Bên bờ hạnh phúc

Nhân dân ta xưa nay vốn coi trọng cả yếu tố tinh thần lẫn vật chất. Có một phong cách kết hợp cả hai yếu tố trên đã được đúc kết lại một cách sinh động trong thực tiễn cũng như trong những trang văn, truyền từ đời này đến đời khác, làm giàu thêm văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là phong cách văn hóa ăn uống.

Nhà văn Nguyễn Tuân có lần đã nói : “Tại sao trong từ điển không có từ nào phong phú bằng từ ăn. Nó có thể là một trợ động từ tạo nên 180 từ và động từ khác nhau : ăn cắp, ăn cướp, ăn nằm… Như thế là cái chuyện ăn đi vào đời sống con người cũng sâu rộng lắm chứ? Đã ăn lại đi với nói nữa thì thật vui”.

(Về thể ký – Công việc viết văn – Trường Viết văn Nguyễn Du)

Khắp đất nước, mỗi vùng đều có một kiểu hoa trái, sản vật khác nhau và từ đó có những kiểu ăn uống không như nhau…

Với người Thăng Long – Hà Nội, “Ăn Bắc, mặc Kinh” nổi tiếng là thanh lịch cả trong văn hóa tinh thần lẫn cách ăn mặc, chế biến món ăn tinh vi khéo léo, thưởng thực một lần khó quên. Đó là cách chế biến món ăn để thưởng thức cái ngon, đẹp mắt, chứ không để lấy no, lấy đủ.

Trong bữa ăn, người Huế ưa ăn các món ăn đa dạng, hỗn hợp dù mỗi món chỉ dùng một ít. Trong chế biến cũng như trong ăn uống, người Huế thích phải tinh vi, tỷ mỷ, cầu kỳ, thể hiện ý thức mỹ cảm rõ rệt. Con người ăn uống không chỉ thỏa mãn nhu cầu sinh tồn, mà còn thưởng thức cái mà mình sáng tạo ra. Ăn uống lối Huế còn được chú ý tới môi trường tự nhiên và xã hội trong khi ăn uống, tức ăn uống phải có bạn bè, người thân quần tụ. Vậy suy cho cùng, lối nấu, lối ăn cũng như toàn bộ lối sống của Huế là sản phẩm của văn minh nông nghiệp” (Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam).

Theo các nhà văn, văn hóa ăn uống là nghệ thuật nấu nướng, pha chế và nghệ thuật thưởng thức tinh tế, cầu kỳ mang đậm bản sắc dân tộc, ẩn chứa những triết lý sâu xa…

Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ đã miêu tả tỷ mỷ cách uống trà. Tuy không nâng lên thành thứ đạo như Nhật Bản, nhưng kiến thức về trà và sự hào hứng của ông thật là lý thú. Ông dẫn cách uống trà của người Trung Hoa rồi đến người mình. Ông viết : “Chè tàu thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn uống rượu làm thơ cùng làm chủ – khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, sửa được lòng tục”. Về kinh nghiệm uống trà, ông nói : “Uống chè ấm chén cốt cho nhỏ, mỏng, khi pha mới nổi hương vị. Vòi ấm thẳng thì nước không đọng, mặt đĩa phẳng thì đặt chén không nghiêng, rế lò dày mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá, lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấy chóng sôi. Ấy, cái cách pha chè uống nước mới đầu còn thô, sau lại tinh dần mãi ra… ” (Vũ trung tùy bút, NXB Trẻ, 1989, trang 35 – 36).

Xem ra những gì mà Phạm Đình Hổ viết về cách uống trà cũng cùng cốt cách như Nguyễn Tuân sau này trong Vang bóng một thời (Chén trà sương, Chiếc ấm đất… ).

Đó là không kể đến cách pha trà, uống trà mà Lâm Ngữ Đường (Trung Quốc) viết trong tập Sống đẹp ở chương mục Trà và tình bạn : Đứng về phương diện văn hóa và hạnh phúc, tôi cho rằng trong lịch sử nhân loại không có phát minh nào nhiều ý nghĩa trực tiếp giúp ta hưởng cái thú nhàn, thú đàm đạo, thú giao thiệp bằng phát minh ra thuốc hút, rượu và trà”. Lâm Ngữ Đường còn đưa ra những quy tắc pha trà, lúc nào nên uống trà, lúc nào không, lúc nào cần… (NXB Văn hóa, Nguyễn Hiến Lê dịch, trang 157 – 163).

Khả Xuân – T/c Văn hóa nghệ thuật ăn uống, 1997

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *