Bên bờ hạnh phúc

Nhiều người nói rằng, trong những năm chiến tranh, con người ta sống với nhau đơn giản hơn nhiều, trong sáng hơn nhiều. Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Cũng có người nói, cái còn lại trong cuộc đời mỗi con người là chuyện ân nghĩa. Ân nghĩa như dòng sông tưới tắm cho đôi bờ tươi tốt của một đời người, một kiếp người. Tôi nghĩ nếu cuộc đời sau chót chỉ còn đọng lại sự thù hận thì sự sống hẳn đã không tồn tại. Trong bài viết ngắn này, tôi xin được nhắc tới chuyện ân nghĩa. Đó là một vài kỷ niệm của tôi với nhà văn Từ Bích Hoàng. 

Từ Bích Hoàng (trái) và Vũ Cao – Chiến khu Việt Bắc 1950
 

 

Anh Hoàng hơn tôi ba mươi tuổi. Nhưng suốt đời, tôi luôn coi anh như một người thầy, một người anh lớn. Lần đầu tiên tôi gặp anh là vào mùa thu năm 1967. Nhà văn Đỗ Chu dẫn tôi đến nhà anh, một căn hộ nhỏ hẹp ở khu tập thể quân đội. Anh sống thanh bạch, nghèo. Cho đến bây giờ, sau nhiều thập niên trôi qua, anh vẫn sống như vậy. Hôm ấy, tôi ngồi khép nép ở chiếc ghế tựa, nghe anh nói về truyện ngắn đầu tiên của tôi. Anh nói nhỏ, tránh không làm tôi bị tổn thương khi nhận xét về cái ấu trĩ, non nớt của truyện ngắn ấy. Sau lần gặp gỡ đó, tôi thường xuyên đến nhà anh, đến phòng làm việc của anh ở tòa soạn Văn nghệ Quân đội. Căn phòng của anh trang bị sơ sài hơn nhiều so với phòng làm việc của các biên tập viên mặc dù lúc đó, anh đã là Phó Tổng biên tập. Tôi có cảm tưởng nếu như xếp anh vào một căn phòng sang trọng, đầy đủ tiện nghi nào đó, chắc chắn, anh sẽ không biết xoay xở ra sao. Thời gian đã hình thành giữa anh và tôi một tình cảm thật đặc biệt. Anh lặng lẽ theo dõi từng bước đi của tôi. Còn tôi luôn ngưỡng mộ anh, ngưỡng mộ một cách sống, cách ứng xử không phải của một người làm nghề văn, mà là cách ứng xử của một con người đối với mọi con người.

Năm 1970, trước ngày tôi vào chiến trường, anh bảo tôi đưa anh về quê thăm mẹ tôi. Hồi đó, anh tôi mới có giấy báo tử. Việc ra đi tiếp theo của tôi là một cú sốc nặng nề với mẹ tôi. Hôm ấy, anh đã cố gắng tìm cách an ủi mẹ tôi, nhưng cả anh và tôi đều hiểu, những lời an ủi ấy không thể làm mẹ tôi an lòng. Khi chỉ còn lại tôi và anh, anh thở dài: “Chú cứ vào trước đi, thế nào tôi cũng sẽ vào với chú”. Tôi tin điều anh nói. Hồi đó, đi B là một giá trị, là ước nguyện của tất cả mọi người.

Hôm tôi lên đường, anh đạp xe đến tòa soạn từ rất sớm. Anh giúp tôi thu xếp đồ đạc rồi đèo tôi đến vị trí tập trung ở đầu phố. Lúc chia tay, anh nhắc lại lời hẹn hôm trước ở nhà tôi. Giọng anh nhỏ và buồn. Tôi nhìn theo dáng đạp xe của anh trong ánh đèn đường vàng nhòe, gió thổi xao xác trong đám lá sấu rụng tấp đầy trên hè phố. Hôm trước, anh Đỗ Chu bảo tôi: “Nếu cậu hy sinh như anh trai cậu, người thứ hai sau mẹ cậu thương cậu là anh Hoàng. Hình như anh ấy luôn cảm thấy có lỗi vì đã không an ủi được bà cụ”.

Khi tôi đi, mẹ tôi vẫn đang ốm nặng bởi cái chết đột ngột của anh trai tôi.

Nhưng tôi đã sống và trở về. Vừa xuống khỏi máy bay, tôi nhảy xe buýt về ngay tòa soạn Văn nghệ Quân đội. Gặp tôi, anh sững sờ rồi kéo tuột tôi vào phòng anh. Vẫn căn phòng cũ, đồ đạc cũ. Nét mặt anh ngời lên một niềm vui: “Chú phải về cho bà cụ mừng – Anh bảo – Nhưng trưa nay hãy về nhà tôi đã”. Vừa nói, anh vừa xếp ba lô của tôi vào tủ. Tôi luýnh quýnh đi theo anh. Vẫn chiếc xe đạp Thống Nhất nam của năm sáu năm trước, anh đèo tôi về nhà. Gia đình anh hôm đó đã đón tôi như đón một người con đi xa trở về…

Với anh Hoàng, tôi có không ít kỷ niệm để nhớ, để kể. Những kỷ niệm cứ đầy lên theo năm tháng. Ở tòa soạn Văn nghệ Quân đội, những câu chuyện đã thành giai thoại về anh có rất nhiều. Các nhà văn ở tạp chí thường lấy thái độ ứng xử đối với anh để đo đếm tư cách của từng người. Riêng câu chuyện này thì tôi được chứng kiến. Năm 1976, anh vào Sài Gòn. Trước lúc đi, chị Hiền, vợ anh, đưa cho anh một số tiền dành dụm từ lâu để anh mua một chiếc ti vi về cho gia đình. Đó là một nhu cầu bình thường, một ước muốn bình thường của người dân Hà Nội lúc đó. Nhưng anh rất khổ sở. Nể chị, anh cầm số tiền ấy và coi nó như một món nợ. Vào đến Vĩnh Linh, anh bị cảm nặng. Anh Vũ Cao đã tính đến việc đành để anh ở lại nhà anh Ngô Thảo. Nhưng sáng hôm sau, anh khỏe lại và có thể đi tiếp cùng với đoàn. Lúc ngồi trên xe, anh nói nhỏ với tôi: “Tôi tưởng đã thoát được cái gói này rồi!”. Anh vỗ nhẹ những ngón tay gầy guộc vào túi áo ngực, nơi cất giữ số tiền để mua ti vi, nụ cười của anh thoáng một chút hài hước.

Nhưng rốt cuộc anh vẫn không thực hiện được sứ mạng mà chị Hiền và các con anh đã nhắn gửi. Số tiền không nhỏ ấy, anh đã chia đôi, một nửa trợ cấp cho người em ruột đang gặp khốn khó ở Sài Gòn, nửa còn lại đưa cho người thân trong gia đình chị cũng đang gặp khó khăn, để khi về, anh vui vẻ và hả hê mang ti vi, máy khâu cho một chị là nhân viên hành chính của tòa soạn.

Tuy là một nhà văn, nhưng anh Hoàng có rất ít thời gian dành cho sáng tác. Công việc ở cơ quan cuốn hút anh. Có một lần, tôi thấy anh với một vẻ mặt phấn khích thu xếp công việc để trở lại vùng căn cứ cũ nơi anh có rất nhiều kỷ niệm trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng mấy hôm sau, lại thấy anh bảo: “Mình không đi thực tế nữa. Mình trực để anh Vũ Cao đi. Anh ấy đi tốt hơn mình”.

Suốt đời, anh luôn nhường nhịn, vui vẻ nhận phần thiệt, phần ít về mình. Khi có thời gian để sáng tác thì anh không còn đủ sức khỏe nữa.

Mùa xuân năm 1979, tôi viết thư cho anh báo tin tôi chuẩn bị đi chiến trường Campuchia. Sau này, tôi nghe chị Hiền kể lại, vào buổi chiều 30 Tết năm đó, anh đột ngột đi khỏi nhà mà không nói gì với chị, khiến chị hết sức lo lắng. Anh đã lặng lẽ mang túi quà được tòa soạn phân phối, chen chúc trên xe buýt về Nhổn thăm mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi đã về quê từ mấy hôm trước. Anh lo cho tôi, lo cho mẹ tôi, nỗi lo của mười năm trước khi tôi vào chiến trường đối mặt với cái sống và cái chết trong gang tấc. Hồi đó, chiến sự đang diễn ra khốc liệt ở hai đầu đất nước.

Bây giờ, anh Hoàng đã nghỉ hưu. Anh vẫn sống trong một căn nhà cấp 4 ở khu tập thể cũ. Một cuộc sống vẫn nghèo, thanh bạch và có phần thiệt thòi. Anh ít đi ra ngoài, lặng lẽ và khiêm nhường như chiếc chao đèn thu ánh sáng trên bàn viết. Vào những ngày áp Tết hàng năm, tôi thường đem đến biếu anh một cây quất hoặc một cành đào. Tôi không nghĩ rằng đó là một nghĩa cử đền đáp. Không ai đền ơn nghĩa chỉ với một cây quất, một cành đào, đấy chỉ là một lời tự nhắc nhở của tôi về cái ân, cái nghĩa, cái cho và cái nhận ở đời.

Mỗi lần hỏi thăm về anh, mẹ tôi thường dạy: “Bác ấy sống tốt với con là để con sống tốt với những người khác”. Tôi hiểu điều mẹ tôi nói, nhưng sống tốt được với mọi người, nghĩ tốt về mọi người như anh Hoàng không phải là chuyện dễ học và dễ làm.

Theo Nguyễn Trí Huân (vannghequandoi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *