Bên bờ hạnh phúc

Đã 40 năm kể từ ngày ca sĩ Lan Ngọc chính thức bước lên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, tên tuổi của chị gắn liền với những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với chất giọng đặc biệt khàn khàn trầm bổng, chị đã chinh phục khán giả bằng nguồn cảm xúc đầy đặc và mang nhiều ấn tượng qua từng ca khúc.

Lan Ngọc sinh năm 1948 tại Hà Nội, hiện ở tại TPHCM. Chị là một trong những thành viên nhóm "Những người bạn" cùng với các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện.

"Những người bạn" đã khởi xướng chương trình "Nhạc Việt cho người" cổ vũ cho lòng yêu mến và trân trọng ca khúc Việt.

Thành danh với những ca khúc tiền chiến

Xin hỏi chị có bí quyết gì mà luôn giữ được sự trẻ trung, xinh đẹp như vậy?

Tôi hạnh phúc vì đã làm được những gì mà mình yêu thích, đam mê. Song song đó là có một mái ấm gia đình an nhàn, bình lặng, hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà lúc nào tôi cũng yêu đời, yêu người

Cho đến bây giờ, khán giả vẫn quen thuộc với một nữ ca sĩ Lan Ngọc xuất hiện trên sân khấu với một tà áo dài, hình như đó cũng là ý thích của chị?

Bạn bè và những ca sĩ cùng thời với tôi ngày ấy đều rất chuộng mặc áo dài. Riêng tôi, mặc chiếc áo dài vừa lịch sự lại vừa phù hợp với những ca khúc mà tôi trình bày. Nhân câu hỏi này, tôi cũng có lời khuyên đối với các ca sĩ trẻ: Trong vấn đề trang phục khi bước ra sân khấu, mình phải biết tôn trọng khán giả. Nhiều ca sĩ ra hát một đằng mà ăn mặc một nẻo chẳng những làm "hỏng" ca khúc mình trình bày mà còn gây phản cảm, khó chịu cho khán giả.

Chị bắt đầu với sự nghiệp ca hát như thế nào và theo đuổi dòng nhạc nào?

Nhà tôi không có ai theo nghệ thuật cả, nhưng ba tôi thì rất thích sưu tầm những bản nhạc tiền chiến bất hủ. Năm 1954, tôi theo gia đình vào Sài Gòn, thấy tôi có năng khiếu ca hát nên ba mẹ đã cho theo học lớp thanh nhạc do vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Phát – Minh Diệu giảng dạy. Đầu năm 1968, nhân dịp cả lớp nhạc đến nhà hàng Vân Cảnh dự liên hoan văn nghệ, tôi được nhạc sĩ Huỳnh Anh chú ý và chính thức mời đi hát. Lúc đầu, ba mẹ tôi đắn đo lắm, truyền thống gia đình là nề nếp, học hành, ông bà sợ con gái mình sẽ mang tiếng "xướng ca vô loài". Nhưng rồi thấy tôi đam mê quá nên ông bà phải cắn răng chấp nhận. Tôi chủ yếu thể hiện những ca khúc nhạc tiền chiến: Tảo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay, Nụ cười sơn cước, Biệt ly, Nghệ sĩ với cây đàn, Đàn chim việt, Tà áo xanh, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu…

"Duyên nợ" với nhạc Trịnh

Hình như tất cả những chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn đều không bao giờ thiếu vắng chị?

 

Ngày mới bước chân vào con đường ca hát, tôi rất mê dòng nhạc tiền chiến. Rồi sau đó, tôi đến với những ca khúc Trịnh Công Sơn: Như cánh vạc bay, Cuối cùng cho một tình yêu… Một lần tình cờ gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh nói: "Em hát nhạc của anh được lắm". Cũng từ lời khuyến khích đó mà tôi có động lực hát nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn hơn: Mênh mông Đồng Tháp, Hoa sơn ca, Vẫn có em bên đời, Huyền thoại mẹ…

Năm 1998, để kỷ niệm 30 năm ca hát của mình, tôi đã phối hợp với Sài Gòn Audio thực hiện cùng lúc hai CD: Một CD nhạc tiền chiến Tà áo xanh gồm hầu hết các ca khúc của các nhạc sĩ Dzoãn Mẫn, Nguyễn Anh 9, Y Vân, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn – Từ Linh… đã gắn liền với tên tuổi của mình và một CD mang tên Phôi pha gồm 10 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi, tôi suy sụp tinh thần rất nhiều bởi mất đi một người anh, một nhạc sĩ tài hoa.

Chị có dự định thực hiện tiếp album cho mình không?

Trước đây, anh Trịnh Công Sơn có đưa cho tôi 20 bài do chính anh chọn. Tôi đã thu một album 10 bài, còn 10 bài thì đang cất giữ chưa dám thực hiện vì thị trường băng đĩa lậu hiện nay hoành hành quá. Nhưng tôi sẽ thực hiện và hy vọng album này ra mắt khán giả tri âm trong thời gian sớm nhất.

Âm nhạc không biên giới

Có khi nào chị cảm thấy khó chịu khi thấy một ca sĩ nào đó hát những bài ruột của chị?

Âm nhạc không có biên giới, vì thế ca khúc không phải là của riêng mình. Một ca khúc hay sẽ được nhiều khán giả đón nhận và được nhiều ca sĩ chọn hát. Tuy nhiên, có những ca khúc chỉ phù hợp với một loại giọng nào đó. Chính vì thế, quan trọng hơn hết là khán giả có đón nhận ca khúc qua giọng hát đó hay không. Chuyện khó chịu là điều không bao giờ xảy ra đối với tôi.

Chị nhìn nhận thế nào về dòng nhạc trẻ Việt Nam?

Theo tôi nó rất sôi động nhưng cũng có những vấn đề cần bàn. Các ca sĩ hiện nay thành "sao" quá dễ dàng. Nhưng có thể nói tài năng của các em chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Làm nghề gì cũng vậy, có trải qua những khó khăn thì mới quý trọng những thành quả mà mình đạt được. Các ca sĩ trẻ hiện nay nổi tiếng quá nhanh, đôi khi sớm tự mãn, mà với nghệ thuật, tự mãn là tự giết mình.

Các ca sĩ trẻ cần biết rằng: Để trở thành một ca sĩ nổi tiếng, phải có tài năng thực sự và biết tạo được bản sắc riêng cho mình cũng như phải chuyên tâm rèn luyện. Và một điều quan trọng hơn nữa đó là đạo đức. Nếu không có đạo đức khán giả dễ tẩy chay lắm. Tôi hơi buồn khi thấy nhiều ngôi sao quá chú ý đến hình thức mà chất giọng thì chưa được rèn đúng mức, lại thích gióng trống thổi kèn nhiều quá.

Hẳn chị có kỷ niệm nào đáng nhớ với những khán giả tri âm của mình?

Kỷ niệm thì nhiều lắm. Nhưng có một kỷ niệm mà đến bây giờ tôi không bao giờ quên được. Trước năm 1975, có một đôi vợ chồng rất yêu mến giọng hát của tôi, tôi hát ở phòng trà La Sirène 7 ngày thì đã có đến 5 ngày họ có mặt và luôn yêu cầu tôi hát bài Biệt ly của Dzoãn Mẫn. Tôi cũng nhiều lần trò chuyện và xem họ như những người bạn tri âm của mình. Cho đến một ngày, người chồng đến phòng trà một mình với tang đen trên áo, người vợ đã mất nhưng anh vẫn để cạnh mình một chiếc ghế trống và yêu cầu tôi hát lại ca khúc Biệt ly. Hôm ấy, tôi đã hát và đã khóc…

Chị có nghĩ đến một ngày thôi hát…?

Chưa, trời còn cho mình hát được thì cứ hát. Điều hạnh phúc nhất của đời tôi là tuy đã đứng tuổi nhưng vẫn còn nhiều khán giả ủng hộ. Trong tôi vẫn cháy bỏng niềm đam mê ca hát và vẫn hát được những ca khúc mà mình từng thể hiện thành công thuở thanh xuân. Tôi nghĩ đó cũng là điều mơ ước của hầu hết những ai theo nghề ca sĩ và tôi mãn nguyện về điều này.

Cuộc sống và công việc hiện tại của chị có ổn không?

Thời gian qua, tôi rất ít xuất hiện trên các sân khấu, thỉnh thoảng chỉ hát ở các phòng trà thân quen và những chương trình ca nhạc từ thiện. Trước giờ tôi luôn xác định mình đi hát để kiếm tiền nhưng không quá phụ thuộc vào nó mà đánh mất mình. Cuộc sống của tôi hiện tại rất ổn định và hạnh phúc, ông xã tôi là một bác sĩ, một khán giả trung thành rất thông cảm cho nghề nghiệp của tôi. Bảo Trang – con gái tôi hiện đang du học tại Mỹ nối nghiệp của bố. Giọng hát và sắc vóc của tôi vẫn còn được như xưa chính là nhờ ông xã bác sĩ chăm sóc hoàn toàn miễn phí (cười tươi).

Xin cảm ơn chị.

Theo bee

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *