Bên bờ hạnh phúc

Công tác đào tạo nghề và giải  quyết việc làm ở Vĩnh Long đang từng bước trở nên hiệu quả hơn. Người lao động không chỉ được giải quyết việc làm ở những khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, mà còn được đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, tạo cơ hội làm ăn ngay tại địa phương thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Mặc dù nói là làm thêm nhưng hàng tháng, mỗi chị em phụ nữ ấp 1 xã Tân Lộc, huyện Tam Bình cũng có thu nhập bình quân từ 700.000 đến 900.000 đồng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Đưa các lớp dạy nghề về tận xã và liên kết với các cơ sở sản xuất để sau khi học nghề người lao động có việc làm ngay, đó là cách làm mới của nhiều Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm ở Vĩnh Long. Điển hình cho cách làm này là Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Tam Bình.

 

Trước kia, những lớp dạy nghề nông thôn hầu hết được tổ chức tại Trung tâm nên số học viên theo học không nhiều vì phải đi xa. Vả lại, việc phải tự tìm việc làm sau khi học nghề xong cũng không khuyến khích họ đến với lớp học. Còn nay, Trung tâm đã liên kết với các cơ sở sản xuất, vừa hướng dẫn kỹ thuật, vừa bao tiêu sản phẩm và tổ chức dạy nghề ngay tại cộng đồng dân cư nên người dân hưởng ứng tích cực. Mỗi lớp học thường kéo dài trong một tháng, nhưng chỉ trong vòng nửa tháng đầu, các học viên đã có sản phẩm và thu nhập nên ai cũng phấn khởi.

Với cách làm mới này, từ đầu năm đến nay, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Tam Bình đã tổ chức được 53 lớp dạy nghề cho gần 1.500 lao động ở khắp các xã trong huyện, gần bằng với số lượng của cả năm 2010.

Tạo việc làm, tăng thu nhập giúp người lao động ổn định cuộc sống luôn là một trong những mục tiêu trọng tâm của các cấp, các ngành ở tỉnh Vĩnh Long. Trong 5 năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã duy trì được kết quả đào tạo nghề và giải quyết việc hàng năm cho hơn 27.400 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng  "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Theo đó hàng năm, Vĩnh Long sẽ có khoảng 21.700 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế ở từng địa phương và nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Với chủ trươngđúng, chính sách hợp lòng dân, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ cũng như của UBND tỉnh Vĩnh Long được xem là bước đột phá mới, nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giúp lao động nông thôn có tay nghề và việc làm ổn định, góp phầnthực hiệntốt chính sách an sinh xã hội.

Nguyễn Phước 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *