Bên bờ hạnh phúc

Được thiên nhiên ban tặng nên Vĩnh Long hiện có 26 khu vực mỏ cát trải dài trên sông Tiền, sông Hậu và sông Cổ Chiên với trữ lượng khai thác đến năm 2020 khoảng 125 triệu mét khối. Tuy nhiên, vấn đề bất cập trong thời gian qua cũng như vào thời điểm hiện tại là sản lượng cát khai thác thực tế ở các mỏ cát chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, dẫn đến thất thu thuế nguồn tài nguyên này. 

Năm 2010, thuế tài nguyên cát sông mà ngành thuế Vĩnh Long thu được gần 816 triệu đồng trên tổng sản lượng khai thác khoảng 1.300.000 khối. Riêng trong quí I năm 2011, nguồn thuế này đạt gần 349 triệu đồng với sản lượng khai thác khoảng 360.000 khối. Theo đánh giá của ngành Thuế thì sản lượng này chỉ chiếm khoảng 70% sản lượng khai thác thực tế ở các mỏ cát.

 

Theo ông Huỳnh Vân Hải, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long: “Ngành Thuế thu dựa trên trên cơ sở tự tính, tự khai của các tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, tính trung thực, khai đầy đủ thì chưa đảm bảo. Nếu mà chia bình quân theo trữ lượng cấp và thời gian khai thác thì chúng ta chỉ có thể nói thu khoảng 70% thôi chớ không được nhiều”

Nếu như cứ tiếp tục dựa vào kết quả tự kê khai sản lượng cát khai thác của các doanh nghiệp để tính thuế thì tình trạng thất thu thuế từ việc khai thác nguồn tài nguyên cát sông trên địa bàn tỉnh sẽ vẫn tiếp diễn. Bởi phần lớn những doanh nghiệp được cấp phép nhưng không trực tiếp khai thác, mà lại giao khoán cho một đơn vị khác khai thác với hình thức hợp đồng gia công nên sản lượng cát khai thác thực tế khó mà kiểm soát được. Mặt khác, khi các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm thường chỉ mới dừng lại xử phạt đơn vị nhận khoán chứ chưa đề cập đến đơn vị giao khoán.

Ông Nguyễn Văn Đấu – Phó Giám đốc Sở TN-MT Vĩnh Long – cho biết: “Trong quản lý doanh nghiệp khai thác, họ gọi là hợp đồng khoán khai thác. Chính vì vậy, khi người nhận khoán có những vi phạm thì mình xử phương tiện này thôi chứ chưa xử lý doanh nghiệp.”

Một bất cập khác trong thu thuế tài nguyên cát sông nữa là hiện nay giá một khối cát để tính thuế chỉ có 6.000 đồng. Mức giá này đã được áp dụng từ cuối năm 2008 cho đến nay. Nếu tính 10% thuế trên một khối cát thì nhà nước chỉ thu được 600 đồng, trong khi đó, giá cát bán tại mỏ đã tăng gấp đôi so với giá quy định của tỉnh. Trong lúc nhu cầu cát san lấp mặt bằng ngày một tăng cao nhưng thu thuế từ nguồn tài nguyên này lại tăng không đáng kể, cho nên mỗi năm ngân sách tỉnh đã thất thu một khoản tiền không nhỏ đối với nguồn tài nguyên cát sông.

Ngày 23/4/2008, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Chỉ thị số 08 về việc tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực khai thác cát sông. Nhìn chung, từ khi có chỉ thị này thì tình hình quản lý thu thuế tài nguyên cát sông đã có sự chuyển biến, thế nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thu nguồn tài nguyên cát sông thì rất cần sự vào cuộc tích cực hơn của các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương nơi có mỏ cát.

Nguyễn Phước 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *