Bên bờ hạnh phúc

 

Có thể nói, những năm qua Việt Nam đã nỗ lực hết mình để ngăn chặn tình trạng trẻ em phải làm những công việc trong điều kiện độc hại nguy hiểm. Tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng 25.000 trẻ em phải làm những công việc nguy hiểm.

  
115 triệu trẻ em làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm

Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), mỗi phút trên thế giới có ít nhất một trẻ em bị tai nạn lao động, bị bệnh tật hoặc bị chấn thương tâm lý do bị lạm dụng buộc làm các công việc nguy hiểm. Từ năm 2004 đến năm nay, mặc dù số trẻ em ở độ tuổi 5-17 tuổi làm các công việc nguy hiểm đã giảm, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa kéo được trẻ em ra khỏi những công việc nguy hiểm có liên quan đến mạng sống của các em. Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF thống kê, có 158 triệu trẻ em trong độ tuổi 4-15 đang phải lao động. Trong số đó có tới 115 triệu trẻ em đang phải làm những công việc nguy hiểm. Châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực có tỷ lệ trẻ em phải làm các công việc nguy hiểm cao nhất thế giới.

 

Ở Việt Nam, mặc dù pháp luật Việt Nam đã cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi nhưng ở cả nông thôn lẫn thành thị, trẻ em vẫn phải "nai lưng” ra làm những công việc vất vả thậm chí còn vất vả hơn người lớn. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nước ta vẫn còn khoảng 25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện tồi tệ nhất. Kết quả nghiên cứu về tình hình lao động trẻ em theo một nghiên cứu gần đây nhất của Bộ LĐTB&XH ở 8 tỉnh trọng điểm gồm Quảng Nam, Lào Cai, Hà Nội, An Giang, Gia Lai, Hà Tĩnh, Quảng Bình và TP Hồ Chí Minh thì có tới 50% trẻ em đang phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của các em. Báo cáo cũng cho biết, trung bình trẻ phải làm việc từ 4-5 giờ/ngày đôi khi là 6 giờ một ngày thậm chí còn kéo dài hơn nữa. Trong trường hợp đặc biệt nhiều đứa trẻ làm việc ở các cơ sở may mặc, cơ sở chế biến thực phẩm… số giờ làm việc của con trẻ kéo dài tới 12 giờ/ngày.

Có nhiều lý do khiến trẻ em chưa được thực hiện quyền cơ bản của mình đó là quyền được đi học và được vui chơi. Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh cho biết, trẻ em sinh ra trong một gia đình nghèo tất nhiên khó có điều kiện học hành, vui chơi bằng những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có điều kiện. Sự khó khăn về kinh tế của những gia đình này đã buộc con trẻ phải lao động để phụ giúp gia đình. Điều đáng buồn ở chỗ, nhiều đứa trẻ mới lên mười tuổi đã phải nai lưng ra làm những công việc nặng nhọc và gần như trở thành trụ cột của gia đình, điều đó khiến người lớn chúng ta phải trăn trở. Rõ ràng đó không còn là những công việc phụ giúp gia đình một cách thông thường mà trẻ em đang bị bóc lột, bị trở thành đối tượng bị lợi dụng (ở nhiều cơ sở sản xuất, trẻ em thì dễ được tuyển dụng hơn khi chủ chỉ phải trả tiền công thấp và dễ sai bảo, áp đặt luật làm việc cho con trẻ). Có nhiều lý do khiến tình trạng lao động trẻ em không giảm. Lý do hàng đầu là do nhận thức của cộng đồng về lao động trẻ em khiến luật chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Chúng ta chưa phân định rõ ràng ranh giới phụ giúp công việc gia đình với bóc lột sức lao động của trẻ em. Ngoài ra, sự nghèo đói, gia tăng dân số nhanh ở các thành phố lớn, công nghiệp hoá, đô thị hoá, vấn đề di cư đến các đô thị phát triển và lạm phát… là những nhân tố góp phần làm gia tăng lao động trẻ em.

Thách thức lớn với các gia đình nghèo đói

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi lễ mít tinh kỉ niệm Ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em (12-6). Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc giải quyết tình trạng lao động trẻ em vẫn còn là thách thức lớn đặc biệt đối với những gia đình nghèo đói. Dù vậy, "Việt Nam sẽ nỗ lực cố gắng xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2016 như một lộ trình toàn cầu tất yếu đang được nhiều quốc gia hưởng ứng”. "Pháp luật sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ ngược đãi, bạo lực và bóc lột lao động trẻ em để không còn tái diễn những trường hợp tương tự như em Bình ở Hà Nội, em Hào Anh ở Cà Mau”. Đã đến lúc cần phải căn cứ và các quy định của Bộ Luật lao động để xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi bóc lột lao động trẻ em và sử dụng lao động trẻ em không đúng pháp luật. Cần nâng cao nhận thức của cả cộng đồng đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em tham gia vào các hình thức lao động tồi tệ. Để bảo vệ trẻ không chỉ chủ sử dụng lao động phải nhận trách nhiệm mà chính phụ huynh của trẻ cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

* Với chủ đề "Cảnh báo! Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm – hãy chấm dứt lao động trẻ em!”, Ngày Thế giới phòng, chống LĐTE năm 2011 kêu gọi nỗ lực toàn cầu đối với vấn đề trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đồng thời kêu gọi hành động khẩn cấp để xoá bỏ tệ nạn này.
 

Theo Anh Anh (Báo Đại Đoàn Kết)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *