Bên bờ hạnh phúc

Hầu hết các nhạc sĩ, ca sĩ đều cho rằng những "thảm họa" chỉ nổi lên nhất thời còn sớm muộn gì cũng bị chính khán giả "triệt tiêu".

Chưa bao giờ cư dân mạng lại bị tra tấn và ám ảnh với những bài hát được coi là thảm họa đổ bộ dồn dập vào Vpop của năm 2011 như thời điểm hiện nay.

Thảm họa Vpop nổi lên như một trào lưu và có mục đích PR rõ ràng, một vài ca sĩ đã chọn cách hát những ca khúc thảm họa để nhanh chóng được nổi tiếng. Do đó, họ không ngần ngại đặt tên bài hát với những cái tên rất sốc như: Cấm trẻ em dưới 18 tuổi, Người ấy và con cha phải chọn, Kiếp đàn bà thân xác đàn ông… Trước tình cảnh phải tra tấn hàng ngày với những ca khúc thảm họa tràn lan vào showbiz Việt như một trào lưu, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã bày tỏ ý kiến riêng của mình:

Nathan Lee

Họ dư thừa bản lĩnh. Thị trường ca nhạc lại đáng tiếc có không ít những ngôi sao "dễ nổi" như một thứ tiền lệ rằng: Làm “sao” không khó. Hơn nữa, cũng bởi bản chất công nghệ giải trí bao gồm cả nhu cầu nghe, xem, lẫn bàn tán, và điều này sẽ xảy ra khi bản thân người nghệ sĩ, nếu có thể gọi là nghệ sĩ, không thể đáp ứng một cách có thẩm mỹ hai yếu tố đầu.

 

 

Tôi biết những ca khúc này qua tin đồn truyền miệng và link truyền tay. Hơn nữa, phải thừa nhận yếu tố gây shock lẫn gây cười của các "nghệ phẩm giải trí" này cực kì có hiệu quả.

Showbiz có tính đa diện của nó, đáp ứng mọi tầng lớp nhu cầu giải trí chân thật nhất của con người. Mỗi nghệ sĩ như một doanh nhân, chọn một phân khúc thị trường phù hợp với nhân cách, đam mê, và sở trường (hay sở đoản) của mình. Và nếu họ đặt vấn đề sáng tác nhạc tặng riêng cho tôi? Việc đầu tiên tôi làm là cám ơn thịnh tình của họ, rồi ngay lập tức gọi điện khoe khoang ầm ĩ với bạn bè, còn có thể hiện ca khúc đó hay không thì còn tùy vào nội dung và chất lượng nghệ thuật của “món quà” ấy.

Những ca khúc thảm hoạ lại là những ca khúc kiếm bộn tiền từ nhạc chuông, nhạc chờ, và đã có những lúc tôi hoang mang tự hỏi tại một thị trường mà nhu cầu giải trí gây cười trong âm nhạc còn vượt xa hiệu quả phổ biến của những tác phẩm văn minh dòng chính thống, phải chăng mình đã chọn nhầm nghề? Và hơn hết, điều đáng sợ, hơn là đáng buồn, tiếp theo làn sóng trào lưu này, được ưu ái bởi dư luận cả hai chiều khen chê, cùng sự nổi tiếng được cho là “thành công” của nghệ sĩ thể hiện, đang sản sinh ra một thứ mầm mống của thế hệ những "ngôi sao" mới đang quyết liệt cạnh tranh trong cuộc đua đến đỉnh cao…kì cục.

Khán giả cảm thấy nghệ sĩ bây giờ dùng đủ mọi chiêu để được chú ý, ngay cả việc tung ra những ca khúc thảm họa này dường như là một chiêu PR câu khách, lăng xê, nhưng tôi nghĩ những "ngôi sao" này nếu thật sự có tài năng, lòng trân trọng nghệ thuật hay không quá bức thiết về chuyện bán mua hình ảnh bản thân hay tác phẩm, ắt họ đã không làm như vậy. Một số nghệ sĩ khác, may quá là cũng không hề ít, sẽ chọn dựa vào những “vũ khí PR” riêng của họ: hình ảnh thẩm mỹ, thực tài, và sự sáng tạo linh hoạt trong hình thức thể hiện.

Đức Tuấn

 

 

Theo tôi thì đó là hiện tượng rất bình thường. Có cầu thì có cung. Sao cứ trách “cung” mà không nhìn lại “cầu”? Thực sự là tôi nghe rất ít, vì thời gian dành cho việc nghe nhạc mà Tuấn thích đã chiếm gần hết. Bạn bè có gửi đường link nên đôi khi cũng có xem thử đó là gì nhưng cũng không quan tâm lắm vì không phải thể loại mình thích.

Các ca khúc đó có thu nhập cao từ nhạc chuông thì sẽ không kiếm tiền được ở một số nơi khác. Những nghệ sĩ chính chuyên như chúng tôi chẳng có gì phải chạnh lòng cả.

Thu Minh

Nên có câu hỏi ngược là tại sao "thảm họa Vpop" lại dễ dàng tấn công ồ ạt đến như vậy? Có phải do ý thức, tri thức càng ngày càng kém đi cộng với sự tò mò dễ dãi của văn hóa nghề và các bạn quan tâm qua lại hóa ra giúp những điều mà bạn gọi là "thảm họa" này càng trở nên lan rộng hơn.

 

 

Nói thật là ngoại trừ tôi rơi vào hoàn cảnh vô tình phải biết phải nghe khi đi qua một nơi công cộng nào đó chứ chưa bao giờ tôi quan tâm tới những ca khúc này dù mọi người vẫn hay truyền nhau dù là để nghe và giễu, hay nghe vì tò mò.

Những bài hát này không dành cho tôi nên tác giả những ca khúc này chắc chắn họ sẽ chẳng bao giờ tìm tôi đâu. Mỗi người đều có những sự chọn lựa riêng để tiến thân nên tôi tôn trọng họ và không có gì để phán xét ở đây cả, nhất là khi những ca khúc này cũng không thể chối bỏ được sự lan tỏa nhanh và hiệu ứng đám đông của nó. Điều chỉ có thể nói ở đây chính là "mỗi con đường đều có một nơi đến riêng của nó" các bạn ca sĩ đã lựa chọn con đường này thiết nghĩ các bạn cũng đã chấp nhận mình sẽ đi tới đâu, được gì và mất gì.

Nhạc sĩ Hoàng Rapper

Khác với Thu Minh và Nathan Lee, trong vai trò một nhạc sĩ, đã có những sáng tác nổi tiếng và được công chúng chấp nhận, nhạc sĩ trẻ Hoàng Rapper chia sẻ về những làn sóng thảm họa Vpop trong thời gian qua:

 

 

"Theo Hoàng, không nên lên án quá gay gắt các nghệ sỹ và đặt cho họ cái mác “thảm hoạ Vpop” như vậy. Khi bắt tay vào làm nghệ thuật hay bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, chẳng ai muốn mình bị thất bại, chỉ trích hay khinh thường. Ai cũng phải nỗ lực hết sức mình để có được cho riêng mình một thành công cụ thể. Ai cũng muốn mình sẽ có những sản phẩm, những hình ảnh đẹp nhất, chất lượng nhất, cá tính nhất, nổi trội nhất để không bị đánh đồng, so sánh hay nhầm lẫn với bất cứ ai, với mong muốn cá nhân mình luôn đẹp, lạ, mới trong lòng khán giả.

Hoàng nghĩ, có lẽ chỉ vì cá tính quá mạnh hay cái tôi quá nhiều của nghệ sỹ, cùng sự thiếu hụt của người vạch chiến lược chuyên môn và truyền thông cho nghệ sỹ đó, mà đã làm họ đi lệch con đường mình mong muốn, cũng như tạo nên hiệu quả phản ứng ngược. Đó có thể là điều không may không thể tránh khỏi của bất cứ nghệ sỹ nào khi hoạt động nghệ thuật bị sai hướng. Khán giả và giới truyền thông nên thông cảm cho họ. Có một vài nghệ sỹ đã và đang rất nổi tiếng, khi bước vào con đường ca hát, là vì họ đam mê thật sự, chứ đâu cần được danh vọng nhiều hơn nữa. Thành công hơn ở lĩnh vực mới hay không, có lẽ còn cần thêm cái may mắn, cái duyên với nghề cùng cái tài, cái đức cũng như tư cách sống và làm việc của nghệ sỹ đó với tất cả mọi người.

Nếu nghệ sỹ đó thật sự yêu nghề, nếu họ tôn trọng người nghe nhạc, nếu họ cố gắng kiên nhẫn làm lại từ đầu, có kế hoạch rõ ràng cụ thể đúng đắn, có nền tảng chuyên môn và hình ảnh phù hợp hơn, Hoàng chắc chắn rằng, họ sẽ lấy lại được sự yêu mến của khán giả và đạt được thành công như ý muốn".

Phương Thanh

 

 

Đã gọi là "thảm họa" rồi thì đâu còn gì phải nói đến nữa. Phương Thanh thì khi xem các ca khúc đó chỉ thấy vui, một mặt nào đó nó cũng mang đến sự giải trí cho khán giả đấy chứ! Các bạn trẻ khi bước chân vào showbiz có quyền chọn cho mình một hướng đi, chọn dòng nhạc, phong cách như thế nào là còn tùy thuộc vào tư duy, trình độ của mỗi người nhưng làm gì để khán giả và đồng nghiệp tôn trọng mình mới là điều quan trọng nhất. Dĩ nhiên là Phương Thanh không cho rằng "thảm họa" mà có thể tồn tại lâu được, chỉ làm cho vui nhất thời vậy thôi.

Minh Hằng

Hằng nghĩ các ca khúc đó chỉ để giải trí nhất thời mang lại niềm vui cho khán giả thì được còn tồn tại lâu thì dĩ nhiên là không được rồi.

 

 

Ai cũng biết nếu không có cố gắng, chịu khó đầu tư cho sản phẩm của mình trước khi ra mắt khán giả thì làm sao có thể đứng lâu trong lòng công chúng được chứ. Sự tràn lan này của “thảm họa” cũng có thể vì Vpop đang rất thiếu những show ca nhạc đủ gây chú ý để các ca sĩ hết lòng với nghề có thể chứng minh khả năng của mình! "Thảm họa" có sân chơi, sao những sản phẩm âm nhạc nghiêm túc lại không?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

 

 

Chung nghĩ những ca khúc này sẽ còn tồn tại hay không phụ thuộc vào ý thức của người nghe, nếu khán giả thích nghe những ca khúc này, cài nhạc chuông điện thoại và cùng chia sẻ với bạn bè như một trò giải trí mang lại tiếng cười cho mình thì những “thảm họa” này sẽ vẫn còn để đáp ứng lại nhu cầu đó. Đến bây giờ Chung vẫn không hiểu sao ngoài việc phổ biến trên mạng ra các “thảm họa” này vẫn có thể giúp các ca sĩ đi diễn khắp nơi được, đáng lẽ với ca từ và giai điệu chẳng hề mang tính nghệ thuật đó phải bị các cơ quan chức năng cấm thì đúng hơn!

Theo BDVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *