Bên bờ hạnh phúc

Chỉ với 2 phút sau khi bị ngã xuống nước, trẻ đã có thể bị ngạt thở, chết đuối. Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ, TB&XH) cho biết.

Đuối nước do thiếu ý thức và kiến thức

Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhiều cuộc khảo sát tại Việt Nam cho thấy, hầu hết trẻ em bị đuối nước là do không biết bơi. Theo kết quả đánh giá nhanh của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ở một trường THCS tại Hà Tĩnh vào tháng 5/2007, cho thấy: Chỉ dưới 10% học sinh trong trường có thể bơi được khoảng 25m chiều dài.

Trong khi đó hầu hết các em cho biết là thường hay chơi đùa gần hay trong sông, hồ, suối. Cha mẹ các em biết bơi nhưng đã không dạy các em bơi vì hai nguyên nhân chính: Quá bận với công việc hàng ngày; sợ con em mình bị đuối nước khi biết bơi…

Cũng theo ông Nguyễn Trọng An, một nguyên nhân khác khiến trẻ em hay bị đuối nước là do thiếu sự giám sát đầy đủ của người lớn. Đặc biệt, trẻ thiếu kỹ năng bơi lại hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước. Hoặc trẻ có biết bơi nhưng chủ quan. Ngoài ra, môi trường sống của trẻ chưa thực sự an toàn, nhiều ngôi nhà gần ao, hồ, sông ngòi nhưng không có rào chắn, các giếng khơi, bể nước không có nắp đậy… cũng dễ khiến trẻ bị đuối nước.

Ông Nguyễn Trọng An cũng cho rằng, hiện nay nhiều người dân chưa có ý thức thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy như người điều khiển thuyền, đò không có bằng lái, chất lượng của các phương tiện giao thông đường thủy cũ nát, không trang bị các phương tiện cứu hộ như phao cứu sinh… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn khủng khiếp, cướp đi mạng sống của các em học sinh. Khi nghỉ hè, nhiều trẻ em các vùng nông thôn thường trốn bố mẹ đi bơi những nơi không an toàn như sông hồ, còn trẻ thành phố có thể đến những bể bơi không dành cho lứa tuổi của mình…

Cách sơ cứu và phòng tránh

Theo BS Minh Tiến, BV Nhi Đồng 1 TPHCM, phần lớn các nạn nhân bị ngạt nước khi đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu ôxy. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Cách sơ cứu đúng như sau:

– Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên.

– Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

– Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực:

+ Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy tiến hành thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không, nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim phải tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

+ Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói.

– Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân một tấm khăn khô.

– Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.

Theo ông Nguyễn Trọng An, biện pháp phòng ngừa đuối nước ở trẻ em là dạy các em biết bơi, lặn và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước. Bên cạnh đó, cha mẹ không nên cho trẻ ra biển, ao hồ khi đang no hoặc đang đói, đang vã mồ hôi, khi người không được khỏe, khi chưa khởi động hoặc thời tiết xấu. Không cho bệnh nhân động kinh bơi. Ngoài ra, nên nâng cao nhận biết về tai nạn thương tích để các em tự bảo vệ mình.

Đối với các cháu nhỏ chơi ở gần sông hồ, ao, biển… cha mẹ phải luôn để con trong tầm mắt. Nhà có cháu nhỏ phải rào, quây kỹ ao, giếng, hoặc những nơi trẻ có thể rơi xuống. Các địa phương cần thành lập đội cứu hộ và trang bị phương tiện ở các bãi biển, đồng thời những nơi nguy hiểm cần cắm biển cảnh báo để nhắc nhở mọi người đề phòng tai nạn.

Khi gặp nạn nhân bị đuối nước

– Tiến hành thổi ngạt miệng qua miệng nếu nạn nhân đã ngưng thở. Nếu nạn nhân đã ngưng tim (kiểm tra bằng cách xem mạch cổ, mạch bẹn có đập không, nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim) cần phải tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

– Dốc ngược nạn nhân chạy nhiều vòng vì thường lượng nước vào phổi rất ít. Lượng nước rất ít này sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Ngoài ra, việc sốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.

BS Minh Tiến, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM
 

 

Theo giadinh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *