Bên bờ hạnh phúc

Nếu không ngăn chặn thì viêm amiđan sẽ dễ dàng thành đòn bẩy cho nhiều bệnh chứng khác nghiêm trọng hơn.

Viêm hạch hạnh nhân (nói theo tên Tây là viêm amiđan) thường gặp, nhất là trong những ngày mưa gió. Đây rõ ràng là nỗi khổ của nhiều bệnh nhân, thậm chí là nỗi trăn trở của nhiều người lớn dù hạch của họ không viêm, vì đa số nạn nhân là trẻ con. Cha mẹ vui sao được khi con trẻ cứ vài ngày lại sốt, lại đau họng, khó nuốt…

Nhẹ người nhưng đối đầu bội nhiễm

Khỏi nói dông dài cũng hiểu, mỗi lần viêm amiđan là tất nhiên thêm một phen sức đề kháng của nạn nhân và của cả thân nhân bị xói mòn.

Viêm amiđan, nếu không có cách ngăn chặn, sẽ dễ dàng trở thành đòn bẩy cho nhiều bệnh chứng khác nghiêm trọng hơn có cơ hội phát tán từ một điểm bắt đầu tưởng chừng như chuyện nhỏ, từ hai hạch hạnh nhân thay vì nằm yên trong vòm miệng lại viêm tấy, sưng mủ, bội nhiễm…

Trước đây, thầy thuốc thường khuyên bệnh nhân cắt bỏ amiđan cho rồi nếu cứ nay viêm, mai tấy. Quyết định như vậy không hẳn là sai, bởi không lẽ vì bội nhiễm mà cơ thể bệnh nhân lâu ngày trở thành kho trữ thuốc kháng sinh với đủ thứ phản ứng phụ, nhất là khi thầy thuốc dù muốn cũng không thể nào chỉ dùng hoài một loại kháng sinh. Cũng vì phải dùng thuốc kháng sinh mỗi lần viêm amiđan nên tình trạng lờn thuốc kháng sinh mới nhanh chân đến thế, đặc biệt là ở xứ mình – nơi thuốc kháng sinh được chào bán vô tư. Nhưng nếu tưởng mọi chuyện sẽ đâu vào đấy sau phẫu thuật thì lại nhầm.

Trước hết, tuy với kỹ thuật tiên tiến hiện nay, thao tác ngoại khoa vẫn chưa thể nào an toàn tuyệt đối. Bội nhiễm, xuất huyết hậu phẫu vẫn còn là vấn đề của bệnh nhân lẫn thầy thuốc. Nếu ở CHLB Đức hằng năm vẫn còn hơn 6.000 trường hợp tử vong do tai biến sau khi cắt bỏ amiđan thì việc quyết định cắt bỏ hạch này trong hoàn cảnh y tế của xứ mình đương nhiên càng phải dè dặt hơn nữa.

Cắt bỏ amiđan tuy trước mắt thấy nhẹ người nhưng sau đó thường khi phải đối đầu với tình trạng bội nhiễm nghiêm trọng hơn nhiều. Chính vì thế mà dạo sau này, thầy thuốc coi trọng quan điểm sinh học đều đồng lòng cổ động cho biện pháp giữ kỹ hạch hạnh nhân thay vì xem amiđan như đồ bỏ.

Hạch hạnh nhân không vô cớ đóng chốt ở nóc họng. Đó là cơ quan đứng mũi chịu sào để “lãnh đòn” trước khi bệnh nguyên như vi khuẩn, siêu vi, nấm mốc, hóa chất… lọt được vào đường tiêu hóa hay hô hấp.

Năm biện pháp phòng ngừa

 

Đáng tiếc là nhiều người vẫn chưa được thông tin về một số biện pháp tương đối đơn giản để amiđan nếu có viêm cũng thỉnh thoảng mà thôi, cũng đừng ở cường độ khiến gia chủ phải liệt giường liệt chiếu. Đó là 5 biện pháp :

– Ngâm chân trong nước nóng 10 phút sau cả ngày làm việc trong phòng máy lạnh, trên cánh đồng ngập nước hay dưới trời mưa tầm tã. Nên nhớ cảm giác lạnh ở lòng bàn chân kéo theo giảm thân nhiệt chính là điều kiện thuận tiện để lực lượng vi khuẩn sống chực chờ trong vòm miệng có dịp bùng phát.

– Giữ ống tai cho sạch. Chữa bệnh viêm tai giữa đến nơi đến chốn vì tai – mũi – họng bao giờ cũng trong thế môi hở răng lạnh. Chỗ này bội nhiễm thì chỗ lân cận sớm muộn cũng viêm tấy.

– Chữa sâu răng càng sớm càng tốt. “Nuôi” vi khuẩn trong kẽ răng, trên nướu răng thì đừng lấy làm lạ nếu amiđan nay thì sưng mủ, mai sưng tấy.

– Thanh trùng vùng hầu họng vài lần trong ngày bằng dung dịch không gây kích ứng niêm mạc. Chẳng hạn bằng nước trà pha chút mật ong. Đừng quên là các nhà nghiên cứu đã chứng minh mật ong vừa có tác dụng kháng khuẩn gây viêm xoang vừa làm lành vết thương lại thêm chống mùi hôi từ ổ viêm. Dùng nước trà súc miệng còn ức chế hoạt tính của vi khuẩn gây lở loét niêm mạc hầu họng.

– Giữ vùng cổ cho ấm, nhất là khi trở trời, bằng cách quấn khăn quanh cổ, tốt nhất trong lúc ngủ. Dân vùng Trung Âu đến nay vẫn dùng phương pháp quấn khăn trong có khoai tây luộc nóng để trị viêm amiđan. Có thể thay khoai bằng cây thuốc có tinh dầu như quế, gừng, hồi… Dùng gì tùy ý, miễn sao cho ấm yết hầu.

Cơ thể không bỗng nhiên gắn thêm hai hạch hạnh nhân chỉ để trang điểm. Cho nên, mạnh tay cắt bỏ quá vội vã rồi lấy gì thay thế? Nhưng nếu giữ lại mà không tạo điều kiện để amiđan triển khai tác dụng phòng bệnh thì giữ làm gì?

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG – Theo nguoilaodong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *