xem ca nhạc lại nhảy vọt từ vài trăm lên tới… vài triệu. Điều này khiến các chương trình ca nhạc ngày càng khu biệt người xem khi gần như chỉ dành cho những người có tiền và “chịu chơi”.

Giá vé cao vẫn lao đao bù lỗ

 
Quang Dũng với ca khúc “Điều giản dị” và “Khúc mưa” trong đêm nhạc Phú Quang diễn ra tối 17-4 tại Nhà hát Hòa Bình, TP. HCM

 

 Không chỉ các chương trình ca nhạc lớn mà ngay cả giá vé ở các đêm diễn nhỏ lẻ như các phòng trà cũng leo thang… chóng mặt. Đi nghe các “ngôi sao” hát ở phòng trà bây giờ cũng phải hòm hòm một hai triệu mang theo bởi được biết phụ thu của các đêm diễn này luôn dao động ở mức 500.000 – 1.000.000 đồng/người, chưa kể giá đồ uống. Nói như lời ca sĩ Ánh Tuyết thì có lẽ chỉ có phòng trà ATB (TP.HCM) của chị là còn giữ mức phụ thu “lỗi thời” và “chấp nhận lỗ” 120.000 đồng/người. Và lý do chính khiến chị cắn răng chấp nhận lỗ là bởi đối tượng chính đến với ATB để nghe nhạc xưa chủ yếu là những người trung tuổi và thu nhập thì có hạn.

Cao ngất ngưỡng mọi chốn mọi nơi là thế song không phải chương trình nào cũng đem lại món hời cho nhà tổ chức mà ngược lại còn khiến các đơn vị này lao đao… bù lỗ. Như tiết lộ của một “bầu sô” có tiếng thì đôi khi nhiều chương trình “hét” giá vé cao song chỉ là giá “ảo” để đánh bóng tên tuổi cho cả người nghệ sĩ lẫn nhà tổ chức chứ thực ra chương trình đã có đơn vị tài trợ bao thầu trọn gói một số lượng vé nhất định ngay từ đầu rồi và những chiếc vé giá VIP này ít được bán xé lẻ ngoài thị trường. Thế nên mới có chuyện liveshow đầu tư tiền tỷ nhưng doanh thu cũng chỉ vài trăm triệu đồng. Đó là còn chưa kể nhiều trường hợp giá vé cao nhưng chất lượng chương trình lại chỉ ở mức trung bình.

Thời buổi giá cả tăng mà trong đó chi phí đáng kể nhất lại không nằm ở cát sê của “sao” hay chi phí cho các yếu tố nghệ thuật liên quan đến chương trình mà lại nằm ở giá thuê địa điểm. Theo tìm hiểu được biết để có được những địa điểm “đắc địa” thì các nhà tổ chức cũng phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ, như giá thuê Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội một đêm diễn vào khoảng 2.000USD, còn như Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì dao động từ 500-700 triệu đồng.

Giá thuê này không cố định mà tỷ lệ thuận với doanh thu vé của chương trình, nên giá vé càng cao thì giá thuê địa điểm càng ngất ngưởng. Cùng với đó, đơn vị tổ chức cũng phải trả một khoản phí tác quyền ca khúc không nhỏ mà mức phí này cũng lại đang trên đà… tăng vùn vụt. Riêng các chương trình hải ngoại, việc chi trả cát sê cho nghệ sĩ được tính bằng tiền “đô” mà giá đô lại lên xuống thất thường nên nhà tổ chức buộc phải chọn giải pháp an toàn nhất cho mình là đẩy giá vé lên cao. Bởi thế mà các chương trình ca nhạc cứ đua nhau tung ra mức giá trên trời và việc đến rạp xem ca nhạc với nhiều người vẫn là giấc mơ không tưởng.

Theo ANGT, tintuconline
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *