Rõ ràng là thực phẩm đóng vai trò quyết định đối với sức khoẻ của mỗi người nhưng ăn như thế nào sẽ tốt cho cơ thể? Dưới đây là một vài khuyến nghị của Tổ chức an toàn thực phẩm của Pháp (AFSSA).

Ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3

Trên thị trường hiện nay tràn ngập các sản phẩm có chứa omega 3. Những thực phẩm này không thể thiếu cho sức khoẻ của chúng ta. Nhưng thật sự thì omega 3 có tác dụng gì?

Theo các nhà khoa học thì omega 3 có những tác dụng không thể phủ nhận đó là phòng chống bệnh tim mạch. Nó giúp hạ huyết áp cho những người bị huyết áp cao, giảm lượng triglyceride đối với những người bị tăng lượng chất này trong máu. Tuy nhiên, nó lại không có tác động đối với cholesterol xấu.

Những công dụng này của omega 3 được nhận thấy chủ yếu với những người đã có tiền sử bệnh tim mạch. Còn đối với những người khoẻ mạnh, omega 3 có tác dụng phòng ngừa ung thư tiền liệt tuyến, phòng ngừa bệnh Alzheimer, chống stress và buồn phiền.

Tuy nhiên, AFSSA nhấn mạnh rằng, chúng ta còn dùng quá ít omega 3. Vì vậy, nên ưu tiên cho việc ăn cá vì omega 3 đặc biệt có nhiều trong các loại cá như cá hồi, cá thu, cá ngừ… Ngoài ra các loại rau xanh và dầu cải cũng rất giàu lượng vi chất này.

Tăng cường bổ sung i-ốt

Đúng vậy. I-ốt là nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho việc sản sinh hocmon tuyến giáp. Nó không thể thiếu đối với phụ nữ có thai (giúp cho sự phát triển trí não của bào thai), trẻ em và cả thanh thiếu niên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có 17% phụ nữ có thai bị thiếu hocmon tuyến giáp vào cuối thời kỳ mang thai.

Nguy cơ thiếu i-ốt cũng thường xảy ra đối với thanh thiếu niên. Ngược lại, nhu cầu i-ốt của trẻ em dưới 10 tuổi thường ít hơn so với trẻ em dậy thì và người trưởng thành, thậm chí trẻ em dưới 10 tuổi còn có nguy cơ thừa i-ốt.

Bổ sung lượng i-ốt cho cơ thể là vô cùng quan trọng vì không có quá nhiều thực phẩm giàu i-ốt.

Trứng và các thực phẩm từ sữa là một nguồn cung cấp i-ốt khá phổ biến. Ngoài ra, i-ốt còn có nhiều trong các loại hải sản như cá biển, sò, rau câu, tảo…

Việc dùng muối bổ sung i-ốt rất tốt nhưng không nên lạm dụng. AFSSA khuyên chúng ta nên bổ sung i-ốt thông qua chế độ ăn uống.

Không nên quá kiêng khem đường

Không nên ăn quá ít đường, nhất là các đường phức hợp trong cơm, ngũ cốc, bánh mì, pasta, spaghetti… và nên giảm việc tiêu thụ các loại đường đơn, thường có trong nước giải khát, sirô và nhiều sản phẩm có đường khác. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh một số loại thực phẩm có nhiều đường đơn như yaourt từ trái cây, các loại bánh có chứa sôcôla…

Bởi vì khi vào cơ thể, các loại đường đơn sẽ được chuyển hoá ở gan, lượng đường dư thừa sẽ được tích trữ dưới dạng chất béo trong khi các loại đường phức lại tạo năng lượng cho cơ thể và các bộ phận duy trì hoạt động sống.

Theo bacsigiadinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *