Bên bờ hạnh phúc
Vấn đề xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ. Nhiều chính sách chưa đến được với người nghèo. 

Ngày 9/6, Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2011 diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh với sự tham gia của hơn 770 đại biểu trong và ngoài nước. Hội nghị tập trung thảo luận bốn chủ đề chính, trong đó có chủ đề Chính sách bảo vệ người nghèo trước bất ổn của kinh tế vĩ mô.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Chính phủ VN và các nhà tài trợ đều nhất trí vốn ODA và các khoản tài trợ khác dành cho VN đến nay đều hiệu quả. Tài trợ đó vô cùng ý nghĩa trong việc giúp Việt Nam phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục hậu quả của thiên tai…”.

Còn hơn 1 triệu hộ nghèo trên cả nước

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, tính đến tháng 5-2011, tỉ lệ lạm phát so với năm 2007 đã lên hơn 54%. Số lượng người thiếu đói trong hai tháng đầu năm 2011 là hơn 838.000 lượt người, gấp đôi so với hai tháng đầu năm 2010. Khoảng cách giàu nghèo trong nước đang có xu hướng tăng. Giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là người làm công ăn lương. Tỉ lệ hộ nghèo chung của cả nước là 14,42%, tức khoảng 1,03 triệu hộ nghèo. 

Các đại biểu tham dự hội nghị.

 

Để hỗ trợ người nghèo, Chính phủ đã đồng thời triển khai giải pháp tình thế (hỗ trợ tiền điện, cấp gạo cứu đói kịp thời và hỗ trợ phục hồi sản xuất nhằm thu hút lao động) và giải pháp ổn định lâu dài (mở rộng và nâng mức trợ cấp xã hội thường xuyên; tăng cường dạy nghề và giải quyết việc làm; ban hành và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nhằm giảm thiểu những rủi ro do tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô, chính sách trợ giúp giáo dục cho con em hộ nghèo, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và đối tượng chính sách xã hội, hỗ trợ về nhà ở…). Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, theo đó tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng cho vùng khó khăn.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng chiến lược an sinh xã hội của VN và Đề án an sinh xã hội cho dân cư nông thôn giai đoạn 2011-2020 nhằm hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương và người nghèo vượt qua những rủi ro do tác động của bất ổn kinh tế cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiều chính sách chưa đến được với người nghèo

Tuy nhiên, ông Bruce Campbell, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại VN, cho rằng một số chính sách gần đây chưa thực sự đến được với người nghèo như giá điện trợ cấp cho người nghèo không đến được với người lao động di cư tự do. Người lao động không chính thức, người di cư nghèo, người sống chung với HIV và người khuyết tật ít được tiếp cận với an sinh xã hội và các dịch vụ cơ bản…

Đại sứ Úc tại Việt Nam Allaster Cox bày tỏ quan ngại: Hiện nay, các nhóm nghèo và người dễ bị tổn thương chịu tác động sâu sắc nhất từ lạm phát. “Người nghèo thành thị, nhất là những người làm việc trong khu vực không chính thức và lao động di cư bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng và các loại dịch vụ. Các hộ gia đình ở nông thôn có thể được hưởng lợi từ việc giá lúa gạo tăng cao nhưng chi phí đầu vào cũng cao hơn. Đối với những hộ nghèo có đăng ký, mức hỗ trợ điện 50 kWh/tháng là quá thấp và trợ cấp 30.000 đồng/tháng là quá nhỏ bé” – Đại sứ Allaster Cox nêu ví dụ.

Các nhà tài trợ cũng khuyến cáo Việt Nam cần tính tới hiện tượng nghèo ở thành thị, những vấn đề người lao động gặp phải là cuộc sống ở đô thị đắt đỏ hơn, trong khi đang có sự dịch chuyển người dân từ nông thôn ra đô thị hay dịch chuyển vùng miền. Điều quan trọng là phải xây dựng mô hình an sinh xã hội để một bộ phận dân cư không tiếp tục bị khó khăn, nghèo hóa và cần có lộ trình cụ thể.

Kết luận hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng: “Nghị quyết 11 có bước khởi đầu rất tốt, nhất là trong việc tái lập và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ người nghèo trước sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 11 mới đi được giai đoạn đầu và cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định: “VN sẽ thực hiện Nghị quyết 11 đến khi kinh tế trong nước trở lại ổn định, vì vậy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát luôn được ưu tiên hàng đầu. Chính phủ quyết tâm đưa chỉ số lạm phát cả năm 2011 là 15%, GDP năm 2011 khoảng 6%. Đồng thời, cam kết thực hiện các điều đã nêu trong Nghị quyết 11, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, cam kết minh bạch thông tin để đảm bảo cạnh tranh công bằng. Và vấn đề xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ VN”. 

Theo Đắc Lam (PL TPHCM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *